Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thực phẩm sạch thực phẩm bẩn

Liên tục mấy ngày qua, những tin liên quan tới thực phẩm sạch làm chúng ta rúng động.

Ấy là việc chủ và nhân viên các cơ sở làm giá đỗ bẩn ở Đắk Lắk bị khởi tố, bị bắt. Hẳn 2900 tấn giá đỗ sản xuất bằng chất kích thích đã được bán ra thị trường trong năm 2024.

Ấy là việc cơ sở làm giò chả ở Đà Nẵng cho hàn the vào chế biến bị khởi tố và cũng bắt giam người chồng, vợ cho tại ngoại. Hàng tấn chả có hàn the đã bị phát hiện...

Đa phần dân ta bây giờ có thói quen ăn ngoài quán, nhất là ăn sáng. Thói quen giữ bếp gia đình đỏ lửa ngày 2 lần giờ chủ yếu là ở nông thôn còn, chứ thành phố, nhất là các thành phố lớn, sáng sớm phóng xe ra khỏi nhà, tối mịt mới về, cơm hàng cháo chợ là bình thường.

Các nhà hàng, quán nhậu cũng luôn đông nghìn nghịt.

Nó đặt ra vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ăn sáng ở phía Nam luôn luôn phải kèm rau và giá.

Nếu ở nhà, rau sống được rửa tới khi nước trong veo, rồi còn ngâm nước muối, thì ở các quán ăn, rửa được tới... 2 nước là giỏi rồi. Mà là rửa từng rổ to như rổ xảo trong cái chậu bé tẹo, chứ không như rửa ở nhà, ít rau nhiều nước.

 Ảnh minh họa.

Còn giá, tôi để ý nhiều quán phở, khi giá được ship đến, chủ quán chỉ xé cái miệng bao nilon ra rồi "phục vụ" khách ngay. Hỏi sao không rửa, bảo giá người ta làm sạch mà. Như vụ án "giá đỗ" mới phá ở Đắk Lắk, quả là nếu nhìn mắt thường thì giá rất sạch thật, vì sử dụng nước giếng với vôi cục thì đúng là sạch rồi, nhưng nó lại kèm một thứ nữa, gọi là "kẹo", mà theo Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk, nước "kẹo" thực chất là hoạt chất 6-Benzylaminopurine, không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào, nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Khi hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh, còn ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong.

Không chỉ Đắk Lắk, trước đó, công an tỉnh Quảng Ngãi cũng khởi tố 2 chủ cơ sở sản xuất giá đỗ bằng chất kích thích. Và không chỉ 2 nơi này...

Trước nữa còn cà phê... pin.

Và nhiều thứ nữa.

Sợ chưa?

Các bà nội trợ giờ đang có thói quen là gọi điện đặt mua thực phẩm ở các mối quen, mỗi mối một loại, như rau vườn, gà đi bộ, cá ao hoặc vừa dưới biển lên, heo sọc dưa thả vườn, bò ăn cỏ vân vân...

Tôi có lần nói đùa với vợ: chắc gì những thứ ấy đã được coi là sạch.

Bởi cũng từng có hồi, những chủ các quầy rau, gà, vịt... trên chợ thành phố đã thuê những phụ nữ người dân tộc thiểu số ôm gà, vịt, gùi rau của số tiểu thương bán ở chợ này đi... bán dạo, và giới thiệu là đồ của nhà.

Tôi đã từng đi theo một tốp mấy người bán dạo "đồ của nhà" như thế, thấy họ bán được khá nhanh, hết, họ lại lên chợ nhận... đồ của nhà đi tiếp.

Trở lại chuyện giá đỗ.

Lâu nay chúng ta gần như tin tưởng tuyệt đối vào thực phẩm bán trong siêu thị. Nói chung những gì được bán trong siêu thị đều phải có nguồn gốc xuất xứ rất rõ ràng, được kiểm tra quy chuẩn rất gắt gao.

Và vừa rồi, mới té ra là, không hẳn hoàn toàn được như thế. Giá đỗ ủ bằng hóa chất nguy hiểm đã lọt cả vào hệ thống bách hóa xanh.

Theo thống kê sơ bộ, công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo cung cấp 350-400 kg giá đỗ/ngày cho Bách Hóa Xanh Đắk Lắk.

Và theo bà Phạm Khánh Phong Lan, giám đốc Sở An toàn thực phẩm Tp.HCM, không loại trừ khả năng sự việc tương tự ở Đắk Lắk cũng xảy ra tại thành phố này, nơi thị trường lớn hơn rất nhiều.

Trở lại chuyện đi ăn sáng. Nhiều nhân viên phục vụ đã đeo găng tay nilon để bưng bê, chế biến. Nhưng nhìn cho kỹ thì họ đeo găng là để tay họ sạch chứ không phải để giữ vệ sinh cho khách.

Quan sát thì cũng cái găng tay ấy, họ cầm cái giẻ lau rất bẩn lau các mặt bàn xong, lại cũng chính găng tay ấy, bốc rau, giá cho khách. Rồi cũng găng ấy, bốc thịt cho vào bát ...

Cũng "may", dân ta có câu "khuất mắt trông coi", tức là bẩn nhưng không nhìn thấy thì nó là... sạch. Nên nhiều người khuyên nhau đi ăn, nhất là ở những hàng quán bình dân, thì đừng ra khu chế biến, bởi ra đấy, nhìn thấy rồi thì sẽ không dám ăn nữa.

Ngày xưa, cái thời còn đói khổ ấy, ăn uống mất vệ sinh là chuyện... thường, nhất là uống nước lã. Nông thôn ngày xưa đa phần bà con uống nước lã, bà con còn hay nói: ăn sạch chóng chết.

Có lẽ là do cơ thể được đào luyện từ nhỏ nên nó quen. Giờ cơ thể được bảo bọc vệ sinh từ bé nên đụng tí nước lã là đau bụng ngay, huống gì các thứ khác.

Nên cũng mới nhất có vụ mang rượu vào nhà hàng uống, bị ngộ độc chết 2 người và hai chục người nhập viện cấp cứu. Cũng có người tặc lưỡi, ngày xưa toàn uống rượu mía, còn pha cả vô pha tốc vào cho nó có tăm, cho rượu trong vắt mà chả chết, giờ các lò rượu đều có máy khử an đê hít thì lo gì?

Chưa kể, chúng ta thường xuyên đọc tin trên báo, thấy chỗ này chỗ kia, bắt những vụ chở thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhiều nhất là nội tạng lợn để làm món khoái khẩu là cháo lòng. Đa phần các báo đều miêu tả là khi bị bắt thực phẩm "đã bốc mùi hôi thối", hoặc đã chuyển màu...

Những thứ ấy vào các quán cháo lòng, lại thơm phức ngay, lại trắng tinh giòn sần sật ngay, quốc hồn quốc túy ngay... À mà chả cần quán cháo lòng, mà các quán cơm, lại chả có ngay món "lòng xào dưa" nổi tiếng.

Cho nên, không thể đùa với thực phẩm bẩn nữa. Chúng ta cần nghiêm khắc với những hành vi vi phạm, cả cố ý lẫn vô tình. Cố ý như dùng hóa chất làm giá đỗ, như có thời dùng nhớt bẩn tưới rau muống, vô tình như dùng tay bốc thức ăn, rồi cũng tay ấy cầm cái khăn bẩn tới không thể bẩn hơn, lau bàn, kể cả tay trần hay đã đeo găng...

Và còn rất nhiều hành vi nữa. Chả thế mà đang giữa việc quyết liệt thực hiện chủ trương lớn là tinh giản, nhập sở, ngành..., thì thành phố Hồ Chí Minh đề nghị giữ lại sở An toàn thực phẩm. Nó cũng là một cách để bảo vệ an toàn cho sức khỏe người dân, nhất là ở thành phố đông dân nhất nước này.

Nhưng, như vụ ở Đắk Lắk, một tờ báo tường thuật: "Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản Đắk Lắk đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) cho cơ sở sản xuất Lâm Đạo - cơ sở dùng hoá chất có thể gây chết người để sản xuất giá đỗ. Nội dung trên giấy chứng nhận: "Đủ điều kiện ATTP để sản xuất, kinh doanh sản phẩm: Sơ chế, đóng gói, kinh doanh giá đậu xanh". Nhưng ông chi cục trưởng cho biết "đơn vị chỉ quản lý từ khâu sơ chế, đóng gói giá đậu xanh, tức từ lúc giá đỗ đã hình thành, được mang đi sơ chế (rửa), và đóng gói. Còn từ lúc hạt đậu xanh được ngâm, ủ để lên mầm thành cây giá là công đoạn sản xuất, đơn vị không quản lý. Khâu sản xuất thuộc về trồng trọt".

"PV liên hệ với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk), lãnh đạo đơn vị cho hay, không quản lý vì đây là hàng thực phẩm, thức ăn.

PV liên hệ với Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk song chưa được".

Thế tóm lại, cơ quan nào, ai là người quản lý công đoạn chính của sản xuất giá đỗ (và những thứ tương tự) vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Tác giả: Văn Công Hùng

Nguồn tin: nguoiduatin.vn