2 triệu người kê khai tài sản, 147 người bị kỷ luật vì vi phạm
- 16:52 24-12-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhìn nhận công tác phòng chống tham nhũng sẽ có những bước chuyển biến mạnh mẽ, tích cực - Ảnh: TTCP |
Thông tin số liệu người bị kỷ luật vì vi phạm liên quan đến kê khai tài sản được nêu trong báo cáo do phó tổng Thanh tra Chính phủ trình bày tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, được tổ chức ngày 24-12.
264 người đứng đầu, cấp phó bị kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng
Tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đánh giá sau hơn 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, công tác phòng chống tham nhũng được triển khai mạnh mẽ, kiên quyết, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
"Công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm", ông Đoàn Hồng Phong nói.
Tại hội nghị, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt trình bày báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.
Theo báo cáo, thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức tại hơn 117.000 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 2.900 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Đáng chú ý, có 45 trường hợp đã nộp lại quà tặng cho đơn vị theo quy định với số tiền hơn 739 triệu đồng.
Phó tổng thanh tra Lê Tiến Đạt trình bày báo cáo, cho biết có 147 người bị kỷ luật vì vi phạm kê khai tài sản - Ảnh: TTCP |
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác người có chức vụ, quyền hạn nhằm phòng ngừa tham nhũng là hơn 235.000 người.
"Việc chuyển đổi vị trí công tác đảm bảo phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cũng tích cực thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về kiểm soát tài sản, thu nhập", ông Đạt đánh giá.
Theo báo cáo, trong 5 năm (giai đoạn 2020-2024) đã có hơn 2 triệu người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Cơ quan chức năng tiến hành xác minh việc kê khai của hơn 37.000 người, kết quả 147 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Phó tổng thanh tra cũng đánh giá công tác phát hiện, xử lý tham nhũng có bước tiến mạnh, đột phá. Các cơ quan chức năng đã chủ động, tập trung xác minh, truy tìm và triển khai có hiệu quả để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Việc thu hồi đạt tỉ lệ cao.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao quản lý.
Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2020-2024 có 264 người đứng đầu, cấp phó bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, 73 người bị xử lý hình sự.
Tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp
Phó tổng thanh tra nhìn nhận hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng ngày càng được nâng cao. Việc phòng chống tham nhũng tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước, vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng chống tham nhũng được tăng cường.
"Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp với tính chất nghiêm trọng hơn cả số lượng tài sản tham nhũng và chức vụ, quyền hạn của người có hành vi tham nhũng", ông Lê Tiến Đạt đánh giá.
Hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế, giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn lớn.
Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về xử lý người có hành vi tham nhũng còn chưa đủ mạnh, chưa đủ chế tài, sức răn đe nên chưa thực sự phát huy hiệu quả trong công tác phòng ngừa tham nhũng.
Thụ lý điều tra gần 3.000 vụ án về tham nhũng Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2024 toàn ngành đã triển khai 37.000 cuộc thanh tra hành chính và hơn 900 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Cùng với việc chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực, qua công tác thanh tra đã kiến nghị xử lý về kinh tế hàng trăm nghìn tỉ đồng, hàng nghìn m2 đất. Các cơ quan điều tra trong công an đã thụ lý điều tra 2.990 vụ án với hơn 7.500 bị can phạm tội về tham nhũng. Tổng tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra trên 553.000 tỉ đồng, hơn 245.000m2 đất. |
Tác giả: Thân Hoàng
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ