Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chính sách lớn mang theo kỳ vọng cho đồng bào dân tộc thiểu số Nghệ An

Sau bước khởi đầu khá chậm, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tạo dấn ấn tại Nghệ An.

 Miền Tây Nghệ An hưởng lợi lớn từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: NL.

2024 là năm thứ 3 triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, căn cứ các Văn bản hướng dẫn của Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tham mưu xây dựng, thẩm định, phê duyệt, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành.

Từ đòi hỏi cấp thiết, tỉnh đã tập trung sửa đổi, bổ sung các Văn bản liên quan đến cơ chế, chính sách, quy định, hướng dẫn, đến nay HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành 3 Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành các văn bản để chỉ đạo, quản lý chương trình.

Đối với nội dung khó khăn, vướng mắc xoay quanh việc đề xuất Trung ương điều chỉnh nội dung Quyết định phê duyệt chương trình, UBND tỉnh Nghệ An đã có báo cáo, đề xuất điều chỉnh, bổ sung gửi Ủy ban Dân tộc, qua đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định Nhà nước theo đúng trình tự, thủ tục nhằm tạo hành lang pháp lý cần thiết.

Ý thức được tầm quan trọng của chương trình này, trong năm qua tỉnh Nghệ An đã tập trung kiểm tra, giám sát, đánh giá như kế hoạch được vạch sẵn. Nổi bật phải kể đến 2 Đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra diễn biến thực tế tại các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông.

Bên cạnh đó, đã chỉ đạo Ban Dân tộc tổ chức nhiều đợt kiểm tra chuyên ngành. Các đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam, HĐND các cấp cũng thường xuyên tổ chức các cuộc giám sát tại địa phương theo đúng thẩm quyền để nắm bắt, báo cáo đến cấp thẩm quyền những tồn tại, hạn chế để kịp thời có phương án tháo gỡ.

Xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm cả chủ quan lẫn chủ quan, giai đoạn đầu Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi chưa mang lại kết quả như mong đợi. Dù vậy đến năm 2024 tình hình đã có nhiều khởi sắc, một số Dự án, Tiểu dự án thông suốt về mặt pháp lý tức thì tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực.

Điển hình phải nhắc đến Dự án 9 về Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Năm 2024 trên 15 tỷ đồng của nguồn vốn đầu tư phát triển đã được giải ngân ổn thỏa, trong đó cơ bản “phủ sóng” ở Tiểu dự án 1 về “Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nhóm DTTS rất ít người, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù”.

 Tộc người Đan Lai tại Vườn Quốc gia Pù Mát thuộc thành phần được thụ hưởng từ chương trình. Ảnh: NL.

Chi tiết hơn, đã đầu tư vào danh mục dự án kè chống sạt lở, nước sinh hoạt tập trung, điện sinh hoạt, đường giao thông và trường học nhằm mục tiêu phát triển bền vững người Đan Lai (thuộc dân tộc Thổ) gắn với bảo vệ phát triển rừng, môi trường sinh thái tại Vườn Quốc gia Pù Mát của huyện Con Cuông; đầu tư xây dựng 2 danh mục dự án đường giao thông và điện sinh hoạt) nhằm phát triển nhóm dân tộc thiểu số ít người (Dân tộc Ơ Đu) tại bản đặc biệt khó khăn là Văng Môn của xã Nga My, huyện Tương Dương.

Đối với Tiểu dự án 2 về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, Ban Dân tộc xây dựng kế hoạch tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên là lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể cơ sở, tại thôn/bản, quy mô tổng cộng 640 học viên/8 lớp của 10 huyện miền núi. Ngoài ra, sẽ tổ chức hoạt động “Hội thi tìm hiểu về luật hôn nhân gia đình, kiến thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại 4 điểm trường THCS để truyền tải kiến thức cần thiết cho các em học sinh.

Tác giả: Tuấn Tú

Nguồn tin: nongnghiep.vn