Sắp xếp đơn vị hành chính: Bố trí cán bộ đúng người, đúng việc
- 14:58 17-04-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sắp xếp lại đơn vị hành chính, việc bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... là một trong những nội dung được bàn thảo tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 3 khóa X do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức để thảo luận, cho ý kiến một số nội dung trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và việc sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được đưa ra nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh chóng và bền vững trong bối cảnh mới.
Đảng ủy Chính phủ đã xây dựng đề án chi tiết và Trung ương cơ bản thống nhất tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu); kết thúc hoạt động của cấp huyện từ ngày 1/7/2025.
Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố, bao gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương. Cấp xã trên toàn quốc sẽ sáp nhập đảm bảo giảm cả nước giảm từ 60% đến 70% số lượng đơn vị hành chính so với hiện nay.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, đây là cuộc cách mạng về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp trong cả nước có quy mô lớn nhất, toàn diện, triệt để nhất từ trước đến nay; có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, mọi cấp, ngành, địa phương, trực tiếp đến từng người dân. Đồng thời cũng là bước đi quan trọng trong việc tiếp tục đổi mới tư duy quản trị quốc gia, quản trị địa phương, sắp xếp, tổ chức lại các tỉnh, thành phố, cấp xã để mở rộng không gian phát triển với tầm nhìn dài hạn, hướng tới xây dựng một chính quyền địa phương hiện đại, tinh gọn, hiệu quả và phục vụ người dân tốt nhất.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, bản chất của việc sáp nhập không nằm ở việc thay đổi địa giới hành chính một cách cơ học mà là tổ chức lại không gian phát triển, tổ chức lại hệ thống quản trị, tái cấu trúc lại mô hình vận hành quản trị nói chung và chính quyền địa phương các cấp nói riêng, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm của các địa phương.
Mục tiêu giảm số lượng đơn vị hành chính các cấp nhưng tăng được chất lượng, tinh gọn bộ máy đi đôi với việc nâng cao năng lực quản lý, bảo đảm chính quyền địa phương gần dân, sát dân hơn, và chăm lo đời sống người dân ngày càng tốt đẹp hơn.
"Hiệu quả của chủ trương này không chỉ đo lường bằng số lượng đơn vị hành chính giảm, mà quan trọng hơn là đo bằng hiệu quả quản lý nhà nước, giảm chi phí vận hành bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đáp ứng sự phát triển nhanh, bền vững của từng vùng, miền, địa phương trong giai đoạn mới. Đây là cuộc đổi mới toàn diện về tư duy, từng bước nâng tầm quản trị quốc gia với một mô hình chính quyền địa phương hiện đại, phù hợp với xu thế chung của thế giới", Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nói.
Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ triển khai chủ trương sắp xếp tỉnh, xã với tinh thần khoa học, hợp lý, đúng pháp luật và theo định hướng của Trung ương, đồng thời hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến người dân và doanh nghiệp.
Quá trình sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo lộ trình; quá trình thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, đúng người, đúng việc, đúng năng lực, hiệu quả công tác; giải quyết chế độ đãi ngộ hợp lý.
Bên cạnh đó, mô hình chính quyền địa phương hai cấp trong tương lai sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.
Tác giả: Kim Anh
Nguồn tin: vov.vn