Phạm tội khi “ngáo đá” là tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng trách nhiệm hình sự?
- 07:45 02-04-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Như VOV đưa tin, ngày 28/3 Công an TP Hà Nội bắt giữ một nam thanh niên nghi là “ngáo đá” có biểu hiện kích động, đi lang thang cầm gậy gỗ vụt người đi đường làm một thanh niên bị thương chảy nhiều máu.
Trước đó ngày 27/3, tại phường Phượng Mao, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh xảy ra vụ việc nam thanh niên (Phan Văn Tuấn) nghi có biểu hiện “ngáo đá” vào nhà dân khống chế và dùng dao đe dọa cháu gái 9 tuổi. Qua 4 giờ "cân não", lực lượng Công an tỉnh Bắc Ninh đã giải cứu thành công cháu bé. Công an tỉnh Bắc Ninh đã bắt giữ Phan Văn Tuấn để điều tra về hành vi cướp tài sản; bắt, giam giữ người trái pháp luật. 1 ngày sau, đối tượng này vẫn có biểu hiện “ngáo đá”, chưa lấy được lời khai. Điều tra nhanh, Tuấn từng có 3 tiền án.
![]() |
Đối tượng Phan Văn Tuấn bị bắt để điều tra về hành vi cướp tài sản; bắt, giam giữ người trái pháp luật |
Vụ việc đáng tiếc hơn cũng xảy ra trong tháng 3 năm nay. Ngày 3/3/2025, Công an phường 7, TP Vũng Tàu đến nhà Dương Hữu Trí để kiểm tra đối tượng quản lý theo quy định, mời Trí về phường để thực hiện xét nghiệm ma túy theo lịch. Tuy nhiên, Trí không chấp hành, còn đuổi chém lực lượng chức năng. Thấy sự việc nghiêm trọng, Công an phường 7 tăng cường các lực lượng khác đến hiện trường để vận động, mời Trí về phường, nhưng Trí vẫn không chấp hành, còn xông lên dùng dao đâm trọng thương chiến sĩ cảnh sát cơ động Nguyễn Ngọc Minh N. Sau đó, Trí đốt xe, cố thủ tại tầng 2 trong nhà. Dù được đồng đội đưa đi cấp cứu ngay, chiến sĩ N. đã hy sinh tại bệnh viện.
Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh cho rằng, phạm tội khi “ngáo đá” (hay nói chính xác hơn là phạm tội khi sử dụng ma túy) không phải là tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 51, Điều 52, Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi năm 2017). Người sử dụng ma túy là người tự đưa mình vào trạng thái mất kiểm soát tinh thần và hành vi, vì vậy, căn cứ theo Điều 13, Bộ luật này, họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của mình. Do vậy, phạm tội khi sử dụng ma túy không làm thay đổi trách nhiệm hình sự của đối tượng phạm tội.
![]() |
Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh. |
Ngoài ra, việc sử dụng ma túy của đối tượng sẽ bị xử lý vi phạm hành chính. Căn cứ khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, đối tượng có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng.
Trở lại vụ việc thanh niên bị “ngáo đá” khống chế cháu bé 9 tuổi ở Bắc Ninh, luật sư Phạm Thành Tài đánh giá, đây là vụ việc có tính chất hết sức nghiêm trọng. Đối tượng thể hiện sự manh động, liều lĩnh, coi thường pháp luật và đe dọa trực tiếp tới sức khỏe, thậm chí tính mạng người khác. Đối với hành vi khống chế, bắt cóc bé gái làm con tin rồi yêu cầu cung cấp tiền và phương tiện để đối tượng bỏ trốn là hành vi có dấu hiệu của tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 169, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi năm 2017). Với tình tiết tăng nặng kịch khung hình phạt khi phạm tội “Đối với người dưới 16 tuổi”, đối tượng có thể bị xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều này, mức phạt có thể áp dụng là 5 năm đến 12 năm tù. Tuy nhiên, việc định khung hình phạt còn tùy thuộc vào giá trị tài sản chiếm đoạt, nếu giá trị lớn, có thể áp dụng mức phạt cao nhất là tù chung thân.
Tác giả: Minh Thư
Nguồn tin: vov.vn