Đặt lên “bàn nghị sự” HĐND tỉnh vấn đề phát huy, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc
- 08:28 01-02-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đại biểu Lục Thị Liên - Phó Trưởng Ban Văn hóa và Xã hội, HĐND tỉnh cho rằng: Hiện nay, sự phát triển và du nhập mạnh mẽ của văn hóa hiện đại, công nghệ AI đã, đang làm cho một bộ phận không nhỏ người dân, cộng đồng cuốn theo trào lưu mới, nhất là lớp trẻ. Điều đáng lo ngại là sự xuất hiện những yếu tố văn hóa mang tính ngoại lai, thái quá, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam trong âm nhạc, thời trang, cách ăn mặc, ứng xử…
Cũng quan tâm đến tác động tiêu cực từ văn hóa ngoại lai, internet, mạng xã hội, đại biểu Phan Thị Minh Lý - Trưởng phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy bày tỏ sự lo lắng "những giá trị đạo đức truyền thống, mối quan hệ gắn kết gia đình bị suy giảm; xung đột thế hệ và tan vỡ gia đình gia tăng".
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành nêu rõ một số giải pháp về phát huy các giá trị văn hóa dân tộc của ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An |
Liên quan đến vấn đề đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển quê hương, đất nước. Sự phát triển văn hóa xứ Nghệ cũng nằm trong dòng chảy sự phát triển văn hóa dân tộc. Vì vậy, muốn làm tốt văn hóa thì phải làm tốt văn hóa Việt Nam, đó là hiện đại hóa văn hóa Việt Nam và hiện đại hóa văn hóa xứ Nghệ...
Hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Đây chính là thực hiện “văn hóa số”. Tuy nhiên, “văn hóa số” hiện nay của Việt Nam và Nghệ An còn mỏng. Mặt khác, cần “quốc tế hóa” những giá trị văn hóa tốt đẹp của Việt Nam và quê hương trên trường quốc tế. Nghệ An đã được UNESCO công nhận Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thành phố Vinh là 1 trong 2 thành phố đầu tiên trong cả nước được UNESCO công nhận là thành phố học tập toàn cầu...
Lưu giữ, phát huy giá trị văn hoá của dân tộc, thúc đẩy phát triển du lịch tại huyện Con Cuông. |
Một vấn đề cần quan tâm nữa là phải đem các giá trị văn hóa tốt đẹp của Việt Nam và xứ Nghệ ra trường quốc tế. Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao triển khai chương trình giáo dục địa phương từ lớp 1 đến lớp 12 theo cấp độ nâng dần với trình độ và thẩm thấu văn hóa của học sinh. Nội dung được tập trung giáo dục về tiềm lực, kinh tế, lịch sử, địa lý; đặc biệt là giá trị truyền thống cách mạng quý báu, truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người, văn hóa xứ Nghệ thông qua phối hợp với Bảo tàng Nghệ An, các di tích lịch sử - văn hóa để giúp học sinh trải nghiệm, thẩm thấu các giá trị văn hóa. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án phát triển bền vững giáo dục miền núi Nghệ An; HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết hỗ trợ kinh phí cho 83 trường nội trú, bán trú ở miền núi. Trong các trường này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã và sẽ tiếp tục tổ chức các câu lạc bộ, chương trình nhằm duy trì, phát huy, lan tỏa các bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó có chương trình “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng dân tộc”.
Một tiết dạy học kết nối giữa giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 (thành phố Vinh) với Trường Tiểu học quốc tế Indonesia. |
Ngoài cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” có tính quốc gia, quốc tế, thì Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi” đã được Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Văn hóa và Thể thao thống nhất triển khai trong năm 2025 này. Theo đó, tất cả các nhạc cụ độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được đưa vào chương trình các trường học đã được HĐND tỉnh hỗ trợ kinh phí để hoạt động.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Để phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, không chỉ yếu tố truyền thông, điều quan trọng, muốn có năng lực gìn giữ, phát huy được thì phải thông qua các hoạt động và hành vi; thông qua giao tiếp, ứng xử; thông qua tạo môi trường để duy trì, phát triển và phát huy. Về trách nhiệm, ngành Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua đã lồng ghép, đưa vào chương trình giáo dục địa phương, xây dựng các câu lạc bộ “văn học dân gian”, câu lạc bộ thơ, câu lạc bộ âm nhạc, mỹ thuật…; các cuộc thi viết văn, thi thơ…. Mặt khác, qua truyền đạt của giáo viên trên bục giảng và trong các chương trình… cũng áp dụng, đưa các tục ngữ, ca dao, dân ca và các hoạt động trong thực tiễn để truyền đạt học sinh, góp phần thẩm thấu các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong học sinh.
“Khi học sinh có sự thẩm thấu các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế, sẽ góp phần thúc đẩy lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc của Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, khi học sinh thẩm thấu được các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thì sẽ có sự tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại; cái gì là “luồng gió mát”, cái gì là “luồng gió độc”, học sinh sẽ tự “bài xích”, văn hóa độc hại, lai căng bị đẩy lùi, chỉ duy trì và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa của thế giới”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.
Tăng cường các hoạt động ngoại khóa tại "địa chỉ đỏ" cho học sinh trung học phổ thông ở huyện Con Cuông. |
Liên quan đến trách nhiệm của ngành Văn hóa, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh cho rằng: Ngành sẽ tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh hơn trong thời gian tới liên quan đến củng cố, phát huy vai trò và các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, gắn với xây dựng bộ chuẩn mực văn hóa gia đình để tuyên truyền và triển khai thực hiện.
Cùng với ý kiến của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Văn hóa và Thể thao, đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, văn hóa là sức mạnh nội sinh, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước. Từ đó, tập trung hướng dẫn rà soát, hoàn thiện các quy định, hương ước xây dựng đời sống văn hóa từ các cơ sở, đơn vị, trường học, dòng họ... phù hợp với các quy định của pháp luật và lưu giữ, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc và bản sắc văn hóa xứ Nghệ; gắn với tuyên truyền, phê phán, đấu tranh với các hành vi thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật, trái với thuần phong, mỹ tục; góp phần làm phong phú thêm tri thức, tâm hồn con người Nghệ An, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.
Tác giả: Minh Chi
Nguồn tin: dbndnghean.vn