Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cần coi nhà giáo là viên chức đặc biệt

Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, ông Tô Văn Tám cho rằng, không tách nhà giáo ra khỏi viên chức, mà coi họ là viên chức đặc biệt.

 Đại biểu Tô Văn Tám, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum.

Từ tiếp cận như trên, ông Tô Văn Tám (đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) nêu ý kiến:

Thứ nhất, về tuyển dụng nhà giáo. Dự thảo đã trao quyền tuyển dụng nhà giáo cho cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng tại điểm a, b khoản 2 Điều 16.

Tán thành với quy định này, đại biểu đoàn Kon Tum cho rằng, việc trao quyền như vậy là tạo cơ sở cho cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tuyển dụng nhà giáo đáp ứng yêu cầu của ngành Giáo dục cũng như chủ động trong điều phối biên chế, điều phối nhà giáo của ngành.

Tuy nhiên, theo đại biểu, cần làm rõ Điểm a, Khoản 3 quy định về các trường hợp đặc cách. Quy định ưu tiên là người có trình độ cao, người có tài năng, song cần giải thích rõ thế nào là người có trình độ cao, người có tài năng để dễ thực hiện khi tuyển dụng, đảm bảo tính khả thi của quy định này.

Thứ hai, về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Điều 14 của dự thảo Luật Nhà giáo quy định 3 hệ thống tiêu chuẩn nhà giáo. Tại khoản 1 là tiêu chuẩn chung về đạo đức nhà giáo. Quy định này đúng nhưng chưa đủ.

Đại biểu Tô Văn Tám phân tích, giáo dục có vai trò quan trọng, ở đó nhà giáo là trung tâm, người quyết định chất lượng đào tạo, giáo dục con người, trực tiếp tác động, truyền thụ tư duy, tư tưởng, kiến thức cho các thế hệ người học.

Do vậy, đòi hỏi cao ở nhà giáo không chỉ về đạo đức, chuẩn mực, mô phạm, sự hiểu biết, tính sáng tạo mà còn đòi hỏi về phẩm chất, tư tưởng chính trị ở nhà giáo. Phẩm chất này thể hiện phản ánh trình độ giác ngộ chính trị, trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc, sự thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, phẩm chất chính trị, tư tưởng nhà giáo là nhân tố cơ bản, giữ vai trò chủ đạo, định hướng sự phát triển đạo đức của đội ngũ nhà giáo.

Nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ và các tri thức khoa học mà còn là nơi rèn luyện, truyền thụ phẩm chất nhân cách của người học, lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bởi vậy, đại biểu đoàn Kon Tum đề nghị bổ sung tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, tư tưởng vào khoản 1 Điều 14, nếu chỉ tiêu chuẩn về đạo đức thì chưa bao hàm hết phẩm chất, tư tưởng chính trị của nhà giáo.

 Một hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024 của Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Thứ ba, về thuyên chuyển nhà giáo. Đại biểu Tô Văn Tám viện dẫn, tại Điều 23 khoản 3 dự thảo quy định: "giáo viên công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên được cơ sở giáo dục nơi nhà giáo công tác và cơ quan quản lý giáo dục giải quyết cho thuyên chuyển, khi nơi đến đồng ý tiếp nhận".

Về mặt lý thuyết, quy định như vậy là ổn và đầy đủ, nhưng với điều kiện là "nơi đến đồng ý tiếp nhận" thực tế là khó khăn cho nhà giáo và tính khả thi không cao. Thực tế cho thấy có tình trạng các giáo viên khi muốn thuyên chuyển thì cơ sở giáo dục không cho đi vì lý do thiếu giáo viên, nơi tiếp nhận thì không tiếp nhận vì lý do đã đủ giáo viên.

Từ đó, nhà giáo phải xin với rất nhiều khó khăn và hệ lụy. Để cho quyết định này có tính khả thi cao nên quy định theo hướng xác định đây là quyền của nhà giáo. Theo khoa học pháp lý, quyền của chủ thể này được đảm bảo thực hiện bằng nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ thể khác.

Như vậy, cần quy định nơi đến phải có trách nhiệm tiếp nhận khi nhà giáo thuyên chuyển đến, cơ quan quản lý giáo dục có trách nhiệm điều phối trong quá trình thực hiện quyền thuyên chuyển của nhà giáo.

Thứ tư, về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo. Tại Điều 30 khoản 2 của dự thảo Luật Nhà giáo quy định: "nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non được nghỉ hưu thấp hơn không quá 5 năm và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi".

“Quy định trên phù hợp với thực tế và mang tính nhân văn, đáp ứng nguyện vọng của nhà giáo mầm non. Chúng tôi thấy kể cả nhà giáo tiểu học cũng muốn như thế” - đại biểu Tô Văn Tám nhìn nhận.

Tuy nhiên, theo đại biểu có một vấn đề là, nguyên tắc đóng hưởng ở trong Luật Bảo hiểm xã hội. Muốn cho quy định này có tính khả thi cao, cần xem xét, bổ sung thêm về cơ chế nào đó phù hợp để đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng của nhà giáo.

Vậy Ngân sách Nhà nước có thể bù vào chỗ này không? Hay là có cơ chế nào khác để đảm bảo tính khả thi của quy định này. Nếu như có những cơ chế đảm bảo tính khả thi như vậy, thì có thể xem xét thêm cho các nhà giáo tiểu học.

Thứ năm, dự thảo chưa quy định rõ đối với các cơ sở giáo dục của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cũng như các quy định về chuẩn đào tạo của nhà giáo tại Điều 32, trách nhiệm đối với đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo tại Điều 36, chức danh của nhà giáo tại Điều 12, các quy định tại các điều luật trên chưa quy định rõ đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có áp dụng không. “Tôi đề nghị nên quy định cho cơ sở này cũng áp dụng các tiêu chuẩn như vậy” - đại biểu Tô Văn Tám nêu ý kiến.

"Tôi tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo như Tờ trình của Chính phủ và tán thành báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa Giáo dục. Luật Nhà giáo chúng ta đã không tách nhà giáo ra khỏi viên chức, mà đặt nhà giáo trong tổng thể đội ngũ viên chức. Chúng ta coi nhà giáo là viên chức đặc biệt trong hệ thống viên chức của nhà nước. Cách tiếp cận như vậy rất chính xác" - đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám.

Tác giả: Minh Phong

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn