Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Có nên ăn dưa hấu trưng Tết?

Dưa hấu trên mâm ngũ quả lâu ngày có thể không còn tươi, thậm chí chứa chất bảo quản để kéo dài thời gian sử dụng.

 Người xưa quan niệm dưa hấu với vỏ xanh và ruột đỏ sẽ mang lại sự may mắn. Ảnh: Zen Nguyễn.

Dưa hấu là loại quả quen thuộc trong mâm ngũ quả ngày Tết của người Việt, tượng trưng cho may mắn, sung túc và tràn đầy sức sống. Trước đây, dưa hấu ruột đỏ được ưa chuộng nhờ sắc đỏ mang ý nghĩa tốt lành, nhưng hiện nay, nhiều gia đình cũng chọn dưa hấu ruột vàng vì màu vàng tượng trưng cho phú quý.

Sau khi hạ mâm ngũ quả, nhiều người băn khoăn liệu có nên ăn dưa hấu hay không, do lo ngại loại quả này có thể đã bị tẩm hóa chất để bảo quản lâu hơn.

Cẩn thận với dưa trưng Tết lâu ngày

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Khoa học và Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết dưa hấu bày trên mâm ngũ quả nhiều ngày thực chất không còn tươi mới. Để dưa hấu lâu hỏng, một số cơ sở có thể sử dụng chất bảo quản.

"Thuốc có thể được tiêm qua phần cuống quả, sau đó lan truyền ra toàn bộ quả. Chúng có tác dụng hạn chế hô hấp cho dưa và ngăn vi sinh vật phát triển. Ngoài ra, vỏ dưa hấu dày hơn so với nhiều loại quả khác nên thời gian bảo quản cũng lâu hơn. Tuy nhiên, nếu dưa hấu để 15-20 ngày vẫn không hỏng, người dân không nên sử dụng vì nguy cơ cao đã bị dùng chất bảo quản", PGS Thịnh cảnh báo.

Theo chuyên gia, các hóa chất bảo quản không gây tác hại ngay lập tức, nhưng có thể tích tụ dần trong cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài. Do đó, người dân nên thận trọng khi ăn dưa hấu đã trưng nhiều ngày, đặc biệt nếu quả vẫn giữ nguyên độ tươi sau thời gian dài.

 PGS Thịnh khuyến cáo người dân chỉ nên ăn loại dưa còn tươi mới. Ảnh: Freepik.

Vì vậy, PGS Thịnh khuyến cáo người dân chỉ nên ăn loại dưa còn tươi mới. Dưa mới thu hoạch thường có cuống tươi. Nếu cuống chuyển màu nâu đen, xoắn lại, giòn và dễ gãy là dưa thu hoạch đã lâu, hạn chế mua loại này.

Ngoài ra, người dân không nên ăn dưa hấu trước và ngay sau bữa ăn. Thành phần nước trong dưa hấu có thể làm loãng dịch tiêu hóa trong dạ dày, ăn trước và ngay sau bữa ăn có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ tiêu hóa thức ăn. Đồng thời, với lượng nước lớn vào cơ thể sẽ chiếm phần lớn dung tích chứa của dạ dày gây cảm giác no, giảm yếu tố kích thích ăn uống, ảnh hưởng tới sức khỏe (đặc biệt là sức khỏe trẻ em, thai phụ).

Một thời điểm khác trong ngày nên tránh ăn dưa hấu là buổi tối. Đường trong dưa hấu là fructose. Các nghiên cứu từ lâu đã tìm thấy fructose mặc dù không làm tăng đáng kể lượng đường trong máu, nhưng nó làm tăng sự thèm ăn.

Vì sao không nên ăn quá nhiều dưa hấu?

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết dưa hấu không chỉ ngon miệng, tính giải nhiệt cao, mà còn giàu vitamin như A, B6, C...

Bên cạnh nhiều lợi ích, việc ăn quá nhiều dưa hấu sẽ phải đối mặt với các tình trạng dưới đây:

Rối loạn tiêu hóa: Người ăn có thể bị trướng bụng, đầy hơi, chán ăn, đi tả, do tỳ vị bị tổn hại khi nạp vào cơ thể quá nhiều loại quả này. Do đó, những người có đường ruột yếu kém do tuổi tác hay bệnh lý không nên ăn dưa hấu.

Có hại cho người bệnh viêm loét dạ dày: Dưa hấu chứa nhiều nước, có tác dụng lợi tiểu. Ăn nhiều dưa hấu sẽ khiến hệ bài tiết nước tiểu tăng, làm mất đi lượng nước cần thiết khiến các vết loét khó được phục hồi.

Gây đầy hơi, buồn nôn: Tác dụng phụ của chất chống oxy hóa lycopene chứa trong dưa hấu là gây nên hiện tượng đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn nếu khối lượng lớn chất này được đưa vào cơ thể và không được hấp thụ hết. Do đó, khi có hiện tượng nôn và buồn nôn, bạn nên dừng ngay việc ăn dưa hấu lại và có biện pháp giải độc kịp thời.

Dễ gây đau tim: Tuy tác dụng của dưa hấu là làm ổn định nhịp tim, giúp phòng tránh các bệnh về tim mạch nhờ vào lượng kali dồi dào. Ăn quá nhiều dưa hấu khiến lượng kali quá cao sẽ làm rối loạn nhịp tim và hệ thần kinh trung tâm gây ra những cơn đau tim bất thường.

Gây tổn thương thận: Khi ăn nhiều dưa hấu, lượng nước vào cơ thể nhiều, khiến thận phải hoạt động với tần suất cao, điều này có thể gây tổn thương thận và dẫn đến các bệnh về thận. Bên cạnh đó, dưa hấu còn làm giảm lượng đường trong máu khi ăn quá nhiều. Điều này làm rối loạn việc sản xuất insulin gây hại đến thận.

Giảm huyết áp: Dưa hấu có tác dụng hạ huyết áp vì vậy nó rất tốt cho người bị cao huyết áp, nhưng nếu ăn quá nhiều, huyết áp hạ quá mức lại cũng là một mối lo lớn tới sức khỏe.

Tác giả: Phương Anh

Nguồn tin: znews.vn