Những giáo viên trẻ tiên phong đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy
- 20:37 04-12-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kiên trì, đồng hành cùng học trò
Cô giáo Hồ Thị Ngọc Diệp đã ghi dấu ấn với học trò và đồng nghiệp với tiết dạy thăng hoa và mới mẻ. |
Trường Trung học cơ sở Vinh Tân là ngôi trường khá đặc thù ở thành phố Vinh. Do nhiều hoàn cảnh khác nhau, học sinh của trường thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình và năng lực các em còn hạn chế.
Từng là học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu, tốt nghiệp Trường Đại học Vinh ngành Sư phạm tiếng Anh loại giỏi nên khi mới nhận công tác về trường, cô giáo Hồ Thị Ngọc Diệp bất ngờ trước năng lực học sinh đại trà của trường. Sau sự ngỡ ngàng ấy, cô nhận ra chính giáo viên phải là người thay đổi để phù hợp với học sinh.
“Tôi học ngoại ngữ khá sớm và có rất nhiều phương pháp tiên tiến để áp dụng vào bài học. Tôi nhận ra, học sinh của mình không cần những cái “cao siêu” mà phải dạy những điều cơ bản nhất, bám sát chương trình, vào ma trận của các đề thi để các em có thể tiếp thu”, cô giáo Hồ Thị Ngọc Diệp chia sẻ.
Cô giáo Ngọc Diệp xác định không thể ngày một, ngày hai mà cần quá trình kiên trì, đồng hành với học trò. Niềm vui của cô cũng hết sức giản dị, đó là khi một học sinh từ điểm 3, điểm 4 lên điểm 6, điểm 7, lớp không còn học sinh yếu. Đặc biệt, năm học vừa qua, trường có 2 em đỗ vào chuyên Anh Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu và Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Vinh.
"Niềm vui với tôi là học sinh tiến bộ hằng ngày. Nghề giáo còn cho tôi những tình cảm ấm áp từ học sinh, phụ huynh. Đó là món quà vô giá mà tôi hết sức trân trọng", cô giáo Ngọc Diệp tâm sự.
Trong quá trình dạy học, cô không ngại áp dụng phương pháp mới nhằm tạo hứng thú cho học trò. Là giáo viên Tiếng Anh, cô giáo Ngọc Diệp luôn trăn trở làm sao tạo niềm yêu thích ngoại ngữ trong học sinh nhà trường và điều này được cô thể hiện ở Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh năm nay.
Niềm vui với cô giáo Diệp là việc đào tạo những học sinh bình thường trở thành học sinh giỏi. |
Tại Hội thi, cô giáo Hồ Thị Ngọc Diệp ghi dấu ấn với học trò và đồng nghiệp bằng tiết dạy thăng hoa và mới mẻ.
"Tôi bắt đầu phần thi thứ nhất với việc trình bày biện pháp nhằm phát triển kỹ năng nói của học sinh. Đây là một trong những kỹ năng kém nhất của học sinh, bởi ở những lớp đại trà, nếu tổ chức làm việc nhóm chỉ phát huy được ở học sinh khá giỏi. Ngược lại, những học sinh yếu hơn sẽ học một cách thụ động. Trong báo cáo của mình tôi đưa ra biện pháp “tiệc trà”, yêu cầu lần lượt tất cả học sinh đều phải giao tiếp với nhau. Qua thực tế triển khai ở trường chúng tôi, sau hơn một học kỳ các em đều tiến bộ rõ rệt và rất thích thú trong mỗi tiết học”, cô Diệp hào hứng chia sẻ.
Để đạt được thành tích Thủ khoa bộ môn Tiếng Anh của Hội thi Giáo viên dạy giỏi tỉnh Nghệ An, nữ giáo viên sinh năm 1997 này phải mất hơn 3 tháng chuẩn bị, đêm nào cũng thức đến 1 - 2 giờ hoàn thiện bài thi trình bày và xem lại bài giảng, đưa ra tình huống, có phương pháp dạy học phù hợp.
Với cô giáo Ngọc, thành tích này không là điểm kết thúc mà chính là điểm khởi đầu. Để có thể trở thành giáo viên dạy tốt, thời gian qua, cô giáo không ngừng trau dồi chuyên môn như hoàn thành chương trình Thạc sĩ, đăng ký dự thi để lấy chứng chỉ IELTS để tự làm mới bản thân.
“Nghề giáo cũng là công việc mà tôi yêu thích từ rất nhỏ. Giải thưởng không chỉ là sự ghi nhận mà còn là động lực để tôi cố gắng, gắn bó với nghề hơn nữa trong chặng đường sắp tới”, cô giáo Ngọc Diệp tâm sự.
Tự tôn với chính nghề nghiệp của mình
Cô Hồng không ngừng học hỏi và luôn tiếp cận với công nghệ thông tin để có thể ứng dụng vào trong các bài giảng. |
Trước những yêu cầu về dạy học tích hợp, đổi mới phương pháp trong chương trình Giáo dục phổ thông, vai trò của giáo dục STEM cực kỳ quan trọng. Dạy học STEM giúp học sinh tiệm cận sớm với giáo dục trong thời đại mới và phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất. Tuy nhiên, tại nhiều trường học ở Nghệ An, việc dạy học STEM chỉ mới áp dụng ở một số tiết học, các giáo viên thường e ngại khi triển khai bởi tài liệu về STEM không nhiều, chưa có cuộc tập huấn đầy đủ và bài bản.
Là giáo viên Vật lý - bộ môn mang tính ứng dụng cao, cô giáo Trịnh Thị Hồng (sinh năm 1989), giáo viên Trường Trung học cơ sở Quang Trung áp dụng dạy học STEM trong các tiết học của mình, khuyến khích học sinh tự nghiên cứu kiến thức chế tạo sản phẩm, mang lại sự hứng thú cho học sinh.
“Có sản phẩm thành công, có sản phẩm thất bại nhưng sau những lần chế tạo, lỗi kiến thức các em mắc phải sẽ được khắc sâu, các em sẽ nhớ bài học tốt hơn. Qua những bài học STEM, học sinh được phát huy năng lực như giao tiếp, giải quyết vấn đề và tự tin học, chiếm lĩnh kiến thức”, cô Hồng cho biết.
Với nền tảng vững chắc và kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm, cô giáo Trịnh Thị Hồng không gặp nhiều khó khăn ở phần thực hành. Trong quá trình tổ chức bài học, cô giáo Trịnh Thị Hồng thường không đi theo “lối mòn” mà thường mạnh dạn đưa quan điểm, cách tiếp cận riêng tạo hứng thú cho học trò. Mục đích cuối cùng là để học sinh tiếp thu bài giảng một cách dễ dàng và giải quyết các vấn đề yêu cầu bài học đưa ra.
Là giáo viên trẻ, cô không ngừng học hỏi và luôn tiếp cận công nghệ thông tin để có thể ứng dụng trong các bài giảng. Ba năm trước, khi COVID-19 làm gián đoạn việc học để giúp học sinh dễ dàng tiếp cận bài học, cô là một trong những người đi đầu trong tự làm video về các thí nghiệm Vật lý. Nhiều video sau này có hơn 20.000 lượt xem.
Cô Hồng luôn thiết kế và xây dựng một số chủ đề STEM môn Khoa học tự nhiên nhằm phát triển năng lực học sinh. |
Đến với Hội thi Giáo viên dạy giỏi tỉnh Nghệ An của cô giáo Hồng không thể tính theo tháng, theo tuần, mà đó là một quá trình tích lũy.
“Phần thi báo cáo biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy là phần thi được tôi chuẩn bị kỹ càng nhất, khi triển khai bài báo cáo với đề tài: Thiết kế và xây dựng một số chủ đề STEM môn Khoa học tự nhiên nhằm phát triển năng lực học sinh. Thực tế, đây chính là đề tài đúc kết cả một quá trình dài tôi trực tiếp giảng dạy STEM ở nhà trường”, cô Hồng cho biết thêm.
Dù con nhỏ và kiêm nhiệm nhiều việc nhưng khi nào thấy Trường Đại học Vinh tổ chức hội thảo liên quan đến chuyên môn, cô vẫn đến tham dự với hy vọng tiếp cận thêm kiến thức mới. Với cô, việc học thực hiện thường xuyên, liên tục vì không muốn mình lạc hậu và đó còn là tự tôn, trách nhiệm với nghề.
“Tôi tham gia khá nhiều Hội thi giáo viên dạy giỏi ở cấp thành phố và cấp tỉnh, chưa bao giờ xem đó là gánh nặng. Ngược lại, tôi đi thi bởi sự tự tôn với chính mình, với nghề nghiệp. Tình yêu nghề cũng cho tôi niềm vui để tôi gắn bó với nghề”, cô giáo Trịnh Thị Hồng chia sẻ.
Cô Hồng vẫn không ngừng học tập trau dồi kiến thức. |
Sự nhiệt huyết và trách nhiệm giúp cô giáo Trịnh Thị Hồng nhận nhiều tình cảm của học trò, đồng nghiệp. Cô giáo Nguyễn Thị Lan - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quang Trung chia sẻ thêm: Dù là giáo viên trẻ nhưng cô Trịnh Thị Hồng luôn là người tiên phong, đi đầu trong nhiều phong trào của nhà trường, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và không ngại chia sẻ với đồng nghiệp.
Cô giáo Trịnh Thị Hồng cũng là người trách nhiệm, nhiệt huyết và có chuyên môn tốt. Với sự cố gắng, nỗ lực, danh hiệu Thủ khoa bộ môn Khoa học tự nhiên (môn Vật lý) ở Hội thi Giáo viên dạy giỏi tỉnh là xứng đáng.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nhấn mạnh, muốn đổi mới giáo dục, nhất là trong thời kỳ 4.0, rất cần sự chủ động và sáng tạo của giáo viên. Ngành Giáo dục tạo điều kiện, môi trường thuận lợi hơn nữa để giáo viên mạnh dạn trong sáng tạo, đổi mới cách giảng dạy, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong thời kỳ mới.
Tác giả: Bích Huệ
Nguồn tin: baotintuc.vn