Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lòng tham đánh mất tương lai

Chỉ vì cần tiền tiêu xài cá nhân mà các bị cáo đã "phù phép" vào hàng trăm hóa đơn, chứng từ để rút hàng trăm triệu đồng ngân sách nhà nước. Vì lòng tham, giờ đây họ phải đối diện với mức phạt tù và bỏ lại cả tương lai phía trước.

 Bị cáo Lê Thanh Bằng - Ảnh: LAN NGỌC

Lòng tham vô đáy nổi lên lấn át lý trí dẫn đến việc các bị cáo có những hành vi vi phạm pháp luật, vướng vòng lao lý.

Ăn chặn tiền của dân trong đại dịch COVID-19

Vừa qua, TAND TP Cần Thơ mở phiên xét xử và tuyên phạt Sơn Thị Hồng Linh (36 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh, cựu kế toán) mức án 15 năm tù về tội tham ô tài sản.

Bị cáo Nguyễn Thanh Bình (47 tuổi, ngụ Cần Thơ, cựu chủ tịch UBND xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, Cần Thơ) bị phạt 1 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thị Kiều Trang (43 tuổi, cựu thủ quỹ xã) bị tuyên mức phạt 1 năm tù cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Theo hồ sơ vụ án, tháng 1-2020 Linh là kế toán của UBND xã Trường Xuân. Từ đó Linh đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, lợi dụng sự tin tưởng của ông Nguyễn Thanh Bình (chủ tịch, chủ tài khoản UBND xã Trường Xuân) và chữ ký số của ông Bình để ký duyệt giấy rút tiền từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra Linh còn nhận tiền mặt từ thủ quỹ Trang để chi không đúng quy định, không có phiếu chi, không có chứng từ thanh toán.

Linh còn chiếm đoạt các khoản tiền có trách nhiệm phải nộp hoặc phải hoàn trả vào ngân sách nhưng không nộp, gây thiệt cho ngân sách nhà nước.

Linh lập khống giấy rút tiền dự toán, nhiều hóa đơn chứng từ để chi cho việc sửa máy photo, máy tính, mua xăng, mua cây kiểng... Linh lợi dụng việc ông Bình buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát và sự tin tưởng nên đã sử dụng tài khoản và chữ ký số của ông Bình để ký duyệt rút 20 - 40 triệu đồng/lần rút tiền dự toán rồi chiếm đoạt chi xài cá nhân nhưng thực tế không có phát sinh các việc cần phải chi tiền trên.

Linh còn âm thầm qua mặt cấp trên ăn chặn đối với cả khoản tiền hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. UBND xã Trường Xuân được cấp tiền hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo nghị quyết của HĐND TP Cần Thơ, Linh lập giấy tiền để rút tiền mặt từ tài khoản của UBND xã Trường Xuân, lúc này có 21 trường hợp người dân chưa đến nhận, rồi chiếm đoạt luôn số tiền của họ là 42 triệu đồng.

Tháng 3-2022, Linh làm giả chứng từ để rút tiền từ ngân sách nhà nước hơn 378 triệu đồng nhưng không thực hiện việc chi hỗ trợ cho các trường hợp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 (F0, F1).

Với hơn 1,2 tỉ đồng tiền phòng chống dịch bệnh COVID-19 được cấp cho địa phương, Linh không chi hết mà chiếm giữ hơn 13 triệu đồng. Sau đó Linh cũng "hợp thức hóa" nhiều chứng từ để chiếm đoạt khoảng 40 - 137 triệu đồng từ các việc chi như chi phụ cấp cho cán bộ ấp, công tác đưa quân và tuyển quân nghĩa vụ quân sự, quỹ phòng chống thiên tai địa phương...

Như vậy Linh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao là kế toán, lợi dụng sơ hở của việc lỏng lẻo trong quản lý để lập khống chứng từ rồi chiếm đoạt, gây thất thoát ngân sách nhà nước số tiền hơn 650 triệu đồng.

Tại tòa sơ thẩm, Linh thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải khai do cần tiền chi xài cho bản thân nên đã thực hiện hành vi sai trái dẫn đến phạm pháp. Giờ đây Linh chấp hành án, để lại hai đứa con nhỏ chưa tròn 10 tuổi bơ vơ, lạc lõng không có mẹ bên cạnh.

Bỏ chức quản lý rồi nhận... bản án

Trong một phiên xét xử khác, TAND TP Cần Thơ tuyên phạt Lê Thanh Bằng (35 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, Cần Thơ) mức án 13 năm tù về tội tham ô tài sản.

Theo cáo trạng, tháng 3-2022 Bằng được tuyển dụng và giữ chức quản lý kho cho Công ty TNHH Bình Việt Đức (công ty có chi nhánh tại Cần Thơ). Công ty đăng ký kinh doanh thuộc ngành nghề xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế.

Bằng có nhiệm vụ quản lý tồn trữ, xuất nhập và điều phối giao nhận thuốc cho công ty. Tuy nhiên từ tháng 7 đến tháng 9-2022, do cần tiền chi xài cá nhân nên Bằng đã nhiều lần tự ý lấy thuốc trong kho của công ty để bán cho một người tên Lê Mới Em (người này là dược sĩ của một bệnh viện tại tỉnh Sóc Trăng) với số lượng 1.890 lọ tân dược.

Bằng bán thuốc cho Mới Em nhưng không có hóa đơn và chứng từ, hai bên đã giao dịch mua bán tổng cộng 38 lần. Theo kết luận định giá của Hội đồng định giá Cần Thơ, 1.890 lọ thuốc trên có giá nhập khẩu hơn 577 triệu đồng.

Hành vi của Bằng đã trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của Công ty Bình Việt Đức và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, gây mất trật tự trị an tại địa phương.

Riêng Lê Mới Em do không biết nguồn gốc những lô thuốc mà Bằng bán cho mình là do phạm tội mà có nên không xem xét xử lý.

Một vị hội thẩm hỏi: "Bị cáo học mấy năm ngành y dược, vừa tốt nghiệp là được nhận vào làm ngay chức quản lý, một vị trí mà nhiều sinh viên mới ra trường muốn như bị cáo mà không được. Tại sao không nhận thức được việc lén bán thuốc như vậy là phạm tội?

Bị cáo còn rất trẻ, giờ tương lai sẽ ra sao đây? Thật quá uổng phí mười mấy năm đèn sách".

Câu hỏi đó giá như được họ nghiêm túc suy ngẫm trước đây thì nay đâu có những bị cáo mất cả tương lai như hôm nay.

Nếu biết dùng trí óc để lao động chân chính

Vị chủ tọa phân tích thêm, trong vụ án này bị cáo phạm tội với tình tiết tăng nặng, đó là phạm tội hai lần trở lên.

Quá trình điều tra cũng xác định bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao là quản lý kho của công ty đã thực hiện 38 lần giao dịch tự ý lấy tân dược của công ty bán ra ngoài mà không có hóa đơn chứng từ gây thất thoát cho công ty hơn nửa tỉ đồng.

Mất tương lai vì "cơn khát" tiền tiêu xài cá nhân, tham lợi bất chính trong lúc suy nghĩ lệch lạc những tưởng có thể che mắt được người khác mà các bị cáo đã phạm tội tham ô tài sản.

Bị cáo Linh và Bằng đều có nghề nghiệp ổn định, tương lai rộng mở phía trước nếu biết lao động trí óc chân chính, dùng chất xám để tạo ra của cải vật chất thì có lẽ nẻo về nhà sẽ là nơi đầy ánh sáng với đầy ấp tình yêu thương từ người thân, bạn bè chứ không phải rẽ vào nơi cô quạnh với những đêm dài khó ngủ sau song sắt.

Tác giả: Lan Ngọc

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ