Bộ Giao thông vận tải triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025
- 19:46 30-12-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nghệ An có các đồng chí Tỉnh uỷ viên: Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Phú Hiền – Giám đốc Sở GTVT; lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nghệ An |
Được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ GTVT và sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, các mặt công tác của ngành GTVT trong năm 2024 đã hoàn thành kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được Đảng, Nhà nước, dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Các đồng chí chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nghệ An |
Trong đó, công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, qua đó đã tạo khí thế mới, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng với tinh thần tất cả vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT cơ bản được bảo đảm, nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài được xử lý, một số dự án có khả năng hoàn thành vượt tiến độ 3 đến 6 tháng, đã khánh thành, đưa vào khai thác 02 dự án thành phần cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 nâng tổng số km đường bộ cao tốc trên cả nước hơn 2000 km. Bộ GTVT tiếp tục là một trong các Bộ, ngành, địa phương có mức giải ngân trung bình cao của cả nước; công tác chuẩn bị đầu tư được bảo đảm, đã khởi công 02 dự án cuối cùng để nối thông đường Hồ Chí Minh từ Bắc đến Nam theo Nghị quyết của Quốc hội.
Năm 2024, Bộ GTVT đã được giao khoảng 75.481 tỷ đồng, dự kiến hết tháng 12/2024, Bộ sẽ giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế có nhiều đột phá, góp phần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai xây dựng, trình các đề án rất quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn, có quy mô rất lớn, yêu cầu phức tạp đã được thông qua như chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án CHK Quốc tế Long Thành.
Công tác tham mưu, kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện kịp thời, đảm bảo khách quan, trung thực, hiệu quả. Trong đó, nhiều vấn đề nóng, phức tạp liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương như giải phóng mặt bằng, xử lý vướng mắc nguồn cung cấp vật liệu phục vụ các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT được kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án.
|
Các đồng chí đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An |
Công tác quản lý tài chính, tài sản công được tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trên tất cả các lĩnh vực: Xây dựng, hoàn thiện thể chế; Quản lý thu ngân sách nhà nước; Quản lý chi ngân sách nhà nước; Cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập; Quản lý, sử dụng tài sản công; Công tác lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước và báo cáo tài chính nhà nước hằng năm; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Hoạt động vận tải tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, sản lượng vận tải tăng đều ở các lĩnh vực, chất lượng dịch vụ tiếp tục được nâng cao. Các lĩnh vực hàng hải, đường thuỷ nội địa, đường sắt tiếp tục được chú trọng thúc đẩy phát triển, góp phần giảm áp lực cho đường bộ, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều thủ tục hành chính đã và đang được cắt giảm, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong đời sống, hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen, để thực hiện thắng lợi một trong ba đột phá chiến lược mà Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, năm 2025, Bộ GTVT sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để quyết tâm triển khai thi công, đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT. Bộ GTVT dự kiến sẽ khởi công 19 dự án hạ tầng giao thông, hoàn thành 51 dự án hạ tầng trong năm 2025.
Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã báo cáo những kết quả đạt được; chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đồng thời, đề xuất một số nội dung để triển khai thực hiện tốt trong thời gian tới, gồm: Cần có cơ chế để đưa hàng không trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; có chính sách, cơ chế để khuyến khích phát triển mạnh mẽ hơn nữa để giúp vận tải biển đủ sức cạnh tranh vươn ra biển lớn; cân đối nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn giao thông. Các địa phương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc hơn nữa trong việc triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông trên địa bàn, đảm bảo thuận lợi, không để ách tắc khi triển khai…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao các kết quả ngành GTVT đã đạt được trong năm 2024.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong năm 2025, ngành GTVT tiếp tục quan tâm đến vấn đề đào tạo, nghiên cứu, xem xét lại đội ngũ cán bộ để tham mưu đổi mới tư duy, tầm nhìn dài hạn hơn trong thời gian tới liên quan đến vấn đề về xây dựng, cơ chế, chính sách; chủ động đào tạo nguồn nhân lực để ngành có thể đi đầu trong vấn đề phát triển một số lĩnh vực của ngành. Bên cạnh việc triển khai đồng bộ các phương thức giao thông như đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, thuỷ nội địa,… cần tính toán và có cách nhìn ưu tiên hơn cho các vùng miền, vùng địa lý; cùng với đó, đánh giá được hiệu suất, hiệu quả khi triển khai thực hiện.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các ngành tập trung phối hợp với ngành GTVT để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong thời gian sắp tới. Trong đó, xác định được các dự án trọng điểm, tiếp tục cải cách thể chế nhất là ưu tiên tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án đối với lĩnh vực hàng hải, hàng không, đường sắt…
Tác giả: Kim Oanh
Nguồn tin: nghean.gov.vn