“Xung lực” mới cho Nghệ An nhìn từ dự án tỷ đô
- 06:45 25-02-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều ý kiến cho rằng, dự án điện khí tỷ đô trên không chỉ mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khối nội trong giai đoạn thi công xây dựng, mà xa hơn nữa là nâng cấp ngành công nghiệp tỉnh lên một tầm cao mới, đưa Nghệ An sớm hoàn thành các mục tiêu kinh tế đề ra.
“Nổi lửa” dự án điện khí tỷ đô
Sơ lược về dự án nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập, đây là 1 trong 14 dự án nhiệt điện sử dụng khí LNG thuộc danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành Điện đến năm 2030, nhằm đưa tổng công suất nhiệt điện LNG cả nước đạt 22.400 MW. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2,15 tỷ USD, dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn trước năm 2030.
![]() |
Dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung ứng điện ổn định, bền vững cho khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. |
Theo quy hoạch, dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập có công suất 1.500 MW, bao gồm 2 tổ máy. Quy mô dự án gồm nhà máy điện khí, bến cảng cho tàu khoảng 100.000 - 150.000 DWT, kho khí LNG và hệ thống tái hoá khí. Nhu cầu nhiên liệu của nhà máy nhập khẩu khí LNG khoảng 1,15 triệu tấn/năm.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Văn Hoá – Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết: Dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập được triển khai nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định cho quốc gia nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng, đồng thời thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và khu vực.
“Bên cạnh đó, dự án phù hợp với mục tiêu phát triển năng lượng quốc gia được đề ra tại Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, nhà máy cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP 26 về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường”, ông Phạm Văn Hoá nói.
Cũng bởi vậy, dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập là một trong những dự án trọng điểm được chính quyền tỉnh Nghệ An quyết tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Hiện nay, UBND tỉnh cũng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục để hoàn thành việc chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà máy Nhiệt điện LNG Quỳnh Lập trong quý I/2025 theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Được biết, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước bày tỏ sự quan tâm đến dự án khi tham gia nộp hồ sơ, điển hình như: Liên danh Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP; Công ty TNHH Mía đường Nghệ An và SK E&S CO.,LTD.; Tổng công ty Phát điện 1 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản; Liên danh CTCP Đầu tư năng lượng Bamboo Việt Thành và Gulf Petroleum Limited (Qatar); Liên danh Công ty POSO International của Hàn Quốc và CTCP đầu tư xây dựng Trung Nam;…
“Đánh thức” Khu công nghiệp Đông Hồi
Khu công nghiệp Đông Hồi, TX Hoàng Mai được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng lần đầu tiên tại Quyết định số 02/QĐ-UBND.CN ngày 04/01/2010, với diện tích 1.436 ha, tổng vốn đầu tư 5.388 tỷ đồng và thời gian hoạt động là 50 năm. Dự kiến, Đông Hồi sẽ trở thành khu công nghiệp tổng hợp đa ngành, bao gồm: Nhiệt điện, phụ trợ nhiệt điện, xi măng, đóng tàu phà, sửa chữa cơ khí…
![]() |
Với dự án nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập, Khu công nghiệp Đông Hồi được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm công nghiệp đa ngành của tỉnh Nghệ An. |
Tuy nhiên, trải qua gần 1,5 thập kỷ, khu công nghiệp này hiện vẫn chìm trong giấc “ngủ đông” khi nhiều hạng mục chưa được triển khai thi công thực hiện. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập, với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ USD sẽ tạo ra những tác động tích cực đối với Khu công nghiệp Đông Hồi nói riêng, ngành công nghiệp của tỉnh Nghệ An nói riêng trong thời gian tới.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Văn Hoá – Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An phân tích: Trước hết, dự án sẽ cung cấp nguồn điện ổn định, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Đông Hồi, góp phần thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc phát triển hạ tầng điện khí cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành chuỗi cung ứng đồng bộ trong khu vực.
“Ở quy mô rộng hơn, dự án sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp tỉnh Nghệ An, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, gia tăng giá trị sản xuất và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Đồng thời, với việc sử dụng nhiên liệu sạch hơn so với các nguồn năng lượng truyền thống, dự án còn góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển xanh và bền vững của tỉnh” – ông Phạm Văn Hoá nhấn mạnh.
Cũng theo Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, mặc dù dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập hiện đang triển khai các thủ tục chấp thuận đầu tư dự án nhưng quá trình triển khai vẫn mang lại nhiều lợi ích kinh tế quan trọng. Cụ thể, việc đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư sẽ mở ra cơ hội thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước, tạo động lực phát triển cho ngành năng lượng và công nghiệp địa phương.
Bên cạnh đó, dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập còn tác động tích cực đến ngành xây dựng và dịch vụ khi được khởi công xây dựng. Các hoạt động xây dựng, lắp đặt hạ tầng sẽ thúc đẩy nhu cầu lao động, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải và các ngành liên quan, từ đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
“Mặc dù chưa tác động trực tiếp đến tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong năm 2025 vì dự án đang trong quá trình triển khai các thủ tục đầu tư dự án, nhưng với những đóng góp gián tiếp kể trên, dự án vẫn là một yếu tố quan trọng giúp Nghệ An tiến gần hơn đến mục tiêu tăng trưởng 10,5% trong năm 2025” – ông Phạm Văn Hoá nói.
Tác giả: Hồng Quang
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn