Có gì đặc biệt ở dự án 21.100 tỷ "độc nhất", quan hệ mật thiết với nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận?
- 11:09 25-02-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 22/2/2025 tiếp tục đánh dấu bước tiến quan trọng trong lịch sử ngành năng lượng Việt Nam nói riêng và nước ta nói chung: Tổ chức Lễ khởi công Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái - giai đoạn 2.
Sau khi hoàn thành - dự kiến vào năm 2031, Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái (tại huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận) sẽ góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững; góp phần hiện thực hóa cam kết đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26).
![]() |
Hình minh họa về nhà máy thủy điện tích năng. |
Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, dự án Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án có công suất 1.200 Megawatt, gồm 4 tổ máy Tuabin/bơm – Máy phát/động cơ có công suất 300 Megawatt/tổ máy.
Tổng mức đầu tư của dự án thủy điện tích năng Bác Ái là khoảng 21.100 tỷ đồng, nguồn vốn cho dự án được thu xếp từ vốn vay và vốn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bố trí. Dự kiến sẽ hoàn thành tổ máy 1 vào tháng 12/2029, hoàn thành tổ máy 4 vào tháng 12/2030 và hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 5/2031.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ông Trịnh Minh Hoàng, mô tả tại Lễ khởi công ngày 22/2 rằng dự án Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái "là công trình độc nhất Việt Nam hiện nay".
Ông Hoàng chỉ rõ, dự án này "có mối quan hệ mật thiết" với dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, "giúp điều hòa hệ thống, phát điện phủ đỉnh và sử dụng hiệu quả nguồn điện nền của hạt nhân để tích nước cho dự án thủy điện tích năng".
"Đề nghị EVN tập trung nguồn lực để triển khai đồng bộ 2 dự án, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ để phát huy hiệu quả đầu tư," - ông Trịnh Minh Hoàng nói.
Điều đặc biệt khiến Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái trở thành công trình "độc nhất" là bởi, đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai xây dựng một nhà máy điện tích năng.
Vậy nhà máy điện tích năng là gì, có điểm gì khác biệt so với một nhà máy thủy điện khác và vai trò của nó đối với hành trình tới Net Zero của Việt Nam như thế nào?
Thủy điện tích năng - Công nghệ pin lớn nhất thế giới
Thủy điện, lần đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ 19, là nguồn năng lượng tái tạo lâu đời nhất và quan trọng nhất xét về mặt định lượng: như Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) chỉ ra, công suất lắp đặt của nó tương đương với tất cả các nguồn năng lượng tái tạo khác cộng lại.
Đây là nguồn năng lượng đóng góp quan trọng vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vì nó tránh sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm phát thải CO2, các loại khí gây biến đổi khí hậu và các hạt vật chất, do đó chống lại ô nhiễm và hiệu ứng nhà kính.
Năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh chóng, điều đó là không thể phủ nhận. Nhưng lưu trữ năng lượng để sử dụng sau này mới là chìa khóa để đưa năng lượng vào nguồn cung cấp điện quốc gia đáng tin cậy.
Đó chính là lúc công nghệ thủy điện tích năng xuất hiện.
Thủy điện tích năng (Pumped storage hydropower - PSH) là một hình thức lưu trữ năng lượng sử dụng thế năng hấp dẫn của nước. Lưu trữ năng lượng đạt được bằng cách bơm nước từ một hồ chứa ở độ cao thấp hơn đến một hồ chứa ở độ cao cao hơn. Sau đó, có thể thu hồi năng lượng bằng cách xả nước trở lại từ hồ chứa cao hơn vào hồ chứa thấp hơn thông qua một tuabin, trong đó dòng nước tạo ra điện.
![]() |
Sơ đồ điển hình của một nhà máy thủy điện tích năng. Nguồn: Sciencedirect |
Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, thủy điện tích năng có 2 loại chính: Thủy điện tích năng vòng hở và thủy điện tích năng vòng kín. Trong đó, PSH vòng hở có kết nối thủy văn liên tục với một khối nước chảy tự nhiên (ví dụ như sông). Với PSH vòng kín, các hồ chứa không được kết nối với một khối nước bên ngoài.
Công nghệ thủy điện tích năng được triển khai đầu tiên trên thế giới là tại ý và Thụy Sĩ vào những năm 1890. Hiện nay, thủy điện tích năng có thể được tìm thấy trên khắp thế giới!
Hiệp hội Thủy điện Quốc tế (IHA) nhận định, thủy điện tích năng hoạt động tương tự như một cục pin khổng lồ, vì nó có thể lưu trữ điện và sau đó cấp điện khi cần.
Lượng năng lượng mà một dự án PSH có thể lưu trữ phụ thuộc vào kích thước và độ chênh lệch chiều cao của hai hồ chứa tạo nên nó, trong khi lượng điện mà nó có thể sản xuất cùng một lúc phụ thuộc vào kích thước của các tuabin.
Vậy điểm khác biệt giữa nhà máy thủy điện với nhà máy thủy điện tích năng là gì?
Nhìn chung, một nhà máy thủy điện nói chung chuyển đổi năng lượng thủy lực thành điện. Có nhiều loại nhà máy thủy điện: Thủy điện dòng chảy (ROR); hồ chứa thủy điện; thủy điện tích năng.
Nguyên lý hoạt động cơ bản của tất cả chúng đều giống nhau: Nước chảy qua một tuabin để tạo ra điện.
Tuy nhiên, không giống như các nhà máy điện chạy bằng dòng chảy hoặc hồ chứa, các nhà máy thủy điện tích năng cho phép chúng ta lưu trữ và lên lịch phát điện thủy điện, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định lưới điện. Đây chính là điểm khác biệt.
Thời kỳ phục hưng của thủy điện tích năng
Hiệp hội Thủy điện Quốc tế (IHA) đánh giá, thủy điện tích năng hiện đang trong thời kỳ phục hưng khi các nhà lãnh đạo thế giới công nhận đây là giải pháp lưu trữ năng lượng linh hoạt, đáng tin cậy và có thể tái tạo trong thời gian dài.
Hiện, các dự án thủy điện tích năng trên toàn thế giới có thể lưu trữ tới 9.000 Gigawatt giờ (GWh) điện.
![]() |
Bên trong nhà máy thủy điện tích năng Bath County của Mỹ. Ảnh: Jeffrey Ocampo/Dominion Energy |
Tiềm năng của thủy điện tích năng trong tương lai được thấy rõ trong Atlas mới nhất của Đại học Quốc gia Australia khi chỉ rõ 820.000 địa điểm có thể xây dựng thủy điện tích năng trên toàn cầu, với tiềm năng lưu trữ năng lượng là 86 triệu GWh - tương đương với khoảng 2.000 tỷ pin EV.
Việc Việt Nam đầu tư 21.100 tỷ đồng để xây dựng Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái cho thấy đây là kế hoạch phù hợp với xu thế phát triển năng lượng sạch cũng như lưu trữ năng lượng sạch trên quy mô lớn của thế giới.
Không những thế, Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái sau khi hoàn thành còn góp phần hiện thực hóa cam kết đạt được mục tiêu Net Zero năm 2050 của Việt Nam bởi những lợi thế to lớn mà một nhà máy thủy điện tích năng đem lại, bao gồm: Hiệu suất năng lượng cao; Lưu trữ năng lượng hiệu quả; Mang lại tính linh hoạt và ổn định cho lưới điện; Giảm phát thải CO2; và Khả năng phục hồi điện nhanh.
Tác giả: Trang Ly
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn