Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố xây dựng Trung tâm tài chính

Trung tâm tài chính sẽ tạo ra một "cú hích" và động lực mới thúc đẩy phát triển không chỉ đối với TP HCM và Đà Nẵng mà còn đối với cả nước

Sáng 4-1, tại TP HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP HCM, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố về thành lập Trung tâm tài chính

Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang.

 Đại biểu tham dự hội nghị

Khát vọng Việt Nam

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã công bố Kế hoạch hành động triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh hội nghị hết sức có ý nghĩa, đánh dấu một bước quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển đất nước; tạo ra một "cú hích" và động lực mới thúc đẩy phát triển không chỉ đối với TP HCM và Đà Nẵng mà còn đối với cả nước, góp phần quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo nền tảng để đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Trung tâm tài chính sẽ tạo ra "cú hích"

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh những ngày đầu năm 2025, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để về đích Kế hoạch 5 năm 2021-2025, thực hiện một nửa chặng đường trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Đồng thời, cũng là năm kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 1975-2025.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động, diễn biến phức tạp, khó lường.

Đặc biệt, hệ thống tài chính toàn cầu đang dần định hình lại; thế giới đang có nhu cầu phát triển các Trung tâm tài chính mới, cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính đặc thù, phục vụ các thị trường ngách, khác biệt với những Trung tâm tài chính truyền thống.

Thông qua đó, tiếp nhận nguồn lực tài chính dịch chuyển, đồng thời cũng bổ trợ và tạo ra lợi ích cộng hưởng, đóng góp cho sự phát triển chung của thị trường tài chính toàn cầu.

 Công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam

Do vậy, các Trung tâm tài chính mới nổi như Việt Nam có cơ hội vàng để tham gia vào "cuộc chơi" này, thông qua việc thiết lập hành lang pháp lý mở, ban hành các chính sách ưu đãi vượt trội, phù hợp với thông lệ quốc tế để trở thành "sân chơi" cho các nhà đầu tư tài chính hàng đầu.

Trong đó, TP HCM và Đà Nẵng đã hội tụ nhiều yếu tố nền tảng để phát triển một Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, được đánh giá là một trong những Trung tâm tài chính mới nổi, trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. "Quyết tâm này không chỉ phản ánh khát vọng của Việt Nam, mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu" - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Thủ tướng làm Trưởng Ban Chỉ đạo

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành các Quyết định thành lập và phê duyệt Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế nhằm thống nhất định hướng, đưa ra các quyết sách lớn, điều phối bảo đảm vận hành các Trung tâm tài chính thông suốt, nhất quán theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị.

 Toàn cảnh hội nghị

Các thành viên trong Ban Chỉ đạo gồm:

1. Trưởng Ban: Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ.

2. Phó Trưởng Ban Thường trực: Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

3. Các Phó Trưởng Ban gồm: Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM; Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng.

Các thành viên khác gồm 14 lãnh đạo các cơ quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao; Chủ tịch UBND TP HCM; Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

 

Trước đó, ngày 15-11-2024, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Theo đó, Bộ Chính trị đồng ý thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP HCM và Trung tâm tài chính khu vực tại TP Đà Nẵng.

Lựa chọn phát triển các Trung tâm tài chính có ranh giới địa lý nhất định và đối tượng điều chỉnh được xác định theo tiêu chí rõ ràng nhưng không "biệt lập"; theo mô hình "kết hợp" với các chính sách đặc thù, vượt trội theo lộ trình; Trung tâm tài chính được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội hơn so với quy định hiện hành, mang tính cạnh tranh nhưng phải kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".

Thành lập các cơ quan để quản lý Trung tâm tài chính, gồm: cơ quan quản lý, điều hành; cơ quan giám sát; cơ quan giải quyết tranh chấp. Việc thành lập các cơ quan này triển khai thực hiện theo đúng quy định và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Cơ bản đồng ý chủ trương cho phép áp dụng các chính sách xây dựng Trung tâm tài chính và lộ trình thực hiện nêu trong Đề án.

Trong đó, từ nay đến năm 2030 ban hành và tổ chức thực hiện ngay 8 nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và cần áp dụng ngay.

Đồng thời, thí điểm 6 nhóm chính sách thông dụng tại các Trung tâm tài chính lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.

Từ năm 2030 đến năm 2035 tổ chức thực hiện đầy đủ theo lộ trình các nhóm chính sách thông dụng tại các Trung tâm tài chính lớn trên thế giới, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.

Lộ trình khung này mang tính chất định hướng; quá trình thực hiện cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhanh nhất có thể, nếu thời cơ thuận lợi, điều kiện đã chín muồi thì có thể làm ngay, nhanh hơn các bước tiếp theo, không chờ thứ tự.

 

Tác giả:  Phan Anh- Thái Phương

Nguồn tin: Báo Người lao động