20 năm thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương: Vết thương chưa thể khép miệng
- 14:22 26-12-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bà Cut Sylvia và chồng là ông Budi Permana, cư dân của thành phố biển Banda Aceh ở phía Bắc Sumatra, vẫn không thể tìm thấy dấu vết nào của cô con gái 2 tuổi của họ bị sóng thần cuốn đi năm đó.
Cặp vợ chồng này đang bước tiếp về phía trước với vết thương chưa thể khép miệng khi họ và thế giới kỷ niệm 20 năm trận sóng thần Ấn Độ Dương – thảm họa chết chóc và tàn khốc nhất trong lịch sử loài người được ghi nhận.
Vào khoảng 8h sáng giờ địa phương ngày 26/12/2004, một trận động đất có cường độ 9,2-9,3 độ richter đã xảy ra ngoài khơi bờ biển phía Tây của tỉnh Aceh, cực Bắc của đảo Sumatra, Indonesia. Ước tính có 227.898 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trên 14 quốc gia trong trận sóng thần kéo theo sau đó.
Indonesia là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp theo là Sri Lanka và Thái Lan, trong khi trường hợp tử vong xa nhất tính từ tâm chấn được báo cáo là tại thành phố Port Elizabeth của Nam Phi.
Với 131.000 người thiệt mạng, đây vẫn là thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất trong lịch sử Indonesia – quốc gia dễ tổn thương trước thảm họa đứng hàng thứ hai thế giới sau Philippines.
Quang cảnh đổ nát sau khi bị sóng thần càn quét, được nhìn thấy trước một nhà thờ Hồi giáo ở Banda Aceh, Indonesia, năm 2004. Ảnh: Straits Times |
Trong khi đã có những tiến bộ lớn trong nghiên cứu sóng thần, phòng thủ biển và phát triển các hệ thống cảnh báo sớm trong 2 thập kỷ kể từ thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương, các chuyên gia cảnh báo rằng thế giới đang dần trở nên chủ quan khi ký ức về quy mô tàn phá của thảm họa năm 2004 dần phai nhạt.
"Trên thực tế, sóng thần là mối nguy hiểm tương đối phổ biến", ông David McGovern, giảng viên cao cấp và chuyên gia về sóng thần tại Đại học South Bank London, cho biết. "Trung bình mỗi năm có khoảng 2 trận sóng thần gây tử vong hoặc thiệt hại", ông nói với Al Jazeera.
Các chuyên gia cho biết vấn đề là khi nào, chứ không phải liệu một trận sóng thần tàn khốc có quy mô tương tự như năm 2004 có xảy ra một lần nữa hay không.
Việc dự đoán chính xác thời điểm một sự kiện như vậy sẽ xảy ra là điều không thể, nhưng ít ai có thể dự đoán chính xác hơn nhà địa chấn học Phil Cummins. Ông được mô tả là người "về cơ bản đã dự đoán được" trận sóng thần năm 2004.
Hơn 1 năm trước khi sóng thần Ấn Độ Dương xảy ra, vị chuyên gia đã nhận thấy nguy cơ ngày càng tăng của một trận đại hồng thủy. Ông đã kêu gọi mở rộng hệ thống cảnh báo sớm. Chỉ vài tháng trước trận sóng thần, ông Cummins đã nhắc lại mối lo ngại của mình trong bài thuyết trình trước các chuyên gia ở Nhật Bản và Hawaii.
Bản thân ông Cummins, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Australia, cũng không nhận ra lời cảnh báo của mình có tính tiên tri đến mức nào.
Mặc dù thảm kịch xảy ra vào ngày 26/12/2004 đã chứng minh dự đoán của ông Cummins là chính xác một cách kỳ lạ, nhưng ông đã sai về một khía cạnh: Tâm chấn của trận động đất nằm ở phía Bắc Sumatra, không phải ở trung tâm hòn đảo.
Vị chuyên gia cùng đồng nghiệp cũng đã sử dụng mô phỏng máy tính để dự đoán về một trận động đất nằm gần các thành phố Bengkulu và Padang – cách tâm chấn của trận sóng thần năm 2004 khoảng 500 km (310 dặm) về phía Nam.
Ông Cummins tin rằng khu vực này là "nơi số một" để một trận động đất và sóng thần lớn tái diễn. Ông nói: "Đó là nơi mà mọi người đều nghĩ rằng trận sóng thần tiếp theo sẽ xảy ra: Padang".
"Điều thực sự kỳ lạ là nó vẫn chưa xảy ra. Mọi người đều nghĩ rằng nó chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng giờ chúng ta đã ở năm 2024. Thật bí ẩn", ông nói và cho biết thêm rằng một sự kiện như vậy xảy ra ngoài khơi bờ biển Padang "vẫn là mối quan ngại lớn".
"Hai mươi năm đã trôi qua, tôi lo rằng mọi người đã trở nên chủ quan hơn, có lẽ cả tôi nữa, và tôi không biết tại sao điều đó (trận sóng thần tiếp theo) vẫn chưa xảy ra", ông nói.
"Chúng ta vẫn chưa giải quyết được vấn đề phải làm gì để bảo vệ các cộng đồng nằm gần trận động đất và có thể bị sóng thần tấn công. Điều đó có thể xảy ra chỉ trong vòng 10 hoặc có thể là 30 phút – rất ít thời gian để đưa ra cảnh báo và để mọi người phản ứng", ông nói, chỉ ra ví dụ về Padang.
"Đây là một dải bờ biển rất đông đúc, một dải bờ biển trũng thấp. Có một con sông mà người dân phải vượt qua. Tôi nghĩ sẽ rất khó để sơ tán trong trường hợp khẩn cấp", ông nói.
Sự chủ quan cũng đang lan rộng trong các cộng đồng ven biển ở phía Bắc Sumatra 20 năm sau thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương càn quét qua khu vực. Giáo sư Rina Suryani Oktari tại Đại học Syiah Kuala ở Banda Aceh cho biết giá đất rẻ đã thu hút nhiều người quay trở lại các khu vực ven biển có nguy cơ cao.
"Chúng tôi hiện đã chuẩn bị tốt hơn, nhưng vẫn có khả năng sẽ có một số lượng lớn nạn nhân nếu có một trận sóng thần khác", bà nói với Al Jazeera. "Nhiều người đã quay trở lại sống ở khu vực ven biển. Dân số hiện nay thậm chí còn cao hơn trước trận sóng thần năm 2004".
Về phần mình, ông Cummins vẫn cảnh báo rằng một trận sóng thần lớn mới có thể ập đến bất cứ lúc nào mà không có cảnh báo.
"Rất nhiều người sẽ chết bất kể thế nào", ông nói, đồng thời nói thêm rằng "thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều" nếu cộng đồng không được huấn luyện tốt.
Những người không chủ quan trước việc thiên tai có thể ập đến bất cứ lúc nào là vợ chồng bà Sylvi. Họ vẫn kể lại việc họ để mất con gái như thế nào như một câu chuyện cảnh báo cho những người khác và hy vọng về một phép màu có thể đưa con trở về nhà sau hơn 2 thập kỷ. Có như thế, với họ, vết thương mới có thể khép miệng.
Tác giả: Minh Đức
Nguồn tin: nguoiduatin.vn