ChatGPT 'đổ bộ' trên điện thoại để bàn và ứng dụng nhắn tin
- 16:18 19-12-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Biểu tượng của Công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI trên màn hình điện thoại và máy tính. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo thông báo của OpenAI, từ chiều 18/12 (giờ địa phương), người dùng tại Mỹ có thể gọi điện thoại cố định để trò chuyện với ChatGPT. Trải nghiệm này tương tự chế độ thoại nâng cao Advanced Voice Mode - tính năng đàm thoại thời gian thực mà OpenAI triển khai lâu nay trên ChatGPT.
Giờ đây, chỉ cần một cuộc gọi, người dùng điện thoại cố định có thể đặt câu hỏi và nhận câu trả lời từ ChatGPT. Họ thậm chí có thể yêu cầu ChatGPT thực hiện các tác vụ như dịch câu văn sang ngôn ngữ khác. OpenAI cho biết công ty sẽ cung cấp 15 phút sử dụng miễn phí cho người dùng. Sau khi hết thời lượng miễn phí, cuộc gọi sẽ tự ngắt. Công ty lưu ý rằng dịch vụ có thể áp dụng phí viễn thông tiêu chuẩn sau đó.
Song song với việc ra mắt trên điện thoại cố định, ChatGPT cũng chính thức xuất hiện trên WhatsApp. Người dùng có thể nhắn tin trực tiếp với trợ lý ảo mà không cần tạo tài khoản. Tuy nhiên, số lượt sử dụng mỗi ngày là có giới hạn. Người dùng sẽ nhận được thông báo khi họ đạt đến giới hạn này. Khi đó, họ sẽ có thể tiếp tục trò chuyện bằng cách tải xuống ứng dụng ChatGPT hoặc sử dụng ChatGPT trên máy tính để bàn.
OpenAI cho biết họ đang phát triển các tính năng bổ sung để tích hợp với WhatsApp như phân tích hình ảnh và tìm kiếm trên web. Nhưng công ty không chia sẻ thời điểm ra mắt những tính năng này.
Ông Kevin Weil - Giám đốc Sản phẩm của OpenAI - cho biết sứ mệnh của OpenAI là mang lại lợi ích của trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) cho toàn nhân loại. Một phần quan trọng trong đó là làm cho công nghệ trở nên dễ tiếp cận hơn đối với càng nhiều người càng tốt. Và những bước tiến công nghệ mới của công ty là minh chứng cho sứ mệnh này.
Trước đó, tính năng ChatGPT Search, trải nghiệm tìm kiếm trực tuyến dựa trên công nghệ AI của OpenAI, đã được triển khai cho tất cả người dùng ChatGPT bên cạnh một số tính năng mới.
Thay vì ra mắt một sản phẩm riêng biệt, OpenAI đã tích hợp tính năng tìm kiếm trực tiếp vào ChatGPT. Người dùng có thể bật tính năng tìm kiếm theo mặc định hoặc kích hoạt thủ công thông qua biểu tượng tìm kiếm web.
Theo mặc định, ChatGPT sẽ tự động xác định câu hỏi nào cần được chuyển qua ChatGPT Search, hoặc người dùng có thể nhấn vào biểu tượng "Tìm kiếm trên web" mới trong giao diện ChatGPT. ChatGPT Search hiển thị các câu trả lời tóm tắt từ các nguồn trực tuyến khác nhau, cũng như nội dung "phong phú" như ảnh nhúng và video YouTube.
Trong một buổi phát trực tiếp hôm 16/12, OpenAI cho biết ChatGPT Search đã được "tăng tốc" và hiện có thể được đặt làm công cụ tìm kiếm mặc định cho bất kỳ trình duyệt web nào. Ngoài ra, trải nghiệm ChatGPT Search trên thiết bị di động cũng được cải thiện. Trên thiết bị di động, người dùng giờ đây có thể thấy các thông tin tìm kiếm được sắp xếp hợp lý hơn.
Các ví dụ về giao diện mới được OpenAI giới thiệu có nét tương đồng với kết quả tìm kiếm của Google và Google Maps, nhưng không xuất hiện quảng cáo. Chúng cũng có nhiều điểm tương đồng với giao diện của Perplexity, một công cụ tìm kiếm AI cung cấp trải nghiệm mang tính trò chuyện cá nhân hơn so với Google thông thường bằng cách hiển thị nguồn tham khảo ngay trong câu trả lời.
Cuối cùng, ChatGPT Search hiện đã có sẵn trong Advanced Voice Mode, tính năng đàm thoại theo thời gian thực của OpenAI cho ChatGPT.
Kể từ khi ra mắt, dữ liệu trên các chatbot như ChatGPT hoặc Claude của Anthropic đã bị giới hạn về thời gian tiếp cận Internet, vì vậy những câu trả lời của chúng không phải các thông tin mới nhất. Ngược lại, Google và Microsoft đều kết hợp các câu trả lời do AI tạo ra với kết quả trên web.
Một số nhà xuất bản đã phản đối các công cụ tìm kiếm bằng AI như ChatGPT Search, Perplexity và AI Overviews của Google. Họ cho rằng chúng có thể làm suy giảm lưu lượng truy cập đến các trang web nơi chúng lấy thông tin. Một nghiên cứu của công ty truyền thông Raptive cho thấy chỉ riêng AI Overviews đã có thể làm giảm 25% lưu lượng truy cập của nhà xuất bản do người dùng không còn chú ý nhiều tới liên kết đến các trang web.
OpenAI cho biết họ đã tích hợp phản hồi từ các đối tác về cách ChatGPT Search quyết định bài viết nào phù hợp nhất với truy vấn, cũng như xác định độ dài tóm tắt và những trích dẫn cho các bài viết.
Tác giả: Hương Thủy
Nguồn tin: baotintuc.vn