Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


iPad vẫn không có đối thủ

iPad vẫn không có đối thủ xứng tầm trên thị trường máy tính bảng, chiếm tới 42,3% thị phần toàn cầu trong quý IV/2024.

 Trong cả năm 2024, Apple đã xuất xưởng khoảng 57 triệu iPad, gấp đôi Samsung. Ảnh: MacRumors.

Theo báo cáo của Canalys, trong giai đoạn này, Apple đã xuất xưởng khoảng 16,9 triệu chiếc iPad, tăng mạnh so với 14,8 triệu chiếc trong cùng kỳ năm 2023. Đối thủ gần nhất của hãng Mỹ là Samsung với 7 triệu thiết bị được bán ra trong quý IV. Thương hiệu Hàn Quốc chiếm 17,8% thị phần. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Lenovo, Huawei và Xiaomi.

Tính chung cả năm 2024, Apple đã xuất xưởng 57 triệu chiếc iPad, chiếm 38,6% thị phần toàn cầu. Số lượng máy tính bảng Apple bán ra cao gấp đôi so với Samsung đứng thứ 2 với 27,8 triệu máy.

Năm 2024, Apple đã cải tiến dòng iPad Pro với chip M4, nâng cấp iPad mini với chip A17 Pro, đồng thời trang bị chip M2 cho dòng iPad Air. Trong năm 2025, công ty dự kiến tiếp tục nâng cấp dòng iPad giá rẻ cũng như ra mắt phiên bản iPad Air mới, theo MacRumors.

Theo Canalys, lượng máy tính bảng xuất xưởng trên toàn cầu đã tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 39,9 triệu máy trong quý IV/2024. Tổng lượng xuất xưởng trong cả năm 2024 đạt 147,6 triệu đơn vị, tăng 9,2% so với năm 2023. Hầu hết khu vực đều tăng trưởng.

Giám đốc nghiên cứu Himani Mukka tại Canalys nhận định: "Khi thị trường PC chuyển hướng sang chu kỳ nâng cấp thương mại, nhu cầu đối với máy tính bảng cũng phục hồi. Một khảo sát gần đây của Canalys với các đối tác kênh phân phối cho thấy 52% trong số họ dự đoán lượng xuất xưởng máy tính bảng thương mại sẽ tăng trong năm 2025, 32% kỳ vọng doanh số ổn định và chỉ 16% lo ngại về sự sụt giảm”.

Đối với phân khúc tiêu dùng, Mukka cho rằng tăng trưởng sẽ chậm hơn, nhưng vẫn có những cơ hội nhất định cho các nhà sản xuất. Ở Trung Quốc, dù chính phủ đã triển khai nhiều chương trình trợ giá để thúc đẩy doanh số thiết bị điện tử, lượng máy tính bảng xuất xưởng chỉ tăng ở mức một con số trong quý IV. Tuy nhiên, chương trình trợ giá này sẽ kéo dài sang năm 2025, giúp các hãng có thêm động lực để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.

Tại Nhật Bản, các sáng kiến của chính phủ như "Society 5.0" và dự án giáo dục GIGA giai đoạn tiếp theo cũng sẽ cung cấp nguồn tài trợ cho chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy thị trường máy tính bảng.

Theo nhà phân tích Kieren Jessop của Canalys, các thương hiệu Trung Quốc đang ngày càng mở rộng thị phần cả ở thị trường nội địa và quốc tế. Honor đang củng cố chỗ đứng tại Indonesia, trong khi Xiaomi tập trung vào kế hoạch mở rộng mạnh mẽ tại Trung Quốc với mục tiêu 20.000 cửa hàng bán lẻ vào năm 2025.

Theo Canalys, năm 2024, các hãng Trung Quốc cũng đã có một năm thành công trong mảng máy tính bảng. Xiaomi đạt mức tăng trưởng 73% so với năm trước, vươn lên vị trí thứ 5, vượt qua Amazon. Huawei cũng có mức tăng trưởng 29%, giúp hãng giành vị trí thứ 3. Lenovo đứng thứ 4 với 10 triệu đơn vị xuất xưởng, tăng 12% so với năm 2023.

Apple cũng đang đẩy mạnh sức ảnh hưởng của mình tại Ấn Độ bằng cách mở thêm các cửa hàng mới để giữ vững vị thế trong khu vực. Tuy nhiên, các mức thuế áp dụng tại Mỹ vẫn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là với các thiết bị cao cấp.

Theo Bloomberg, lượng hàng tồn kho của iPad Air và MacBook Air tại các cửa hàng Apple trên toàn thế giới đang "sụt giảm nhanh chóng". Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy sắp ra mắt các sản phẩm mới.

Theo tin đồn, Táo khuyết sẽ trang bị chip M4 cho cả iPad Air và MacBook Air trong năm nay, nhưng không có thay đổi lớn về thiết kế hay phần cứng khác. Ngoài ra, Apple cũng được cho là đang phát triển iPad 11 thuộc dòng iPad giá rẻ. Dự kiến, sản phẩm này sẽ không có thay đổi đáng kể ngoài sử dụng chip mạnh hơn, có thể là A17 Pro giống như trên iPad mini 7. Đây sẽ là lần đầu tiên một mẫu iPad thuộc phân khúc giá rẻ hỗ trợ các tính năng của Apple Intelligence.

Tác giả: Thúy Liên

Nguồn tin: znews.vn