Thành lập thành phố Hoa Lư thuộc tỉnh Ninh Bình
- 15:12 10-12-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Ninh Bình - Ảnh: VGP/LS |
Sáng 10/12, với 100% thành viên có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Ninh Bình. Nghị quyết có hiệu lực từ 1-1-2025.
'Thành phố mới' Hoa Lư
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đây là địa phương cuối cùng trong số 51 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Đáng chú ý, trong nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì Ninh Bình sẽ có thành phố mới mang tên Hoa Lư. Theo đó, thành phố Hoa Lư được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích, dân số của huyện Hoa Lư và toàn bộ diện tích, dân số của thành phố Ninh Bình.
Sau khi thành lập, thành phố Hoa Lư có diện tích tự nhiên là 150,24km2 và quy mô dân số là 238.209 người. Thành phố Hoa Lư giáp các huyện Yên Khánh, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, thành phố Tam Điệp và tỉnh Nam Định.
Cùng với đó, thành lập, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Hoa Lư gồm thành lập phường Ninh Giang, Ninh Phúc. Nhập toàn bộ phường Phúc Thành, Thanh Bình vào phường Vân Giang thành phường Vân Giang. Thành lập phường Ninh Mỹ trên cơ sở nhập toàn bộ thị trấn Thiên Tôn và xã Ninh Mỹ. Nhập toàn bộ xã Ninh Xuân vào xã Ninh Nhất. Nhập toàn bộ xã Ninh Thắng vào xã Ninh Hải.
Sau khi sắp xếp, thành phố Hoa Lư có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 12 phường Bích Đào, Đông Thành, Nam Bình, Nam Thành, Ninh Giang, Ninh Khánh, Ninh Mỹ, Ninh Phong, Ninh Phúc, Ninh Sơn, Tân Thành, Vân Giang. Có 8 xã gồm Ninh An, Ninh Hải, Ninh Hòa, Ninh Khang, Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Vân, Trường Yên.
Cùng với đó, tiến hành sắp xếp 23 đơn vị cấp xã của 5 huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn.
Sau khi sắp xếp, huyện Nho Quan có 23 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 xã và 1 thị trấn. Sau khi sắp xếp, huyện Gia Viễn có 18 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 xã và 1 thị trấn.
Với huyện Yên Khánh, sau sắp xếp có 18 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 xã và 1 thị trấn. Với huyện Yên Mô, sau sắp xếp có 14 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 13 xã và 1 thị trấn.
Sau khi sắp xếp, huyện Kim Sơn có 23 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 21 xã và 2 thị trấn.
Như vậy, sau sắp xếp, tỉnh Ninh Bình giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện và giảm 18 đơn vị hành chính cấp xã.
Theo đó, Ninh Bình sẽ có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 5 huyện và 2 thành phố; 125 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 101 xã, 18 phường và 6 thị trấn.
Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trình bày, có 12 xã/34 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Ninh Bình thuộc diện sắp xếp nhưng không thực hiện sắp xếp do có các yếu tố đặc thù.
Sau sắp xếp, thành phố Hoa Lư đáp ứng các điều kiện về diện tích, dân số...
Nêu quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp; việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; bố trí, sắp xếp trụ sở, tài sản công và việc giải quyết chế độ, chính sách đặc thù của các ĐVHC hình thành sau sắp xếp của tỉnh Ninh Bình như đã nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ.
Đối với thành phố Hoa Lư hình thành sau sắp xếp, Ủy ban Pháp luật cho rằng thành phố Hoa Lư hình thành sau sắp xếp đã đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Nghị quyết số 1211 và Nghị quyết số 35.
Đối với các ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp, có 11/16 ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu theo quy định; có 05 đơn vị chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số (gồm xã Thanh Sơn, xã Tiến Thắng, xã Khánh Thiện, xã Khánh Thượng và thị trấn Phát Diệm).
Về việc không thực hiện sắp xếp đối với các ĐVHC thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 – 2025, Ủy ban Pháp luật cho rằng, đề xuất của Chính phủ về việc không thực hiện sắp xếp đối với các ĐVHC là có cơ sở, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương trong thời điểm hiện nay.
Tác giả: LS
Nguồn tin: baochinhphu.vn