Choáng với thú chơi xe sang của ông trùm "cát tặc"
- 13:40 12-12-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong vụ án "cát tặc" xảy ra tại An Giang, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định bị can Lê Quang Bình, Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68, đã đưa hối lộ, chi tiền "cảm ơn" cho nhiều cựu lãnh đạo tỉnh An Giang.
Từ trái qua: Bị can Lê Quang Bình; Võ Truyền Thống (Phó Tổng Giám đốc Công ty Trung Hậu 68) và bị can Nguyễn Tấn Lịnh (Giám đốc điều hành Công ty Trung Hậu 68) |
Theo đó, bị can Lê Quang Bình đã đưa tiền cho cựu chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhận 300.000 USD; cựu phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhận gần 1 tỉ đồng; cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí nhận 3,1 tỉ đồng…
Theo kết luận điều tra, do được giúp đỡ từ một số lãnh đạo tỉnh An Giang và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, từ ngày 24-12-2021 đến ngày 29-7-2023, Công ty Trung Hậu 68 đã khai thác hơn 5 triệu m3 cát. Tuy nhiên, Công ty chỉ cấp vào công trình theo giấy phép hơn 1,3 triệu m3, còn lại bán ra ngoài và thu lợi bất hợp pháp gần 294 tỉ đồng.
Để che giấu số tiền hưởng lợi bất hợp pháp từ việc khai thác cát trái phép, Lê Quang Bình đã chỉ đạo cấp dưới là bị can Hoàng Hải Thụy (Phó Tổng Giám đốc Công ty Trung Hậu 68) nhận tiền thanh toán từ khách lẻ hoặc qua đối tượng khác bằng tiền mặt. Việc nhận tiền không có biên nhận, không ghi chép lại và do nhiều người đưa nhiều lần trong thời gian dài, đến nay không xác định được Hoàng Hải Thụy đã nhận bao nhiêu tiền.
Bên cạnh đó, các bị can khác mượn tài khoản ngân hàng của người khác để nhận tiền rồi chuyển lòng vòng rồi mới tới tay Lê Quang Bình hoặc được Lê Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 chỉ đạo sử dụng tiền vào nhiều mục đích khác nhau.
Cơ quan điều tra xác định từ tháng 10-2022 đến ngày cuối tháng 7-2023, thông qua các tài khoản mượn, bị can Hoàng Hải Thụy nhận tiền thanh toán của khách lẻ tổng cộng hơn 170 tỉ đồng. Sau đó, theo yêu cầu của bị can Lê Quang Bình, bị can Hoàng Hải Thụy đã chuyển khoản số tiền này cho các cá nhân là lãnh đạo, nhân viên của Công ty Trung Hậu 68 rồi mới rút tiền mặt, chuyển lại cho Lê Quang Bình.
Số tiền thu lợi bất hợp pháp, Lê Quang Bình dùng một phần giao cháu và anh trai đi mua nhà đất, trong đó có 6 bất động sản đã ký hợp đồng và thanh toán một phần. Trong đó có nhà và đất ở số 513, phường Tân Hưng, quận 7, TP HCM (chủ sở hữu bán giá 12,2 tỉ đồng, Lê Quang Bình đã đặt cọc 7,2 tỉ đồng). Một thửa đất khác cũng ở quận 7, TP HCM được chủ sở hữu bán với giá 17,7 tỉ đồng và Lê Quang Bình đã đặt cọc 7,2 tỉ đồng... Tổng số tiền Lê Quang Bình dùng đặt cọc mua nhà đất là gần 38 tỉ đồng.
Ngoài ra, Lê Quang Bình còn chỉ đạo cấp dưới dùng hơn 9,1 tỉ đồng để trả tiền mua xe ôtô, trả gốc, lãi cho ngân hàng tiền mua 8 chiếc ôtô, như: Mercedes S450L, Mercedes G63, Lexus ES250, Lexus LX570...
Trong quá trình điều tra, Lê Quang Bình thừa nhận đã giao cho Hoàng Hải Thụy điều hành khai thác cát trái phép và bán cho các khách lẻ. Lê Quang Bình chỉ đạo Hoàng Hải Thụy che giấu nguồn tiền bất hợp pháp bằng cách nhận tiền thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, trường hợp chuyển khoản thì mượn tài khoản người khác để nhận tiền và sử dụng nhiều tài khoản của các cá nhân khác để chuyển tiếp và cuối cùng đến tay Lê Quang Bình.
Trong số 44 bị can bị đề nghị truy tố, bị can Lê Quang Bình, Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68, bị cáo buộc 3 tội danh gồm "Đưa hối lộ"; Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" và "Rửa tiền". Cựu phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư và cựu giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này là Nguyễn Việt Trí, bị cáo buộc tội "Nhận hối lộ". Có 9 người bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" gồm: Nguyễn Thanh Bình, cựu chủ tịch UBND tỉnh An Giang; Nguyễn Bảo Trung, cựu trưởng ban quản lý Khu kinh tế An Giang… |
Tác giả: Nguyễn Hưởng
Nguồn tin: Báo Người Lao Động