Nghệ An: Cam Xã Đoài 'tiến Vua' rụng hàng loạt, nguy cơ thất thu vụ Tết
- 06:29 20-12-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những quả cam to, đẹp, sắp chín, chuyển màu vàng, nhưng núm lại thâm đen và bị rụng. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN) |
Còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Những ngày này, các vườn cam Xã Đoài, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An bắt đầu chín và cho thu hoạch. Tuy nhiên, nhiều diện tích cam của các nhà vườn đang đối diện với hiện tượng cam rụng hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân, nguy cơ thất thu vụ Tết.
Do lo ngại số lượng cam trên cây không đủ để cung ứng dịp Tết, nhiều nhà vườn buộc phải từ chối nhận cọc từ khách hàng.
Nông dân thất thu vụ Tết
Tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, hơn 15ha cam Xã Đoài lòng vàng - giống cam đắt tiền nhất trên địa bàn tỉnh - bị ảnh hưởng. Mỗi vườn chỉ có từ vài chục đến vài trăm cây nhưng số lượng rụng lên đến hàng trăm quả khiến người dân rất xót xa.
Ông Phan Công Hưởng ở xóm Yên Phúc, xã Nghi Diên cho biết tình trạng cam rụng bắt đầu xảy ra từ tháng Tám và kéo dài đến nay. Có những ngày ông phải gom cả bì cam rụng, chủ yếu dùng làm phân bón. Những quả cam to, đẹp, gần chín, chuyển màu vàng, nhưng núm lại thâm đen và rụng đầy gốc.
Những quả cam to, đẹp, gần chín, chuyển màu vàng, nhưng núm lại thâm đen và rụng đầy gốc. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN) |
Gia đình ông Phan Công Hưởng là một trong những hộ trồng cam lớn nhất xã với hơn 400 gốc cam gồm 250 gốc cho quả. Ông Hưởng chia sẻ: "Chưa năm nào cam rụng nhiều như năm nay khi có cây rụng gần nửa số quả, có cây rụng đến 90% quả. Tính tổng cả vườn, hàng ngàn quả đã rụng và tôi lo rằng tình trạng này chưa dừng lại. Nếu cam vẫn được bán với giá 70.000-80.000 đồng mỗi quả dịp Tết Nguyên đán, gia đình thất thu vài trăm triệu đồng."
Theo ông Phan Công Hưởng, gần đây, ông đã mời các chuyên gia từ Hà Nội và Bắc Giang về kiểm tra nhưng ban đầu, họ chưa tìm ra nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, sau khi quan sát kỹ, các chuyên gia nghi ngờ hiện tượng cam rụng có thể là do sương muối, vì cây cam vẫn xanh tốt, không bị sâu bệnh hay vàng lá, chỉ có quả bị rụng.
Cam rụng nhiều, hàng ngày ông Hưởng phải ra vườn kiểm tra và thu gom cam rụng vào chậu để ủ làm phân bón cho cây. Ông chia sẻ: "Cam rụng thì không còn cách nào cứu được. Hiện giờ cam vẫn tiếp tục rụng, nhiều khách đã liên hệ đặt hàng Tết nhưng tôi sợ không đủ cam để cung ứng nên không dám nhận. Tiếc lắm, cam trên cây vẫn còn nhưng nhiều quả đã có dấu hiệu hỏng. Cam hỏng chỉ có thể bỏ đi làm phân bón."
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại vườn cam Xã Đoài của gia đình ông Phạm Đình Tiến, xóm Phượng Sơn khi vườn cam này cũng thưa dần sau nhiều ngày bị rụng quả. Với 80 gốc cam, đầu mùa, ông Tiến dự kiến thu hoạch khoảng gần 5.000 quả. Gần đây, khi quả cam bắt đầu chín thì rụng hơn một nửa.
Mở rộng thị trường tiêu thụ cam
Cam Xã Đoài chỉ cho mỗi năm một vụ thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán. Với vị ngọt thanh và hương thơm đặc trưng, ruột cam có màu vàng óng, vỏ mịn, mỏng đều, cam Xã Đoài xưa kia từng được dâng tiến cho Vua. Do đó, khách hàng thường đến tận vườn để chọn lựa từng quả. Phần lớn cam đã được khách đặt trước rồi chờ đến sát Tết mới hái.
Trong khi các loại cam khác thường được bán theo trọng lượng thì cam Xã Đoài lại được bán theo quả. Trung bình, mỗi quả cam Xã Đoài có giá từ 70.000-80.000 đồng, có năm lên đến 90.000 đồng mỗi quả.
Với hương vị thơm ngon, cam "tiến Vua" trở thành đặc sản được ưa chuộng suốt hàng chục năm qua, đặc biệt vào dịp Tết. Nhiều khách hàng từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác thường xuyên tìm đến Nghi Diên để đặt mua cam từ khi cây bắt đầu đơm hoa. Sản phẩm này thường được dùng làm quà biếu, bày mâm ngũ quả ngày Tết hoặc dùng để ngâm rượu…
Cam năm nay rụng nhiều dẫn đến sản lượng giảm khoảng 50% so với dự kiến. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN) |
Bà Nguyễn Thị Thiết, công chức địa chính nông nghiệp xã Nghi Diên, cho hay diện tích trồng cam Xã Đoài của 50 hộ dân trong xã hiện còn khoảng 30ha, gồm khoảng 15ha cho quả ổn định hằng năm. Cam là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập khoảng 20 tỷ đồng mỗi năm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, năm nay, sản lượng cam giảm mạnh, doanh thu dự kiến cũng giảm đáng kể.
"Cam năm nay rụng nhiều, dẫn đến sản lượng giảm khoảng 50% so với dự kiến. Mặc dù sản lượng giảm mạnh nhưng giá cả vẫn tương đối ổn định. Hiện tại, các vườn cam đang bán với giá từ 70.000 đồng đến 80.000 đồng mỗi quả và giá có thể tăng nhẹ vào sát Tết," bà Thiết nói.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Lộc, do thời tiết chuyển mùa, mưa phùn và độ ẩm cao gây nên hiện tượng sương muối. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng cam rụng hàng loạt. Ngoài vùng cam Xã Đoài ở Nghi Diên, tình trạng này cũng xảy ra ở một số địa phương khác trên địa bàn huyện như Nghi Công Bắc, Nghi Văn, Nghi Vạn…
Để hạn chế những tổn thất do ảnh hưởng của thời tiết dẫn đến hiện tượng cam bị rụng, Ủy ban Nhân dân huyện Nghi Lộc đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăm sóc, thu hoạch cam đúng quy trình, tích cực tìm kiếm thêm các đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ cam để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại kinh tế cho người dân.
Ông Trần Nguyên Hòa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Lộc, cho biết: "Về lâu dài, huyện Nghi Lộc chú trọng thực hiện quy hoạch đất đai, giống cây, quy trình sản xuất, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ cam để nâng cao giá trị sản phẩm."
Trước mắt tháng 1/2025, huyện Nghi Lộc sẽ tổ chức Hội chợ quảng bá sản phẩm OCOP để giới thiệu quảng bá sản phẩm đặc sản địa phương, trong đó có cam Xã Đoài./.
Tác giả: Bích Huệ
Nguồn tin: vietnamplus.vn