Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cầu gỗ lim 64 tỉ đồng dọc sông Hương bị mục

Cây cầu đi bộ bằng gỗ lim dọc sông Hương ở Huế sau 7 năm hoạt động đã xuất hiện tình trạng mục nát, nhiều thanh gỗ mặt cầu bị hư hỏng.

 Một đoạn gỗ lim mặt cầu bị mục, xuống cấp - Ảnh: NHẬT LINH

Cầu nằm sát mặt nước sông Hương, được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 64 tỉ đồng, do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ và được làm bằng gỗ lim nhập khẩu từ châu Phi.

Cầu bị mục do thời tiết

Cây cầu đi bộ bằng gỗ lim ở bờ nam sông Hương đã trở thành điểm đến du lịch "hot" tại quận Thuận Hóa, TP Huế trong nhiều năm qua. Với thiết kế sát mặt nước sông Hương thơ mộng, đây là địa điểm check-in và nơi người dân Huế cũng như khách du lịch đến đi bộ thư giãn hằng ngày.

Cầu được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2018, với sàn cầu dài hơn 380m, rộng 4m, cách mặt nước khoảng 1m. 

Đây là công trình thí điểm thuộc dự án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do KOICA tài trợ với tổng kinh phí hơn 64 tỉ đồng.

Riêng diện tích sàn cầu trên 2.440m² được lát bằng gỗ lim nhập khẩu từ Nam Phi với kinh phí 5,7 tỉ đồng.

Sau 7 năm hoạt động, cây cầu đã chứng minh giá trị của mình khi trở thành một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến Huế.

 Nhân viên của Trung tâm Công viên cây xanh quận Thuận Hóa, TP Huế cạy những thanh gỗ bị hư hại để thay thế

Tuy nhiên do bằng gỗ lộ thiên và chịu ảnh hưởng nặng nề của khí hậu khắc nghiệt xứ Huế, đặc biệt trong mùa mưa lũ, cầu thường bị ngâm trong nước lụt nhiều ngày khi sông Hương dâng cao khiến nhiều thanh gỗ lim bị mục nát, hư hỏng.

Ông Dương Quang Hiền, phó giám đốc phụ trách Trung tâm Công viên cây xanh quận Thuận Hóa, cho biết qua kiểm tra có 52 thanh gỗ lim bị hư hại, mục nát.

Sau khi nhận được thông tin, trung tâm đã cử người đến thay thế những thanh gỗ bị hư hại.

Gỗ lim có bị hư hại do ngâm nước?

Nhiều người cho rằng gỗ lim là một trong "tứ thiết mộc" với khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt và có thể ngâm nước trong thời gian dài. Tuy nhiên việc cầu gỗ lim dọc sông Hương bị mục do thời tiết khiến nhiều người nghi ngại về chất lượng của công trình.

 Cầu gỗ lim dọc sông Hương bị ngập trong nước lụt vào năm 2023

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chuyên gia thực vật học Đỗ Xuân Cẩm cho rằng việc cây cầu gỗ lim bị mục nát, xuống cấp do thời tiết là chuyện sớm muộn. Trước khi cây cầu được xây dựng, trong một cuộc họp lấy ý kiến chuyên gia do UBND TP Huế (cũ) tổ chức, ông đã đưa ra thông tin này.

"Gỗ lim dù là loại gỗ tốt nằm trong "tứ thiết mộc" (đinh, lim, sến, táu), nhưng nếu bị ngâm nước và phơi nắng gắt, chịu khí hậu khắc nghiệt của xứ Huế thì vẫn sẽ bị mục nát nếu không có sự bảo vệ, che chắn. Một điểm nữa là những thanh gỗ lim này được nhập từ châu Phi nên cũng không rõ độ tuổi của loại gỗ này", ông Cẩm nói.

Theo ông Cẩm, chất lượng của gỗ lim được đánh giá qua độ tuổi của cây. Nếu cây gỗ lim có tuổi đời trên trăm năm, khả năng chống chịu với thời tiết sẽ khác so với những thanh gỗ non tuổi.

Với cây cầu gỗ lim dọc sông Hương, ông Cẩm cho rằng việc xuống cấp là chuyện bình thường đối với một công trình lộ thiên, đặc biệt khi đã có 7 năm hoạt động, trải qua nhiều mùa mưa nắng và lũ lụt ở xứ Huế.

Một số hình ảnh cầu gỗ lim dọc sông Hương bị mục:

 Những thanh gỗ lim châu Phi mới được đưa đến để thay thế

 Một đoạn gỗ lim châu Phi trên mặt cầu bị mục nặng do ngâm nước

 Những đoạn gỗ lim châu Phi bị hư hại nặng

 Cầu gỗ lim dọc sông Hương là điểm đến không thể bỏ qua với du khách khi đến Huế nhiều năm gần đây

Tác giả: Nhật Linh

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ