Những mảnh đời bị đánh cắp bởi "vở kịch" lừa đảo
- 09:41 15-02-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 12-2-2025, TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đặc biệt tinh vi, xảy ra tại quận 2 (nay là TP Thủ Đức). Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh (54 tuổi) bị truy tố ở khoản 4 điều 139 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt từ 12 năm đến tù chung thân.
Cái giá của lòng tham
Đứng trước bục khai báo, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh cúi gằm mặt. Dáng người còm cõi, mái tóc lơ thơ được buộc vội, để lộ khuôn mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu. Trông bà có vẻ già hơn nhiều so với tuổi thật. Dáng vẻ khắc khổ này khiến người dự khán thoáng chút chạnh lòng. Thế nhưng, khi bản cáo trạng được công bố, chút cảm thông kia nhanh chóng nhường chỗ cho những phẫn nộ. Hạnh không phải là người bị ép buộc hay vô tình dính líu vào vụ án. Bà ta là một trong những "diễn viên" chủ chốt của một vụ lừa đảo được dàn dựng không khác gì những bộ phim tội phạm trên màn ảnh. Chỉ có điều, nạn nhân của nhóm Hạnh là những con người thật, bằng xương, bằng thịt. Nhóm này đã "cướp" đi những đồng tiền là mồ hôi, nước mắt mà họ vất vả chắt chiu.
Tại tòa, ông L.T.S - bị hại, nghẹn giọng khi nhớ lại quãng thời gian lao đao vì vụ lừa đảo. Vô tình bị lôi vào vòng xoáy vụ án, hai anh em ông không chỉ mất trắng 6 tỉ đồng mà cuộc sống còn mất đi sự bình yên, nhiều lúc tưởng chừng kiệt quệ cả về tài chính lẫn tinh thần. Ông kể rằng, dù đã cẩn trọng yêu cầu được giao dịch trực tiếp với bên bán nhưng ông vẫn không thể tránh khỏi cái bẫy mà các đối tượng giăng ra.
Vụ án bắt đầu từ giữa tháng 11-2016, vợ chồng bà Hiền rao bán đất ở phường Bình Khánh, quận 2. Một người đàn ông lạ mặt tên Minh liên hệ mua và xem giấy tờ. Hai ngày sau, Minh trở lại cùng hai người tự xưng là ba, mẹ vợ từ Mỹ về. Chúng lợi dụng sơ hở đánh tráo giấy tờ nhà đất của bà Hiền. Sau đó, bà Hiền phát hiện giấy tờ nhà đất của mình đã bị làm giả. Vụ việc được trình báo công an.
Ngày 20-11-2016, đối tượng tên Phong đã dàn dựng màn kịch lừa đảo này. Hắn thuê Lê Thị Mỹ Dung tìm người đóng giả vợ chồng bà Hiền để ký hợp đồng ủy quyền nhà đất. Dung tìm đến Nguyễn Thị Hồng Hạnh đóng giả bà Hiền. Một phụ nữ khác tên Liễu thuê Lê Văn Trợ đóng giả chồng bà Hiền. Cặp vợ chồng giả này đã ký tên vào hợp đồng ủy quyền. Anh em ông S. sập bẫy và chuyển cho nhóm lừa đảo 6 tỉ đồng. Ngay sau khi nhận tiền, nhóm lừa đảo biến mất.
Sau khi vụ án bị phát giác, Lê Thị Mỹ Dung và Lê Văn Trợ bị bắt và nhận án lần lượt là 13 và 7 năm tù giam. Đến tháng 4-2024, Nguyễn Thị Hồng Hạnh bị bắt. Các đối tượng còn lại vẫn "biệt vô âm tín".
Trước tòa, bị cáo Hạnh liên tục biện minh rằng mình nghèo, không biết chữ, không hiểu rõ sự việc. Những lời khai ấy khiến đại diện VKS không khỏi bức xúc. Vị này lên tiếng: "Bị cáo không biết chữ nhưng vẫn nghe, vẫn nói, vẫn nhận thức được điều gì đúng - điều gì sai, ít nhất là về đạo đức xã hội. Vậy mà hết lần này đến lần khác, bị cáo giúp sức cho đường dây lừa đảo, góp phần chiếm đoạt tài sản của bị hại, khiến họ đã mất trắng cả gia tài. Chưa kể, ngay cả chủ đất cũng bị liên lụy, thiệt hại…".
Lời công tố vang lên, dội vào lòng những người có mặt. Bị cáo Hạnh cúi đầu, đôi vai run lên khe khẽ. Nhưng sự ăn năn - nếu có - cũng đã quá muộn màng.
Tha thứ
Chủ tọa nhìn bị cáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh, giọng nghiêm nghị: "Bị cáo có bàn bạc, thỏa thuận với Dung về số tiền muốn nhận không?". Hạnh cất giọng lí nhí: "Bị cáo không. Làm xong việc, Dung đưa cho bị cáo 10 triệu, bị cáo mừng lắm. Sau đó, Dung nói thấy bị cáo nghèo quá nên cho thêm 5 triệu nữa, tổng cộng 15 triệu". Cả phòng xử án lặng đi. Một mắt xích quan trọng trong đường dây lừa đảo chỉ nhận được số tiền nhỏ nhoi so với 6 tỉ đồng và những gì nạn nhân đã mất.
![]() |
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh tại tòa |
Vì bị truy tố lên tới mức án tù chung thân, bị cáo Hạnh được HĐXX chỉ định một luật sư bào chữa miễn phí. Thay mặt thân chủ, vị luật sư gửi lời xin lỗi đến bị hại - những người có lẽ cả đời cũng không quên được cú sốc đã qua. Tiếp đó, bà chậm rãi kể về cuộc đời bị cáo, một người đàn bà ít học, chật vật mưu sinh, có 3 người con thì hai người đã sa chân vào con đường tù tội. Bản thân bị cáo phải gánh vác trách nhiệm nuôi nấng 3 đứa cháu nhỏ mà trong đó, 1 đứa đang chống chọi với căn bệnh ung thư máu. "Nghèo khó, ít học không thể biện minh cho tội lỗi bị cáo gây ra nhưng đôi khi, đó là con dốc đẩy con người ta vào sai lầm" - vị luật sư khẩn thiết.
Những lời bào chữa ấy liệu có thể xoa dịu nỗi đau của bị hại? Có thể bù đắp những tổn thất mà họ đã phải gánh chịu suốt gần một thập kỷ qua? Câu trả lời dường như quá rõ ràng. "Đồng tiền đi liền khúc ruột", bị hại thừa nhận mất tiền là nỗi đau khó quên nhưng đến lúc này, ông và gia đình cũng không còn nhiều hy vọng lấy lại được gì. Hơn 4 năm qua kể từ khi 2 trong số các đối tượng trong đường dây lừa đảo bị kết án, ông đã ngồi vào ghế bị hại ở 3 phiên tòa trong 2 cấp xét xử nhưng những kẻ cầm đầu vẫn "biệt vô âm tín" còn khoản bồi thường cứ như thế nằm yên trên giấy tờ thi hành án.
Nhắc lại vụ án, ông vẫn không khỏi bất bình. Nhưng đứng trước người đàn bà còm cõi, cô độc giữa phiên tòa hôm ấy, ông không thể trút nỗi căm giận của mình. Nỗi căm phẫn của ông chỉ có thể hướng về những kẻ chưa rõ danh tính - những kẻ đã ôm trọn số tiền khổng lồ rồi biến mất, bỏ lại phía sau những cuộc đời bị hủy hoại, trong đó có 3 đứa trẻ sắp rơi vào cảnh không nơi nương tựa. "Tôi cũng mong HĐXX xem xét một bản án khoan hồng. Để bị cáo có cơ hội sửa sai, trở về, làm lại cuộc đời" - bị hại nói, giọng ông chậm rãi, chân thành.
Bản án nào dành cho Hạnh cũng không thể bù đắp được những mất mát mà các bị hại phải gánh chịu. Nhưng có lẽ, điều đọng lại sau phiên tòa này không chỉ là những con số, những bản án, mà còn là những phận đời, những nỗi đau và cả những bài học về lòng tham, sự tử tế và giá trị của đồng tiền.
Trong quá trình lượng hình HĐXX đã cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ, bao gồm đề nghị từ bị hại để tuyên phạt Nguyễn Thị Hồng Hạnh 13 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", buộc bồi thường 35 triệu đồng. |
Tác giả: Trần Thái
Nguồn tin: Báo Người Lao Động