Livestreamer gọi người xem là 'mẹ' để lừa đảo 76.000 USD
- 09:40 21-01-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vì quá tin tưởng, nạn nhân không chỉ gửi toàn bộ tiền tiết kiệm của mình mà còn vay mượn thêm để giúp "con trai giả". Ảnh: SCMP. |
SCMP đưa tin một livestreamer đã lừa đảo một phụ nữ lớn tuổi, sống một mình tại Thượng Hải để chiếm đoạt 560.000 nhân dân tệ (khoảng 76.000 USD). Dựng lên những câu chuyện cảm động và đóng vai là một người con trai yêu mẹ, người này đã dễ dàng lợi dụng niềm tin của nạn nhân. Hiện thủ phạm đã bị cảnh sát bắt giữ.
Lấy lòng tin người lớn tuổi bằng cách giả danh người tốt, nhắn tin gọi mẹ
Bà Tang, phụ nữ ngoài 70 tuổi sống một mình tại Thượng Hải, không chồng con, đã trở thành mục tiêu của kẻ lừa đảo. Vụ việc được phát hiện vào năm 2022 khi cháu gái của bà là cô Jiang nhận thấy bà thường xuyên chuyển tiền cho một người lạ mặt.
Livestreamer đã thuyết phục người phụ nữ đưa tiền bằng cách lợi dụng tình cảm của bà. Ảnh: CCTV. |
Người đàn ông này đến từ tỉnh Thiểm Tây, Tây Bắc Trung Quốc. Anh tự nhận là người chuyên giúp đỡ người khác giải quyết vấn đề, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản chậm bán và giúp người thất lạc tìm về gia đình.
Những câu chuyện về sự "tốt bụng" của anh ta đã thu hút bà Tang. Ban đầu, bà chỉ tặng những món quà nhỏ trong các buổi livestream của anh ta vào năm 2021. Tuy nhiên, không lâu sau đó, bà bị dụ dỗ mua các sản phẩm sức khỏe giả mạo.
Livestreamer này sử dụng tài khoản @lixuan (hiện đã khóa), tiếp cận bà Tang qua tin nhắn riêng và bắt đầu gọi bà là "mẹ". Hàng ngày, người này gửi lời hỏi thăm và bồi đắp quan hệ thân thiết như mẹ con. Khi niềm tin của bà Tang chín muồi, livestreamer bắt đầu viện cớ để mượn tiền.
Những lý do được đưa ra bao gồm bị chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn đầu, bạn gái cần phá thai và cha bị bệnh nặng. Tin vào những câu chuyện đầy cảm động, bà Tang không chỉ đưa hết số tiền mình có mà còn đi vay nợ để giúp đỡ "con trai".
Khi gia đình phát hiện và đề nghị bà báo cảnh sát, bà Tang thậm chí dọa sẽ "nhảy lầu" vì xấu hổ và sợ mất đi "người con trai" mà bà tin tưởng.
Đến cuối năm 2023, bà bắt đầu nghi ngờ khi kẻ lừa đảo ít liên lạc hơn. Trước đó, hắn từng lái xe hơn 1.000 km để gặp bà và quay video cả 2 với những bài nhạc ca ngợi tình mẫu tử. Sau đó, hắn đột ngột cắt đứt liên lạc với lý do: "Mẹ không tin con nữa”.
Cuối cùng, bà Tang đã quyết định trình báo sự việc với cảnh sát.
Nạn nhân cảm thấy tội lỗi và xấu hổ vì bị "con trai giả" lừa
Qua điều tra, cảnh sát phát hiện kẻ lừa đảo đã sử dụng 4 tài khoản khác nhau. Mỗi tài khoản được đăng ký bằng một danh tính giả để tiếp cận bà Tang. Tuy nhiên, nhờ bức ảnh biển số xe bà chụp lại trong lần hắn đến thăm, cảnh sát đã truy tìm và bắt giữ được anh ta.
Tên thật của kẻ lừa đảo là Mao. Anh bị cảnh sát Thượng Hải bắt giữ và bị buộc tội lừa đảo tổng cộng 560.000 nhân dân tệ trong suốt 2 năm. Tại phiên tòa, thẩm phán Yu Huohai cho biết Mao nhận bản án nặng hơn vì đối tượng bị lừa là người cao tuổi. Kẻ lừa đảo bị tuyên phạt 10 năm rưỡi tù giam và nộp phạt 100.000 nhân dân tệ (khoảng 14.000 USD).
Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), bà Tang sống đơn độc với mức lương hưu 4.000 nhân dân tệ (khoảng 550 USD) mỗi tháng. Sau vụ lừa đảo, bà gồng gánh khoản nợ hơn 70.000 nhân dân tệ (khoảng 9.500 USD) và phải trả góp 3.000 nhân dân tệ/tháng.
Dù tòa án đề nghị hỗ trợ pháp lý, bà Tang đã từ chối vì cảm thấy xấu hổ. Cháu gái bà, cô Jiang, tiết lộ bà Tang sụt 10 kg trong vòng 6 tháng vì cảm giác tội lỗi và xấu hổ khi bị lừa bởi người mà bà từng coi là "con trai".
Kẻ lừa đảo cuối cùng đã bị bắt và bị tòa án tuyên phạt nặng. Ảnh: CCTV. |
Theo SCMP, số người dùng Internet tại Trung Quốc đạt 1,1 tỷ người tính đến tháng 6/2024, tăng 7,42 triệu so với cuối năm 2023. Trong số đó, 20,8% là người từ 60 tuổi trở lên.
Thẩm phán Yu cảnh báo vụ việc này là một hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ cho người cao tuổi mà còn cho thế hệ trẻ. Đặc biệt là những người vô tâm với nhu cầu tình cảm của cha mẹ mình.
Nhiều ý kiến từ cộng đồng mạng cũng chỉ trích các nền tảng mạng xã hội vì thiếu giám sát đối với những người có ảnh hưởng.
Một người dùng mạng chia sẻ: "Cha mẹ tôi cũng từng tin vào những câu chuyện như thế và mua về các sản phẩm giả. Tôi đã nhiều lần khuyên bảo nhưng họ không tin”. Một ý kiến khác cho rằng: "Các nền tảng nên tăng cường giám sát và chúng ta cũng cần chú ý hơn đến sức khỏe tinh thần của cha mẹ mình”.
Tác giả: Thúy Liên
Nguồn tin: znews.vn