Hậu 'scandal' gian lận tuổi và giải pháp phát triển bền vững bóng đá trẻ Nghệ An
- 13:34 06-12-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Có lẽ những ám ảnh vẫn chưa thể nguôi ngoai và điều này đã đặt ra cho những người làm bóng đá trẻ địa phương vô số bài toán khó, liên quan đến phát triển bền vững.
Bài 1: Ba thập kỷ, một nỗi buồn
Hai lần U.11 SLNA bị tước danh hiệu vô địch kéo theo hàng loạt nghi vấn đình đám, liên quan đến gian lận tuổi. Cũng bởi thế, người Nghệ đã không ít lần phải trải qua cảm giác tủi hờn, xấu hổ.
Ban Kỷ luật của VFF nhắc đến án phạt dành cho U.11 SLNA tại Đại hội thường niên diễn ra vào ngày 22/11 vừa qua tại Hà Nội |
Đọc thuộc học bạ để... được tham gia giải
Đã gần 30 năm trôi qua nhưng anh Lê Đình H., trú tại xóm Vĩnh Hoà, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) vẫn nhớ như in mùa giải bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng toàn tỉnh Nghệ An năm 1997.
Theo lời anh H. kể, lúc bấy giờ, ở trong xã, H. và một nhóm bạn thường xuyên đá bóng với nhau nên được người quen giới thiệu, rồi có người ở huyện về tuyển quân tham gia giải Thiếu niên - Nhi đồng toàn tỉnh năm 1997. Sau một vài buổi kiểm tra, H. và một số bạn trong xã Hợp Thành được tuyển chọn vào đội Nhi đồng huyện, tham dự vòng loại giải Thiếu niên - Nhi đồng tỉnh Nghệ An tổ chức ở huyện Diễn Châu.
"Trước ngày lên đường, HLV của đội phát cho mỗi người một cuốn học bạ rồi yêu cầu học thuộc nội dung trong đó. Khi tham gia giải ở Diễn Châu, BTC gọi từng người một vào phòng riêng rồi hỏi các nội dung trong học bạ, ai trả lời đúng thì coi như vượt qua vòng thủ tục giấy tờ. Giải ấy, tôi mang tên người ở trong học bạ mà các thầy yêu cầu học thuộc", H. nhớ lại.
Vượt qua vòng kiểm tra giấy tờ, các cầu thủ tiếp tục trải qua phần thi kiểm tra thể trạng với quy định: Nếu vận động viên không vượt quá chiều cao và cân nặng mà BTC đưa ra thì sẽ được vào sân thi đấu. Điều này dẫn đến nhiều tình huống "dở khóc dở cười", có cầu thủ dù "hồ sơ" đạt nhưng vẫn bị loại vì quá cao hoặc cân nặng vượt quá quy định.
Kết thúc vòng loại, các đội về thành phố Vinh thi đấu vòng chung kết, chọn ra nhà vô địch và phương thức kiểm tra tư cách cầu thủ vẫn như cũ. Theo tìm hiểu, thời kỳ ấy, "lò" Sông Lam chưa đào tạo chuyên nghiệp lứa U.11 nên sau khi kết thúc giải Nhi đồng toàn tỉnh, họ chọn ra một đội chất lượng tham gia giải Nhi đồng toàn quốc.
Chuyện người lớn, nỗi đau trẻ con
Lẽ dĩ nhiên, khi tham gia giải quốc gia, hồ sơ vận động viên phải làm kỹ lưỡng và được kiểm tra chi tiết hơn. Các cầu thủ cũng vì thế mà trở lại đúng với tên gọi của mình chứ không phải mang cái tên trong "học bạ mẫu" như ở giải thi đấu tỉnh trước đó.
Không hiểu, có hay không việc can thiệp hồ sơ, thay đổi năm sinh vận động viên để đi thi đấu giải quốc gia nhưng sau nhiều mùa giải có thành tích ấn tượng, các đội trẻ Nghệ An liên tiếp "dính" kiện cáo đều liên quan đến gian lận tuổi.
Lúc bấy giờ, nhiều sự thật được phơi bày. Có cầu thủ khai chênh lệch đến 6 tuổi như trường hợp của Đậu Sỹ Điệp đội U.11. Thay vì tự hào, người Nghệ cảm thấy xấu hổ bởi "scandal" đình đám ấy đã lấy đi rất nhiều niềm kiêu hãnh của họ. Một loạt các đội trẻ của Nghệ An bị tước danh hiệu: U.11 Nghệ An (vô địch Giải Nhi đồng 2001, 2002); U.13 Nghệ An (vô địch Giải Thiếu niên 2003); U.15 Nghệ An (đoạt đồng Giải Ba 2003). Các đội này còn phải nộp phạt 20 triệu đồng và cấm thi đấu 2 năm.
U.11 SLNA trở về trong niềm vui, tự hào của người hâm mộ xứ Nghệ |
Bẵng đi một thời gian, vào năm 2014, dư luận cả nước lại xôn xao với câu chuyện cầu thủ Công Phượng 19 hay 21 tuổi. Dù khi ấy Phượng là cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai nhưng những nghi vấn tiêu cực về tuổi tác lại được cho là xảy ra vào thời cầu thủ này còn chơi bóng ở các giải trẻ của tỉnh Nghệ An.
Thời điểm này, một lực lượng lớn truyền thông báo chí "ùn ùn" về xứ Nghệ để xác minh, làm rõ nghi vấn. Phượng cuối cùng đã được "minh oan" vì căn cứ vào giấy tờ có giá trị pháp lý cao nhất, cầu thủ này sinh năm 1995; dù vậy "bóng ma" gian lận tuổi dường như vẫn khiến "bầu trời bóng đá" xứ Nghệ u ám.
Mới đây nhất, ít ai tin rằng, ở thời kỳ khoa học và công nghệ phát triển như lúc này, gian lận tuổi vẫn tồn tại và bị đưa ra ánh sáng. Không ai khác, lại chính là U.11 SLNA bị tước danh hiệu vô địch, cấm thi đấu 2 năm. Đội bóng xứ Nghệ "gồng" lên để thanh minh còn cầu thủ thì "khóc như mưa" vì không biết chuyện gì đã xảy ra.
Dư luận một lần nữa "dậy sóng" và tất nhiên, niềm tự hào lại tiếp tục bị thay bằng nỗi thất vọng; niềm tin lung lay. Lỗi lần này chưa biết nằm ở đâu nhưng dù do ai thì người lớn một lần nữa lại làm tổn thương đến những tâm hồn thơ trẻ...
(Còn tiếp)
Đón đọc Bài 2: Tranh cãi pháp lý liên quan đến tuổi cầu thủ, câu chuyện chưa có hồi kết
Tác giả: Lê Giáp
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn