Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Quan tâm, chăm lo cho học sinh nội trú

Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các trường dân tộc nội trú (DTNT) đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, ôn luyện sát với chương trình.

 Học sinh lớp 12 Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn tập trung cao độ để hoàn thành sớm chương trình tập trung vào luyện đề. Ảnh: NTCC

Đồng thời, nhà trường chú trọng ổn định tâm lý học sinh để giảm bớt áp lực là khóa đầu tiên thi theo Chương trình GDPT 2018.

Đáp ứng chương trình học

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh thi 4 môn trong đó hai môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và hai môn lựa chọn (trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ). Thời điểm hiện tại, các trường DTNT tập trung cao độ dạy học, ôn tập cho trò nhằm đảm bảo vững vàng tâm lý, kiến thức cho kỳ thi sắp tới.

Thầy Lê Đình Thuật - Phó Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, để học sinh kịp thời thích ứng với nội dung, cách thức thi theo chương trình mới, nhà trường bám sát chủ trương chung của Bộ GD&ĐT. Ngoài học tập trên lớp, thầy cô chú trọng ôn tập sát những nội dung mà Bộ GD&ĐT định hướng cho kỳ thi tốt nghiệp.

“Nhà trường phân công thầy cô có kinh nghiệm hướng dẫn, đưa ra phương án tư vấn sao cho phù hợp năng lực, nguyện vọng của học sinh”, thầy Thuật nhấn mạnh.

Tại Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn, với mục tiêu giúp học sinh đạt được kết quả tốt trong kỳ thi, nhà trường đã hoàn thiện hệ thống câu hỏi ôn tập, ngân hàng đề tham khảo để học trò vừa học, vừa ôn luyện.

Cô Vương Xuân Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Giảm môn thi từ 6 xuống 4 là điểm sáng của phương án thi mới, giúp thầy, trò có nhiều thời gian ôn luyện trọng tâm hơn. Theo kế hoạch, trong tháng 3, nhà trường sẽ hoàn thành xong chương trình lớp 12, bước vào giai đoạn ôn luyện 4 môn theo nguyện vọng học sinh đăng ký tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay”.

Cô Thuận cho biết thêm, đầu học kỳ II, nhà trường tiến hành sàng lọc học sinh. Em nào có năng lực tốt sẽ học nâng cao với mục tiêu xét tuyển đại học; những em có học lực dưới mức trung bình và nguy cơ trượt tốt nghiệp sẽ tập trung ôn cải thiện năng lực để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp.

Ngay sau khi có thông tin về kỳ thi, Trường Phổ thông DTNT tỉnh Điện Biên đã phổ biến đến học sinh nắm bắt những điểm mới cũng như các vấn đề cần chú trọng. Đối với quá trình học, làm bài kiểm tra, giáo viên lồng ghép những dạng câu hỏi tương tự như đề tham khảo mà Bộ GD&ĐT đã công bố nhằm giúp học trò làm quen với cấu trúc đề thi, tránh bỡ ngỡ, lúng túng khi làm bài thi thực tế.

Thầy Vũ Trung Hoàn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT tỉnh Điện Biên cho biết: “Chúng tôi đã thí điểm đề thi học kỳ I theo cấu trúc Chương trình GDPT 2018. Dự kiến ngày 18/1, chúng tôi tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT lần 1 để học sinh đánh giá năng lực thời điểm hiện tại. Qua kết quả kỳ thi thử, thầy cô có căn cứ hướng dẫn học trò xây dựng kế hoạch học tập tốt hơn”.

 Thầy và trò Trường Phổ thông DTNT tỉnh Điện Biên. Ảnh: NTCC

Ổn định tâm lý cho trò

Năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018, học sinh không tránh khỏi áp lực. Do vậy, các trường DTNT ngoài chú trọng công tác giảng dạy, ôn tập còn tập trung định hướng, giới thiệu cho học sinh các tổ hợp môn xét tuyển đại học; phối hợp các trường đại học, cao đẳng để tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

Tại Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn, thời điểm này, phòng tâm lý học đường luôn mở cửa và có giáo viên trong tổ tư vấn, hướng nghiệp túc trực để hỗ trợ cho học sinh có nhu cầu.

Cô Hiệu trưởng Vương Xuân Thuận cho hay: “Tổ tư vấn hướng nghiệp nhà trường hoạt động với cường độ cao. Ngoài tư vấn về hướng nghiệp, các thầy cô còn hỗ trợ học sinh các vấn đề về tâm lý. Nhiều em sống xa gia đình, gặp áp lực trong học tập nhưng không dám gọi về nhà tâm sự, thường lên phòng để nhờ thầy cô tư vấn, hỗ trợ. Vì vậy, chúng tôi đặc biệt quan tâm nội dung này để ổn định tâm lý cho học trò”.

Tương tự, Trường Phổ thông DTNT tỉnh Điện Biên đã thành lập phòng tư vấn tâm lý - hướng nghiệp gồm các thầy cô có nhiều năm kinh nghiệm tham gia hỗ trợ, giải đáp thắc mắc cho học sinh. Trường tổ chức khảo sát số học sinh đăng ký hai môn tự chọn để nắm rõ số lượng, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ có định hướng dạy chuyên sâu, lâu dài cho các em theo từng tổ hợp môn.

“Năm đầu tiên thi theo Chương trình GDPT 2018, học sinh sẽ bỡ ngỡ, áp lực là điều không tránh khỏi. Vì vậy, trong quá trình tư vấn nếu phát hiện những em có biểu hiện bất thường về tâm lý, không tự chủ được trong hành vi, nhà trường đánh giá nguyên nhân và đưa ra giải pháp hỗ trợ cụ thể.

Cùng đó, chúng tôi sẽ phối hợp với phụ huynh học sinh để làm công tác tư tưởng; hướng dẫn phụ huynh truy cập vào website các trường đại học hoặc ngành nghề để phụ huynh xem xét, sau đó cùng với nhà trường, giáo viên trao đổi xem nên để các trò đi hướng nào là phù hợp”, thầy Vũ Trung Hoàn cho biết.

Với đặc thù trường DTNT, học sinh chủ yếu ở các xã miền núi khó khăn, nhiều phụ huynh không biết tiếng phổ thông nên quá trình phối hợp giữa nhà trường với gia đình để định hướng nghề nghiệp cho các em phần nào hạn chế.

Bởi vậy, chúng tôi luôn lưu ý giáo viên chủ nhiệm, bộ môn sát sao, đặc biệt với học sinh cuối cấp; cập nhật thông tin mới về tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng cho học sinh nắm rõ. Đồng thời, nắm bắt tâm lý học sinh để hỗ trợ, không để các em cảm thấy cô đơn. - Thầy Vũ Trung Hoàn (Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT tỉnh Điện Biên)

Tác giả: Ngô Chuyên

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn