Hậu 'scandal' gian lận tuổi và giải pháp phát triển bền vững bóng đá trẻ Nghệ An: Tổng điều tra, đề nghị địa phương liên đới trách nhiệm (Bài 3)
- 14:48 18-12-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Yêu cầu địa phương cam kết về hồ sơ vận động viên
Trong câu chuyện với phóng viên, một trưởng phòng của Sở Văn hoá và Thể thao Nghệ An cho biết, vụ việc vừa xảy ra với U.11 SLNA và cả những lần bị kỷ luật vì gian lận tuổi trong quá khứ thực sự là nỗi buồn lớn của người hâm mộ xứ Nghệ. Với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Sở Văn hoá và Thể thao đã có ngay chương trình hành động, nhằm ngăn chặn tối đa hành vi gian lận tuổi trong bóng đá trẻ.
"SLNA hiện có cầu thủ trẻ đến từ 6 địa phương trên cả nước. Vừa rồi, chúng tôi đã rà lại toàn bộ hồ sơ của tất các các vận động viên đang "ăn tập" tại lò Sông Lam. Sau đó, chúng tôi gửi hồ sơ về từng địa phương mà các vận động viên cư trú đề nghị xác minh lại một lần nữa. Chúng tôi đề nghị quyền phối hợp xác minh, tìm hiểu kỹ lại và ký xác nhận hồ sơ chuẩn gửi về Sở. Nếu hồ sơ không có gì thay đổi, chúng tôi yêu cầu chính quyền phải liên đới trách nhiệm trong trường hợp có khiếu nại liên quan. Còn xác minh và nhận thấy sai lệch, chúng tôi kiên quyết đề nghị SLNA trả cầu thủ về đúng độ tuổi, thậm chí loại khỏi CLB nếu gia đình và địa phương không hợp tác", vị trưởng phòng cho biết.
Cách làm này theo đánh giá là để sàng lọc lại những sai sót từ cơ sở và cũng là cách để gán trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý hồ sơ của vận động viên. Hiện tại, nhiều địa phương đã rà soát xong, gửi hồ sơ lại cho Sở Văn hoá và Thể thao. Sau khi nhận đủ, Sở Văn hoá và Thể thao trên cơ sở các số liệu gửi về sẽ phân tích, đánh giá và có những quy định nghiêm ngặt bằng văn bản gửi các đơn vị có liên quan.
Sở Văn hoá và Thể thao Nghệ An đã gửi công văn, đề nghị địa phương phối hợp rà soát tính trung thực trong hồ sơ của tất cả các VĐV đang "ăn tập" ở lò Sông Lam |
Bên cạnh phối hợp với địa phương để làm chặt khâu hồ sơ từ lúc ban đầu, vào cuối tháng 10 vừa qua, Sở Văn hoá và Thể thao Nghệ An cũng đã tổ chức một hội thảo chuyên sâu về công tác quản lý và đào tạo trẻ. Hàng trăm cán bộ, huấn luyện viên các lớp năng khiếu bóng đá cũng như cán bộ địa phương chuyên trách về mảng này đã được trang bị những kiến thức chuyên sâu về quản lý, đào tạo trẻ bên cạnh những kỷ năng phòng và ngăn ngừa hiện tượng gian lận tuổi.
Được biết, các hội thảo kiểu chuyên sâu như thế này sẽ được Sở Văn hoá và Thể thao tổ chức thường xuyên với những chuyên đề cụ thể gắn với các sự kiện thời sự hoặc nội dung được dư luận quan tâm. Thay đổi nhận thức trong tư duy về thành tích cũng là rất quan trọng. Theo đó, việc tuyên truyền, đấu tranh với các hành vi tiêu cực trong bóng đá cũng là trọng tâm trong công tác tuyên truyền của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An - cho biết sở đã lập đoàn thanh, kiểm tra để chấn chỉnh, cùng với các địa phương rà soát lại tuổi các cầu thủ trẻ. |
"Hiện nay quy trình tuyển chọn các lứa U rất chặt chẽ qua các câu lạc bộ, giải trẻ, lớp nghiệp dư. Ngành chỉ tham mưu về chuyên môn bóng đá, còn chuyện tuổi cầu thủ phải căn cứ vào hộ khẩu, căn cước dân và hồ sơ pháp lý. Chúng tôi cũng mong các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ để không còn gian lận tuổi. Ngay sau khi vụ việc xảy ra với U.11, Sở đã thành lập đoàn thanh, kiểm tra để chấn chỉnh, cùng với các địa phương rà soát lại tuổi các cầu thủ trẻ", bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Nghệ An phát biểu tại phiên chất vấn của kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An diễn ra vừa qua. |
Sạch để phát triển bền vững
Nói về đào tạo trẻ, lò Sông Lam thuộc diện "đi tắt đón đầu". Khi nhiều nơi chưa biết làm bóng đá trẻ thì lò Sông Lam đã xây dựng được một hệ thống cực kỳ bài bản. Bằng chứng là họ thâu tóm rất nhiều danh hiệu giải trẻ và hiện đang nắm nhiều kỷ lục quốc gia ở các lứa U.
Khi doanh nghiệp tham gia vào bóng đá theo hướng chuyên nghiệp, lò Sông Lam dù bị cạnh tranh gay gắt nhưng vẫn ít nhiều duy trì được vị thế. Khác biệt có chăng đến từ các lừa U.19 và U.21 khi SLNA đã lâu lắm rồi không còn là số 1. Hệ thống trẻ của lò Sông Lam hiện nay vẫn đang sống bằng nguồn ngân sách.
Nhiều năm qua, họ cũng đang nỗ lực chuyển mình để duy trì thế đứng trước sự cạnh tranh quyết liệt từ nhiều trung tâm đào tạo trẻ khác. Bất lợi về nguồn tài chính nên để tiếp tục là "ông lớn" về đạo tạo trẻ thì SLNA đã xác định, phải để sau lưng những lùm xùm hậu trường cản trở họ.
Đối tác Nhật Bản cử chuyên gia vật lý trị liệu sang hỗ trợ cho lò Sông Lam |
Câu chuyện vừa rồi, SLNA có thể cũng là nạn nhân nhưng dù thế nào, hậu quả cũng rất lớn. Thế nên động thái quyết liệt từ các cơ quan quản lý nhà nước hi vọng sẽ lấy lại sự trong sạch để thầy và trò lò Sông Lam chỉ thực sự tâm huyết với chuyên môn. Nói gì thì nói, lò Sông Lam xưa nay vẫn là thương hiệu lớn, tồn tại một đội bóng "con nhà nghèo học giỏi" cũng là nét chấm phá, đa dạng cho các mô hình đào tạo trẻ hiện nay ở Việt Nam.
Từ khi Tập đoàn Tân Long xuất hiện, không thể phủ nhận lò Sông Lam có nhiều khởi sắc. Từ chuyện dinh dưỡng được cải thiện đáng kể cho đến việc được chăm sóc y tế chu đáo và cực kỳ khoa học. Việc phối hợp toàn diện với một CLB chuyên nghiệp của Nhật đã giúp lò Sông Lam có hướng đi riêng, bài bản và chuyên nghiệp hơn. Ngoài trừ "tai nạn" của U.11 thì thành tích những năm qua của lò Sông Lam vẫn cực kỳ ần tượng với số lần vô địch các lứa U thuộc tốp đầu cả nước. Nếu cuộc "cách mạnh" về tuổi tác được cơ quan chức năng làm tốt thì với cách làm như hiện nay, công tác đào tạo trẻ của lò Sông Lam vẫn có những hy vọng về một sự khởi sắc, tiếp tục duy trì vị thế của mình. |
Tác giả: Lê Giáp
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn