Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Không hình thành cấp huyện thu nhỏ khi sáp nhập cấp xã
- 16:40 16-04-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (sáng 16/4), các đại biểu đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt chuyên đề “Về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi, bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị sửa đổi Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 và Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18/1/2025 của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030”.
Có 11 tỉnh, thành phố không thực hiện sáp nhập
![]() |
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt chuyên đề. |
Báo cáo tại hội nghị về chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là cấp tỉnh (gồm có tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (gồm có xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương), trong đó có 11 tỉnh, thành phố không thực hiện sáp nhập, gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết Trung ương Đảng cũng đã đồng ý kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện kể từ ngày 1/7/2025, sau khi Hiến pháp năm 2013 sửa đổi và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 sửa đổi có hiệu lực thi hành. Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.
Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư giao Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và khẩn trương xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền; trong đó căn cứ tiêu chí và thực tế địa phương, chủ động nghiên cứu phương án báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định sắp xếp tên gọi, địa điểm đặt trụ sở cấp xã bảo đảm chính quyền cấp xã gần dân, sát dân, tiết giảm chi phí, không hình thành cấp huyện thu nhỏ.
Về tổ chức đảng ở cấp tỉnh, cấp xã, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý chủ trương lập tổ chức đảng ở địa phương tương ứng với đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã; kết thúc hoạt động của đảng bộ cấp huyện. Mô hình tổ chức đảng ở cấp tỉnh cơ bản như hiện nay; tổ chức đảng ở xã, phường, đặc khu (gọi tắt là cấp xã), đảng bộ cấp xã là hạt nhân chính trị, lãnh đạo trực tiếp, toàn diện ở xã, phường, đặc khu...
![]() |
Trung ương cũng thống nhất chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang. |
Giảm mức đóng góp công đoàn phí của đoàn viên công đoàn
Liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; tổ chức Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết Trung ương Đảng đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn, hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã.
"Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy phải bảo đảm sâu sát cơ sở, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân và đoàn viên, hội viên của tổ chức", ông Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Trung ương cũng thống nhất chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang và giảm mức đóng góp công đoàn phí của đoàn viên công đoàn.
Đồng thời Bộ Chính trị thống nhất chủ trương về thời điểm tổ chức đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ngay sau Đại hội Đảng ở mỗi cấp; cấp Trung ương sẽ tổ chức đại hội sau Đại hội Đảng toàn quốc và bầu cử đại biểu Quốc hội.
Trung ương cũng đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, hệ thống tổ chức của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân có 3 cấp: Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cấp tỉnh và khu vực; kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao và cấp huyện...
Tác giả: Quốc Trần
Nguồn tin: congluan.vn