Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều hãng xe Trung Quốc từng đột ngột bỏ rơi khách Việt: Lifan, Beijing, Zotye đi không hẹn ngày về, Haima, BYD trở lại nhưng còn vấn đề, chủ xe 'coi như bỏ tiền mua trải nghiệm'

Nhiều hãng xe Trung Quốc đã âm thầm biến mất khỏi Việt Nam từ cả chục năm trước. Nay một số hãng đã trở lại, song có tránh được vết xe đổ?

Trong chương trình Trên Ghế ngày 10-12, anh Phạm Ngọc Hải, chủ sở hữu Beijing U5 Plus, đã chia sẻ cảm giác hụt hẫng khi mua xe chưa được bao lâu thì hay tin nhà phân phối dừng bán, hãng rút khỏi thị trường. Anh cho biết cảm giác như bị "đem con bỏ chợ", xe mua mới 2 năm đã mất giá 150 triệu đồng, bán đi mua xe mới cũng khó vì phải bù rất nhiều.

Anh Hải không phải người duy nhất phải đối mặt với vấn đề này, khi nhiều hãng xe Trung Quốc từng vào Việt Nam nhưng nhanh chóng rút lui. Giữa làn sóng xe Trung Quốc ồ ạt đổ bộ hiện nay, không thiếu tên tuổi từng lặng lẽ biến mất đó quay trở lại. Nhưng liệu họ có một lần nữa ra đi hay không thì còn cần thời gian để trả lời.

 

Lifan

Tháng 6-2006, Tập đoàn Lifan (Trung Quốc) và nhà phân phối là công ty Bảo Tân đã tổ chức lễ ra mắt Lifan 520, được coi là đối thủ giá rẻ khi so với Toyota Vios.

Xe có mâm hợp kim, phanh ABS, cảm biến lùi, nội thất bọc da, màn hình DVD tinh thể lỏng… là những trang bị thường thấy trên những mẫu cao cấp khi đó dù giá xe ở Trung Quốc chỉ tương đương khoảng 5.000 USD (80 triệu đồng với tỉ giá thời điểm đó).

 Lifan 520 cũ giờ có giá bán chỉ vài chục triệu, ngang xe máy.

Tuy nhiên, khi về Việt Nam giá bị đẩy lên tới 16.500 USD (264 triệu đồng với tỉ giá năm 2006). Đó là bởi khi đó thuế rất cao, thuế nhập khẩu 90%, thuế tiêu thụ đặc biệt 50% và thuế VAT 10%.

Trước đó, Lifan đã gây ấn tượng bên thị trường xe máy. Nhưng khi lấn sang ô tô thì hãng không có được thành công như mong đợi. Chỉ sau một thời gian ngắn, mẫu xe này đã biến mất khỏi thị trường Việt Nam. Khi xe máy Trung Quốc thoái trào, cái tên Lifan cũng hoàn toàn mất hút.

Zotye

Zotye Z8 từng được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện khi xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2018 do ngoại hình quá giống Range Rover. Chiếc xe sở hữu loạt option ấn tượng trong tầm giá 700-800 triệu đồng. Nhưng ngày nay, mẫu xe này rất ít thấy trên đường, ngay cả khi nhà phân phối có chính sách khuyến mại lớn.

 Zotye Z8 hầu như chỉ còn xe cũ ở Việt Nam.

Thực tế, fanpage của Zotye đã ngừng hoạt động từ năm 2019, tức là chưa đầy một năm sau khi mang xe về. Bài đăng cuối cùng chỉ để rao bán chiếc xe mới 99%. Dù vậy, thương hiệu vẫn bổ sung bản mới sau đó. Nhưng đến nay đã thực sự im bặt sau khi có thông tin cho rằng nhà phân phối Kylin GX 668 đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế.

Beijing

BAIC Beijing X7 là một trong những mẫu ô tô Trung Quốc "ồn ào" nhất ở Việt Nam. Mẫu xe thu hút nhiều người đến mức những người như anh Phạm Ngọc Hải thừa nhận mua Beijing U5 Plus chỉ vì "rất nhiều người chạy X7, tính thanh khoản cũng tốt, giữ giá cũng ngang xe Nhật, xe Hàn".

 Nhiều chủ xe Beijing cảm thấy như bị bỏ rơi. Nhưng mẫu X7 vẫn bán được khoảng 500-700 triệu trên thị trường xe cũ, tùy tình trạng xe.

Tuy nhiên, cùng với "người anh em" U5 Plus, chủ sở hữu mẫu xe đình đám này cũng nhanh chóng rơi vào trạng thái hoang mang như nhiều xe Trung Quốc khác, khi hãng rời bỏ Việt Nam, nhà phân phối dừng bán. 

Nhà phân phối không đâu khác chính là Kylin GX 668. Tra cứu mã số thuế cho thấy công ty này đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế, khiến các chủ xe như anh Hải chỉ còn đành tự an ủi: "Coi như bỏ tiền mua trải nghiệm".

Changan

Changan từng đến Việt Nam với những mẫu như CS35, G50, Eado, Honor từ những năm 2014-2015. Song lượng bán ra chẳng được bao nhiêu. 

 Changan CS35 từng xuất hiện ở cảng Hải Phòng, được xem là đối thủ của Hyundai Kona.

Một nguyên nhân, ngoài lý do thương hiệu, còn đến từ giá bán. Mức giá 560 triệu khi ra mắt bị đánh giá là quá cao với một thương hiệu mới đến từ Trung Quốc - một quốc gia khi đó có nền công nghiệp ô tô không được đánh giá cao. Đối thủ Ford EcoSport có giá khởi điểm từ 598 triệu đồng vào năm 2015, và đây là một trong thương hiệu ô tô lâu đời nhất và đến từ Mỹ. 

Chery

Năm 2009 thông qua đơn vị liên doanh ô tô Hòa Bình, Chery mang đến mẫu QQ3 với giá chỉ 10.000 USD (khoảng 180 triệu đồng thời bấy giờ).

Dù có giá bán rẻ nhất thị trường vào thời điểm đó, nhưng xe có điểm trừ lớn là giống như phiên bản khác của Matiz/Spark từ GM Daewoo nên không giành được thiện cảm của người Việt. 

 Từng cạnh tranh Morning, giờ Chery QQ3 có giá chỉ như xe máy khi bán lại.

Ngoài ra, nhiều người cũng không dám mạo hiểm dốc tiền cho một thương hiệu lạ đến từ Trung Quốc.

Năm 2010, nhà phân phối lại mang đến Chery Riich M1 với giá bán 288 triệu đồng. Mẫu xe này cũng không để lại nhiều ấn tượng.

Nay, Chery trở lại Việt Nam thông qua nhãn hiệu con Omoda & Jaecoo. Có lẽ kinh nghiệm từ những mẫu cũ đã khiến thương hiệu trở nên rất thận trọng. Hãng mất tới hai năm thăm dò mới ra mắt thương hiệu vào tháng 9/2024 và đến tháng 11 mới thực sự trình làng mẫu xe đầu tiên Omoda C5. 

Với lần trở lại này, Chery đã chọn một công ty có tiềm lực như Geleximco làm nhà phân phối, đồng thời mở nhà máy để khẳng định sẽ gắn bó lâu dài với thị trường thay vì "đem con bỏ chợ".

BYD

BYD cũng là thương hiệu tái xuất ở Việt Nam. Thực tế, hãng đã vào từ năm 2010 với mẫu xe cỡ A F0 được phân phối qua FAuto. 

Xe chỉ có giá 262 triệu đồng. Để so sánh, khi đó đối thủ Kia Morning đã có giá từ 340 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng do kiểu dáng nhái (với Toyota Aygo) nên mẫu xe này không được nhiều người chào đón.

 BYD từng thất bại với mẫu F0. Nếu F0 gây nhàm chán vì giống xe Toyota thì BYD trở lại với xe điện song lại thiếu trạm sạc. Do đó, thành công của thương hiệu vẫn còn là dấu hỏi.

Nay, BYD đã quay trở lại thông qua việc chỉ phân phối xe điện. Kiểu dáng đã tốt hơn rất nhiều, song có một điểm trừ lớn là hãng không đầu tư cho trạm sạc như VinFast. Những phương án thay thế mà hãng đưa ra đều bị chuyên gia Khuất Thế Đạt, nhà báo tạp chí Công thương - Bộ Công thương, chỉ ra trong chương trình Trên Ghế là "còn nhiều bất cập".

Haima

Có lẽ ít người biết rằng Haima đã từng vào Việt Nam từ nhiều năm trước, với các sản phẩm gồm Haima 2, New Haima 3, Haima 7 và Haima Freema. 

 Haima 2 có giá chỉ khoảng trên trăm triệu trên thị trường xe đã qua sử dụng.

Khi mới ra mắt, những mẫu xe này nhận được nhiều chú ý bởi đây là một trong những thương hiệu hàng đầu Trung Quốc khi đó. Giá bán bình dân, bảo hành dài 3 năm (hoặc 30.000km). Tuy nhiên, sự chú ý bước đầu đã không chuyển thành doanh số khi thương hiệu ra đi lúc nào cũng không nhiều người biết. Trên thị trường chỉ còn lại xe cũ.

Cũng giống BYD và Chery, Haima đã trở lại khi nhìn thấy làn sóng ô tô Trung Quốc vào Việt Nam. Nhưng một lần nữa, dấu ấn trên thị trường của hãng khá mờ nhạt. Mẫu Haima 7X thường xuyên giảm giá tại đại lý để tìm khách mua, mức giảm có lúc lên tới gần 200 triệu đồng.

MG

MG hiện nay đã quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là quá dòng MG5 và ZS. Thậm chí có nguồn tin nội bộ rằng hãng bán được 10.000 xe trong một năm.

Tuy nhiên, thực tế MG đã từng phải lặng lẽ rời khỏi Việt Nam. Sau vài tháng kể từ khi xuất hiện năm 2012, hãng đã "ẩn hình" vì doanh số kém. 

 MG có thể xem là thương hiệu ô tô Trung Quốc thành công nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Sau đó, thương hiệu bắt tay với nhà phân phối Tan Chong. Dù vậy, tình hình kinh doanh không quá lạc quan vì xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc - thị trường mà nhiều người Việt có nhiều định kiến. Khi mẫu ZS chuyển sang nhập Thái, tình hình đã được cải thiện khi trang Dagangnews khẳng định doanh số của TC Services Việt Nam tăng tới 98% so với trước đó.

Nhưng rồi một lần nữa thương hiệu lại chịu cảnh biến động. Nhà phân phối đổi sang Haxaco - vốn phân phối xe Mercedes-Benz. Theo chuyên gia Đoàn Anh Dũng nhận định trong chương trình Trên Ghế, dường như "MG đang muốn nâng thương hiệu của mình lên cao hơn".

Có thể thấy, nhiều hãng xe Trung Quốc đã đến rồi đi để lại những người tiêu dùng "bơ vơ" khiến nhiều người trở nên dè dặt ngay cả khi xe Trung Quốc trở lại với chất lượng tốt hơn.

Nhìn vào top xe bán chạy, thị trường Việt Nam vẫn được định hình bởi xe Nhật, Hàn và Mỹ tùy theo từng phân khúc. Có rất ít khe hở để các hãng xe Trung Quốc "chen" vào. Đó cũng là cái giá khó tránh với các hãng xe Trung Quốc, khi để lại dấu ấn chưa tốt từ những lần đổ bộ trước đó.

"Chọn nhà phân phối trước khi chọn xe. Khi làm như vậy, chúng ta có thể hạn chế những rủi ro như tôi đã gặp phải", anh Hải, chủ xe Beijing U5 Plus đã không còn nhà phân phối tại Việt Nam, chia sẻ.

Tác giả: Thanh Linh

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn