Phát triển du lịch gắn với văn hóa truyền thống ở miền núi Nghệ An
- 10:00 23-12-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phát triển theo định hướng đô thị sinh thái
Vườn quốc gia Pù Mát - một trong những điểm đến hấp dẫn của huyện Con Cuông. |
Con Cuông là nơi cư trú của 7 dân tộc anh em là Thái, Kinh, Nùng, Hoa, Khơ Mú, Tày, tộc người Đan Lai. Với đường biên giới giáp Lào dài 55,5 km, nơi đây được các doanh nghiệp lữ hành lựa chọn là một trong những điểm đến của các tua, tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh Nghệ An.
Năm 2015, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 4798 QĐ-UBND về phê duyệt “Đề án xây dựng huyện Con Cuông thành thị xã theo hướng đô thị sinh thái, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở vùng miền núi Tây Nam Nghệ An”. Đây là cơ sở để huyện Con Cuông tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển du lịch bền vững gắn với việc gìn giữ phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng đô thị sinh thái trong tương lai.
Về sản phẩm du lịch, Con Cuông đã xây dựng, quảng bá 7 sản phẩm OCOP được xếp hạng 4 sao, gồm: Mô hình du lịch cộng đồng Khe Rạn, xã Bồng Khê; Mô hình du lịch cộng đồng bản nưa xã Yên Khê; sản phẩm dây thìa canh, cà gai leo của Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát; Rượu men lá Lê Đông; Rượu men lá Châu Liên; Rượu nếp cẩm Thảo My… và 16 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Các sản phẩm đặc trưng của huyện Con Cuông góp phần đa dạng sản phẩm OCOP của tỉnh Nghệ An. (Ảnh minh họa) |
Các sản phẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc như dịch vụ ẩm thực; lưu trú; dệt thổ cẩm, đan lát; giao lưu văn hoá văn nghệ như nhảy sạp, múa lăm vông; uống rượu cần,... trở thành sản phẩm đặc trưng, làm phong phú thêm hoạt động du lịch địa phương đồng thời đáp ứng được nhu cầu và làm hài lòng được du khách. Huyện tiếp tục duy trì và thành lập nhiều Câu lạc bộ dân ca, dân vũ của đồng bào Thái tại nhiều thôn, bản.
Huyện Con Cuông đã cử các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tham gia các lớp tập huấn nâng cao nhận thức phát triển du lịch bền vững, du lịch cộng đồng. Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng để xây dựng các homestay, chỉnh trang khuôn viên nhà ở…
Tổ chức các lớp truyền dạy dân ca Thái, dệt thổ cẩm, đan lát mây tre đan… cho người dân đặc biệt là các thế hệ trẻ nhằm giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân; tạo điều kiện để các hạt nhân văn nghệ và quần chúng nhân dân được sáng tạo, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ; từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp trên địa bàn.
Phát huy giá trị văn hóa bản sắc vùng miền
Với nhiều giải pháp duy trì và bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch, thời gian qua địa phương đã thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước về tham quan trải nghiệm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện thu hút khoảng 54 nghìn lượt khách, doanh thu đạt khoảng 39,5 tỷ đồng.
Câu lạc bộ dân ca Thái bản Khe Rạn, xã Bồng Khê với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc. |
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như văn hoá truyền thống đồng bào các dân tộc có nguy cơ bị mai một, lai căng, pha tạp; hiệu quả, giá trị kinh tế từ du lịch mang lại chưa cao; các sản phẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc như đồ thổ cẩm, mây tre đan, rượu men lá, rượu cần,… chưa được đầu tư xây dựng trở thành những sản phẩm đặc trưng được du khách yêu thích, mua sắm, sử dụng nhiều.
Vì vậy, trong thời gian tới, huyện Con Cuông tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; phối hợp xúc tiến quảng bá điểm đến, xây dựng thương hiệu du lịch thông qua việc quảng bá hình ảnh du lịch của huyện. Xây dựng các chương trình du lịch để tạo ra chuỗi sự kiện du lịch thu hút và tận dụng tối đa các nguồn khách. Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có của địa phương, như tham quan danh thắng, nghỉ dưỡng, tắm khe suối, du lịch cộng đồng,...
Phục hồi và phát triển các đặc sản gắn với nghề truyền thống của các địa phương trong vùng như sản phẩm mây tre đan, dệt thổ cẩm. Đồng thời, tiếp tục tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, có năng lực, am hiểu về các điểm du lịch của huyện để hướng dẫn khách du lịch, giúp cho họ hiểu về thiên nhiên và văn hóa độc đáo, đặc sắc của địa phương. Đặc biệt là chú trọng việc truyền dạy nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ kế thừa bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình…
Việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số là cơ sở để phát triển du lịch bền vững, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Con Cuông trở thành thị xã theo hướng đô thị sinh thái./.
Tác giả: Thúy Vân
Nguồn tin: langngheviet.com.vn