Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An 'gỡ vướng’ cho các dự án nhà ở xã hội

Dù Nghệ An có hàng chục dự án nhà ở xã hội được quy hoạch nhưng tiến độ triển khai còn chậm, chưa đáp ứng kịp nhu cầu thực tế.

 Dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp và cán bộ, công nhân viên tại TP Vinh. (Ảnh: Phạm Tâm)

“Nút thắt” tại các dự án nhà ở xã hội

Theo Sở Xây dựng Nghệ An, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 41 dự án có quy hoạch nhà ở xã hội đang triển khai, với tổng diện tích đất hơn 107ha.

Trong đó, 34 dự án đã lựa chọn được chủ đầu tư, dự kiến cung cấp khoảng 28.000 căn hộ; còn lại 7 dự án vẫn chưa lựa chọn được chủ đầu tư, với khoảng 8.000 căn hộ.

Nhằm đảm bảo đời sống và giữ chân người lao động, một số doanh nghiệp chủ động đầu tư xây dựng ký túc xá cho công nhân. Đơn cử như khu ký túc xá thuộc dự án Nhà máy Luxshare ICT tại huyện Hưng Nguyên, có khả năng đáp ứng chỗ ở cho khoảng 8.220 công nhân.

Hay như Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision cũng đầu tư xây dựng khu ký túc xá trên diện tích 2,865ha, đáp ứng nhu cầu lưu trú cho khoảng 1.200 công nhân.

Tuy nhiên, với tốc độ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Nghệ An như hiện nay, quỹ đất dành cho nhà ở công nhân cũng như tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Nhiều công nhân vẫn phải thuê trọ, di chuyển quãng đường dài từ nơi ở đến các khu công nghiệp. Điều kiện đi lại không đảm bảo an toàn, trong khi an ninh và trật tự tại các khu trọ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt đối với lao động nữ.

 Khu ký túc xá cho công nhân ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.

Theo Sở Xây dựng Nghệ An, quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các vấn đề chủ yếu gồm: Chậm giải phóng mặt bằng, chưa được giao đất, thủ tục pháp lý chưa đầy đủ, chủ đầu tư chậm triển khai...

Một ví dụ điển hình là dự án Khu nhà ở cho người có thu nhập thấp và cán bộ, công nhân viên tại phường Hưng Lộc (TP Vinh), do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư 210 tỷ đồng; với diện tích quy hoạch hơn 2,66ha, trong đó hơn 1,3ha dành cho 111 căn nhà ở thấp tầng, và hơn 0,35ha dành cho nhà ở xã hội.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội vào quý II/2020; khu nhà liền kề và biệt thự vào quý II/2023; khu nhà ở thu nhập thấp vào quý III/2024.

Tuy nhiên, đến nay, dù hết hạn theo kế hoạch, dự án vẫn chưa hoàn thành. Sau quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đồng ý gia hạn thời gian thực hiện dự án kéo dài thêm 12 tháng.

Việc chậm trễ trong triển khai các dự án nhà ở xã hội đang đặt ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo đời sống cho công nhân, cũng như ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh trong thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp.

Kiến nghị thu hồi dự án chậm tiến độ

Để "gỡ rối" cho các dự án nhà ở xã hội, UBND tỉnh Nghệ An vừa tổ chức cuộc họp nhằm nghe báo cáo của các sở, ngành liên quan và đóng góp giải pháp.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch tỉnh Hoàng Phú Hiền đánh giá, thời gian qua công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, kết quả vẫn chưa đạt kỳ vọng. Nhiều vướng mắc, khó khăn vẫn tồn tại và cần được tập trung xử lý một cách quyết liệt trong thời gian tới.

Trước thực trạng đó, ông Hoàng Phú Hiền giao Sở Xây dựng chủ trì, tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phát triển nhà ở xã hội; xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở trong năm 2025;

Rà soát toàn bộ các dự án, kiểm tra tình trạng pháp lý, tiến độ thực hiện so với phê duyệt ban đầu. Qua đó, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai đúng kế hoạch và tuân thủ quy định pháp luật.

 Nhiều dự án nhà ở xã hội tại Nghệ An bị chậm tiến độ.

Đối với những dự án chậm tiến độ, Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng tham mưu phương án thu hồi dự án, hoặc lựa chọn nhà đầu tư mới để tiếp tục triển khai theo mục tiêu đề ra.

Việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở cấp thiết cho người lao động, mà còn là yếu tố then chốt giúp Nghệ An giữ chân nguồn nhân lực, thu hút FDI và phát triển kinh tế bền vững.

Tác giả: Phạm Tâm

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn