Tiết lộ lý do tỉnh duy nhất ở Việt Nam không nằm trong danh sách sáp nhập dù không đạt tiêu chí diện tích
- 05:49 16-04-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết nghị danh sách dự kiến 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Trong số 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện nay, có 11 đơn vị không thực hiện sáp nhập, 52 đơn vị còn lại sáp nhập, hợp nhất thành 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới.
Như vậy, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cả nước còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
![]() |
Danh sách dự kiến 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập - Nguồn: Người lao động |
Trong danh sách 11 đơn vị không thực hiện sáp nhập có tỉnh Cao Bằng. Đây được xác định là địa phương duy nhất của cả nước không không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên nhưng không thực hiện sáp nhập với tỉnh, thành khác. Cụ thể, Cao Bằng có diện tích tự nhiên 6.700,4 km², chỉ đạt 83,8% tiêu chuẩn.
Lý giải về việc không sáp nhập tỉnh Cao Bằng, trong Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp nêu rõ.
Theo đó, tỉnh Cao Bằng có đường biên giới quốc gia rất dài giáp với nước Trung Quốc, địa hình đồi núi cao chia cắt phức tạp, hiểm trở, có gần 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, các tỉnh giáp ranh với Cao Bằng đều không phù hợp để sắp xếp, sáp nhập.
![]() |
Tỉnh Cao Bằng có địa hình đồi núi cao chia cắt phức tạp, hiểm trở - Ảnh minh hoạ: TH Cao Bằng |
Cụ thể, Cao Bằng có phía Tây giáp ranh tỉnh Hà Giang đã dự kiến sáp nhập với tỉnh Tuyên Quang thành một tỉnh mới có diện tích tự nhiên lớn. Phía Nam tỉnh Cao Bằng giáp ranh với tỉnh Bắc Kạn nhưng đã dự kiến sáp nhập với tỉnh Thái Nguyên. Phía Đông tỉnh giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn có diện tích lớn và đã bảo đảm đạt 100% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích và quy mô dân số, nếu sáp nhập tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn sẽ thành một tỉnh mới có chiều dài đường biên giới lớn, khó khăn trong công tác bảo đảm quốc phòng an ninh.
Từ những lý do trên, Bộ Nội vụ đã đề xuất giữ nguyên hiện trạng, không thực hiện sáp nhập, sắp xếp đối với tỉnh Cao Bằng.
Các phương án sáp nhập đã được tính toán rất kỹ lưỡng
Ngày 14/4/2025, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký ban hành Quyết định số 759/QĐ-TTg phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.
Đề án xác định rõ 6 tiêu chí sắp xếp, trong đó tiêu chí về quốc phòng, an ninh yêu cầu việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phải đảm bảo xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực đảo, quần đảo và vùng biên giới.
Ngoài ra, các tiêu chí quan trọng khác như: diện tích tự nhiên; quy mô dân số; tiêu chí về địa kinh tế...
Theo quy định hiện hành, đối với các tỉnh, quy mô dân số tối thiểu phải là 900.000 người trở lên, đối với tỉnh miền núi, vùng cao. Các tỉnh không phải miền núi, vùng cao, phải từ 1,4 triệu người trở lên.
Về diện tích, tiêu chuẩn đối với các tỉnh tối thiểu là từ 5.000 km2 trở lên. Đối với các tỉnh miền núi, vùng cao tiêu chuẩn diện tích cao hơn, là 8.000 km2.
Lý giải về việc 11 tỉnh, thành giữ nguyên tại buổi tọa đàm do báo Dân Trí tổ chức, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), cho biết tại dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các địa phương này mới dừng lại ở việc xem xét tiêu chí diện tích tự nhiên, quy mô dân số.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: VGP |
Tuy nhiên, diện tích, dân số là yếu tố ban đầu, không phải yếu tố quyết định trong việc sắp xếp đơn vị hành chính. Trong quá trình sắp xếp, bên cạnh diện tích tự nhiên, dân số, cần cần tính đến yếu tố về quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế phải gắn với quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia.
Tại nhiều hội nghị và phiên họp thời gian qua, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng đã nhấn mạnh rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã là nhiệm vụ "hệ trọng và cấp bách", cần được thực hiện một cách "thận trọng, kỹ lưỡng, chất lượng".
Trong hội nghị giao ban công tác tháng 3/2025, bà Trà nhấn mạnh rằng việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp không chỉ nhằm tinh giản bộ máy mà còn phải đảm bảo phù hợp với lịch sử, văn hóa, truyền thống, tôn giáo, dân tộc, quốc phòng và an ninh. Quá trình này cần gắn kết chặt chẽ với các yếu tố địa chính trị, địa lý, địa kinh tế, địa văn hóa và khả năng hỗ trợ lẫn nhau để phát triển.
Tác giả: Trang Anh
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn