Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chi tiết bộ máy mới Viện kiểm sát nhân dân tối cao sau sắp xếp, tinh gọn

Theo nghị quyết vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm 24 đơn vị.

 Quang cảnh phiên họp - Ảnh: GIA HÂN

Chiều 7-2, với 100% thành viên có mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, gồm 24 đơn vị

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, gồm 24 đơn vị.

Cụ thể gồm Ủy ban Kiểm sát; Văn phòng; Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án an ninh; Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự xã hội; Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án kinh tế, tham nhũng.

Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án ma túy; Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án tư pháp; Vụ Công tố và Kiểm sát xét xử hình sự; Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Vụ Kiểm sát giam giữ và thi hành án hình sự; Vụ Kiểm sát án dân sự.

Vụ Kiểm sát án hành chính, kinh doanh thương mại; Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự; Vụ Kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp; Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự; Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Cục Thống kê tội phạm và chuyển đổi số.

Cục Tài chính; Thanh tra; Trường Đại học Kiểm sát (có Phân hiệu Trường Đại học Kiểm sát tại TP.HCM); Viện Khoa học kiểm sát; Báo Bảo vệ pháp luật; Viện kiểm sát quân sự trung ương.

Cũng theo nghị quyết được thông qua, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định cơ cấu tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ công tác của các đơn vị thuộc bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

 Sáp nhập, kết thúc hoạt động nhiều đơn vị

Trước đó, theo tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết Văn phòng Trung ương Đảng đã có thông báo việc Bộ Chính trị nhất trí với việc rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy trong ngành kiểm sát nhân dân, trong đó có tổ chức bộ máy của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Theo tờ trình của Viện, đã kết thúc hoạt động, sáp nhập và sắp xếp lại một số đơn vị cấp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao có chức năng, nhiệm vụ tương đồng hoặc có quy mô không lớn.

Cụ thể, sáp nhập Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3) và Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5); tên đơn vị sau sáp nhập là Vụ công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, tham nhũng.

Kết thúc hoạt động của Vụ thi đua - khen thưởng, chuyển nhiệm vụ về Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Sáp nhập Trường Đại học kiểm sát Hà Nội (T2) và Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM (T3).

Tên đơn vị sau sáp nhập là "Trường Đại học kiểm sát", có phân hiệu trường Đại học kiểm sát tại TP.HCM trên cơ sở xây dựng đề án cơ cấu lại Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM thành phân hiệu trường Đại học kiểm sát tại TP.HCM.

Cơ cấu, sắp xếp lại 2 đơn vị Vụ Pháp chế và quản lý khoa học và đơn vị Tạp chí Kiểm sát thành 2 đơn vị là Vụ Pháp chế và Viện Khoa học kiểm sát.

Một số đơn vị cấp Vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao có tên đơn vị khá dài, chưa có tính khái quát cao.

Như "Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật"; "Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp"...

Do đó, Viện tối cao đề nghị chỉnh sửa tên của một số đơn vị thuộc Viện tối cao đảm bảo ngắn gọn, khái quát, vẫn giữ nguyên chức năng nhiệm vụ của đơn vị và có tính tương đồng nhất định với Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Công an.

Tác giả: Thành Chung

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ