Ông đồ trẻ tiết lộ thu nhập khi dành 17 tiếng mỗi ngày để “cho chữ” ở TP.HCM
- 10:39 22-01-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025 diễn ra từ ngày 13/1 đến ngày 2/2 tại Nhà Văn hóa Thanh niên đã là điểm du xuân quen thuộc mỗi dịp Tết của người dân. Mỗi năm, phố ông đồ lại có thêm nhiều người trẻ bày mực tàu, giấy đỏ để cho chữ ngày xuân.
Hàng chục gian hàng với nhiều ông đồ, bà đồ có mặt từ sớm để phục vụ du khách mua tranh, xin chữ.
Bén duyên với nghệ thuật thư pháp đã được 18 năm, ông đồ trẻ Lê Đức Thành cũng đã có 12 năm ngồi tại phố ông đồ để trình làng những bức thư pháp bắt mắt và cho chữ mọi người trong dịp đầu xuân năm mới.
Ông đồ trẻ Lê Đức Thành cũng đã có 12 năm ngồi tại phố ông đồ |
Theo anh Thành cho biết, việc cho chữ cũng khá bận rộn. Mỗi ngày anh dành khoảng 17 tiếng đồng hồ ở phố ông đồ để viết chữ cho mọi người. "Một ngày trung bình của tất cả các ông đồ ở đây sẽ thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng. Tuy nhiên, có những ông đồ mát tay hơn thì sẽ kiếm được con số lên đến 10 triệu. Ngoài việc kiếm được nguồn thu nhập lớn thì Thành nghĩ đây cũng là một nét đẹp văn hoá truyền thống cần được lưu giữ, đặc biệt là các bạn trẻ. Vì mỗi năm mỗi thay đổi và chính người trẻ sẽ là người gìn giữ và phát huy".
Ông đồ Võ Minh Mẫn |
Trong khi đó, Võ Minh Mẫn - giảng viên trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist cho biết, cách đây 6 năm anh đã có cơ bén duyên với bộ môn thư pháp này. "Khi mà mình đi du xuân, lễ hội Tết tại Nhà Văn hóa Thanh niên thì mình thấy rất thích thú và mình có đến xin chữ của một anh đồ trẻ.
|
Mình mới nói là "anh ơi, em cũng muốn được như anh, được ngồi đây viết chữ cho mọi người" - đó chính là động lực thôi thúc mình đến với bộ môn thư pháp.
Theo ông đồ trẻ cho biết, tuỳ vào năng khiếu và sự kiên trì, chăm chỉ của mỗi người mà thời gian học bộ môn thư pháp này sẽ khác nhau. Có người chỉ mất 2-3 tháng nhưng có người lại mất đến vài năm. "Mình mất khoảng 2,5 tháng để học được bộ môn này. Một khoá học thư pháp dao động từ 1-3 triệu đồng. Ngoài 3 buổi học trên lớp thì mình dành thêm thời gian để luyện viết ở nhà đến tận khuya".
Thầy đồ Mẫn cho biết, việc cho chữ mỗi ngày cũng tuỳ vào lượng khách ghé đến lễ hội đông đúc hay không. Bởi có những ngày khách đông, anh ngồi cho chữ đến 2-3h chiều mới đứng dậy đi ăn trưa.
Thư pháp là một trải nghiệm độc đáo tại Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025 |
Anh Mẫn cũng bật mí, thu nhập sẽ tuỳ vào chất lượng giấy mà người xin chữ chọn. Ví dụ trên giấy lụa thì giá khoảng 300 -350.000 đồng/tấm. Những quầy lưu niệm sẽ bán từ 50.000 -100.000 đồng/tấm. Nếu tính trung bình từ sáng đến chiều có thể là hơn 10 triệu đồng.
Anh Võ Đức Dự (hoạ sĩ vẽ tranh tường) chia sẻ, "Được thảo những nét chữ, được du xuân cùng mọi người thì đó cũng là cái niềm vui và động lực để mình cố gắng theo đuổi cái nghề này".
Anh Võ Đức Dự (hoạ sĩ vẽ tranh tường) trình làng những bức thư pháp kết hợp với tranh 3D tại phố ông đồ dịp Tết. |
Anh Dự bén duyên với nghệ thuật thư pháp từ khi học lớp 6, đến nay đã 15 năm theo nghề. Đây là năm thứ 7 ông đồ trẻ trình làng những bức thư pháp kết hợp với tranh 3D tại phố ông đồ dịp Tết.
Theo anh Dự, hàng năm mọi người dân ở TP.HCM đều rất háo hức chờ đợi các ông đồ xuống phố để xin những câu chữ, những lời chúc tặng cho nhau trng dịp năm mới để mong cầu hạnh phúc, bình an và an vui.
Phố Ông Đồ là một hình thức trải nghiệm văn hóa không thể thiếu trong những ngày hội hoa xuân diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh Niên. Ông Đồ năm nay được tuyển chọn khá kỹ lưỡng với những bạn trẻ tài năng, mang đến cho bạn con chữ tốt đẹp trong ngày đầu năm mới.
Tác giả: Nam An
Ảnh, clip: Di Anh
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn