Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những bài “tỉnh ca” nổi tiếng có còn tồn tại sau khi sáp nhập các địa phương?

Theo nhạc sĩ Giáng Son, dù những thay đổi hành chính có thể khiến các bài hát ít được sử dụng trong nghi lễ chính thống hay chương trình cấp tỉnh nhưng trong đời sống hằng ngày, người dân vẫn cất lên những giai điệu quen thuộc.

Trong nền âm nhạc Việt Nam có một dòng chảy riêng mang đậm dấu ấn vùng miền – đó là những ca khúc viết về các địa phương, thường được gọi một cách thân thuộc là “địa phương ca”. Đó là những bài hát gắn liền với tên gọi của một tỉnh, một huyện, một thị xã, đôi khi cụ thể đến mức chỉ nhắc đến một dòng sông, một cánh đồng hay một ngọn đồi. Dẫu thời gian trôi qua, dẫu tên gọi hành chính có đổi thay theo bước đi của lịch sử, những giai điệu ấy vẫn sống mãi trong lòng người dân – như một phần không thể tách rời của ký ức quê hương.

Những “địa phương ca” sống mãi với thời gian

Từ lâu, âm nhạc Việt Nam đã chứng kiến sự nở rộ của dòng ca khúc viết về địa phương – từ “phường xã, ca”, “huyện ca”, cho tới “tỉnh ca” hay “thành phố ca”. Những bài hát này phần lớn được sáng tác để cổ vũ, khích lệ tinh thần trong các giai đoạn phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa của một vùng đất cụ thể. Tuy nhiên, không ít tác phẩm đã vượt qua ranh giới “nội bộ” để trở thành ký ức chung của nhiều thế hệ người Việt.

Không thể không nhắc đến những tên tuổi như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với “Bài ca 5 tấn” (Thái Bình), “Dáng đứng Bến Tre”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Quảng Nam - Đà Nẵng đất nặng nghĩa tình”; hay nhạc sĩ Hoàng Vân với “Quảng Bình quê ta ơi”, “Tình ca Vũng Tàu”; nhạc sĩ Hoàng Hiệp với “Đất mũi Cà Mau”; Văn Ký với “Nha Trang mùa thu lại về”; Tân Huyền với “Tiếng hò trên đất Nghệ An”; nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu với “Quảng Nam yêu thương”... Những bài ca ấy không chỉ kể câu chuyện vùng đất mà còn phản ánh tâm tư, tình cảm, văn hóa đặc trưng của cư dân địa phương.

Có không ít ca khúc được sáng tác trong thời điểm địa danh ấy còn tồn tại, nhưng sau này do chia tách, sáp nhập hành chính, tên gọi địa phương đã thay đổi. Tuy vậy, các bài hát vẫn sống vững vàng trong đời sống văn hóa. “Hà Tây quê lụa” của nhạc sĩ Nhật Lai là một ví dụ điển hình – dù Hà Tây nay đã thuộc Hà Nội, nhưng câu hát ấy vẫn được người dân cất lên như một lời nhắn gửi về quê hương xưa. Tương tự là “Bình Trị Thiên khói lửa” của Nguyễn Văn Thương hay “Đàn sáo Hậu Giang” của Trần Long Ẩn – đều viết về những tỉnh cũ nay không còn tên gọi ban đầu trên bản đồ hành chính.

 Nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long

Nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho rằng: “Mỗi vùng đất đều mang trong mình một sứ mệnh riêng. Trong lịch sử dân tộc, chúng ta từng chứng kiến nhiều biến động – và sau mỗi biến động như vậy thường kéo theo sự xáo trộn trong tâm lý của những con người gắn bó với vùng đất đó. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần nhìn mọi chuyển động trong một bức tranh tổng thể, trong dòng chảy phát triển của đất nước qua từng giai đoạn”

Anh cũng nhấn mạnh: “Tình cảm với quê hương là điều không thể phủ nhận. Người Việt vốn nặng nghĩa nặng tình, nhất là với nơi chôn nhau cắt rốn. Dù đi đâu, vùng đất ấy vẫn luôn nằm trong trái tim mỗi người. Và vì thế, dù có sáp nhập hay chia tách, bản sắc văn hóa của mỗi địa phương vẫn còn nguyên vẹn. Cũng như với âm nhạc – mỗi bài hát mang theo sứ mệnh và ký ức riêng của nó”.

Một ví dụ sinh động là xứ Kinh Bắc – dù qua nhiều lần thay đổi về hành chính như từ Bắc Giang, Kinh Bắc, Hà Bắc rồi tách thành Bắc Ninh và Bắc Giang – nhưng văn hóa quan họ vẫn là một đặc sản văn hóa gắn chặt với vùng đất ấy. Cũng như bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” vẫn là niềm tự hào của người dân Quảng Bình, bất chấp việc vùng đất này từng gộp vào tỉnh Bình Trị Thiên rồi lại tách ra. Và sắp tới, Quảng Bình hợp nhất với Quảng Trị và không còn tên Quảng Bình nữa.

“Dù chia hay nhập, dù hành chính có đổi thay, thì những giá trị văn hóa – nghệ thuật ấy vẫn nguyên vẹn. Chúng không chỉ sống trong lòng người địa phương, mà còn được lan tỏa, nâng niu trong trái tim của những người yêu âm nhạc cả nước”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nói.

Âm nhạc không chịu ràng buộc bởi bản đồ hành chính

Nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ: “Những ca khúc đã gắn bó lâu dài với một vùng đất, đã ăn sâu vào tâm hồn người dân nơi đó thì dù thời gian có trôi đi, tên địa phương có thay đổi, giá trị của những bài hát ấy vẫn không thể thay thế. Đó là một phần máu thịt của người dân với vùng đất ấy”.

Theo nhạc sĩ Giáng Son, dù những thay đổi hành chính có thể khiến các bài hát ít được sử dụng trong nghi lễ chính thống hay chương trình cấp tỉnh nhưng trong đời sống hằng ngày, người dân vẫn cất lên những giai điệu quen thuộc. “Tôi tin rằng, người dân Hà Tây xưa vẫn hát ‘Hà Tây quê lụa’ như một cách để giữ lại ký ức về một vùng đất thân yêu đã từng hiện diện rõ ràng trên bản đồ”, Giáng Son nói. “Sáp nhập hay chia tách chỉ là chuyện hành chính. Còn ký ức, văn hóa, tình cảm thì âm nhạc vẫn luôn giữ gìn được trọn vẹn”.

 Nhạc sĩ Giáng Son

Nhạc sĩ Giáng Son cũng cho rằng, trong tương lai, các địa phương hoàn toàn có thể có thêm những ca khúc mới, phản ánh tinh thần mới, tên gọi mới. Nhưng điều đó không có nghĩa là bài hát cũ mất giá trị. “Những tác phẩm nghệ thuật ấy là ký ức tập thể – mà ký ức thì không thể xoá mờ chỉ bằng một quyết định hành chính”.

NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, khẳng định dứt khoát: “Giá trị của các tác phẩm nghệ thuật không thể bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi tên gọi địa phương. Chúng ta không thể máy móc cho rằng khi một tên tỉnh không còn thì bài hát về tỉnh đó không còn được hát nữa”.

Ông nhấn mạnh, chính âm nhạc là phương tiện lưu giữ ký ức lịch sử. “Tỉnh Vĩnh Linh trước đây nay chỉ còn là một huyện, nhưng cái tên Vĩnh Linh vẫn được nhắc đến trong thơ ca, âm nhạc. Bài hát ‘Đi tìm câu hát Lý thương nhau’ của Vĩnh An, viết về Nghĩa Bình – một tỉnh không còn – vẫn mang trong mình tình yêu, chất liệu văn hóa miền Trung sâu sắc”.

Theo NSND Phạm Ngọc Khôi, nếu chúng ta bỏ những bài hát ấy chỉ vì lý do tên gọi không còn thì chẳng khác nào tự cắt đứt với một phần lịch sử, văn hóa của dân tộc. “Không có luật lệ nào quy định rằng một bài hát không được hát chỉ vì địa danh trong tựa đề không còn trên bản đồ. Chúng ta càng không nên tự đặt ra giới hạn cho nghệ thuật”.

Nhìn lại lịch sử, việc chia tách, sáp nhập tỉnh thành đã nhiều lần diễn ra – như Hà Nam Ninh, Hoàng Liên Sơn, Bình Trị Thiên, Nghĩa Bình... Nhưng chưa bao giờ giá trị của những ca khúc viết về các vùng đất này bị phủ nhận. Ngược lại, thời gian còn khiến những bài hát ấy trở nên quý giá hơn, như những lát cắt không thể thiếu trong hành trình ghi nhớ một giai đoạn của lịch sử đất nước.

 NSND Phạm Ngọc Khôi

Từ góc độ văn hóa, mỗi bài hát địa phương là một cột mốc tinh thần. Nó không chỉ gợi nhớ một địa danh, mà còn gợi nhắc về con người, phong tục, ngôn ngữ, âm hưởng riêng biệt mà vùng đất ấy từng mang lại. Khi hát lên một câu ca quen thuộc, người ta không chỉ hát tên đất, tên làng, mà còn gọi về chính mình – những năm tháng gắn bó, những kỷ niệm không thể thay thế.

Sự sống của một tác phẩm nghệ thuật không đo bằng thời gian hành chính hay ranh giới địa lý, mà đo bằng độ sâu sắc nó để lại trong trái tim người nghe. Những “địa phương ca” – từ Bắc đến Nam – dù qua bao lần bản đồ đổi tên, thì vẫn ở lại như một phần tâm hồn của quê hương. Đó là điều mà không một nghị định, không một bản đồ hành chính nào có thể thay thế được. Và vì thế, chúng ta có quyền và có trách nhiệm giữ gìn những bài ca ấy – như giữ gìn chính ký ức của một vùng đất đã hóa tâm hồn.

Tác giả: Hà Phương

Nguồn tin: Báo VOV