Thu nhập thấp, giáo viên làm thêm MC đám cưới, phục vụ quán hát
- 09:37 04-12-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Làm nghề phụ để nuôi nghề chính là lựa chọn của không ít giáo viên. Ảnh minh họa: NB. |
19h hàng ngày, thầy Văn Nam (28 tuổi) thay bộ đồng phục khác, bắt đầu công việc của một nhân viên phục vụ quán hát sau giờ lên lớp.
“Thu nhập nghề dạy học không đủ sống, tôi phải làm thêm nghề phụ để nuôi nghề chính”, thầy Nam, giáo viên môn Lịch sử tại Hà Nội, chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Nghề cao quý nhưng lương không đủ sống
Tốt nghiệp đại học loại giỏi vào năm 2019, thầy Nam làm giáo viên hợp đồng tại một trường THPT tư thục ở ngoại thành Hà Nội. Mỗi tháng, thầy nhận 5,5 triệu đồng tiền lương.
Thầy giáo cho hay mức thu nhập này không đủ sống, mỗi tháng chỉ cần 3-4 đám cưới hỏi, thầy coi như “không còn đồng nào”. Thậm chí, để tiết kiệm tiền, thầy chấp nhận đi xe máy 34 km mỗi ngày (cả đi cả về) thay vì thuê trọ gần trường.
Thu nhập từ nghề dạy học chưa khiến giáo viên yên tâm. Ảnh minh họa: Thế Bằng. |
Hết một học kỳ, không chịu được áp lực, thầy Nam xin nghỉ, ra ngoài làm công việc khác, dự tính "lấy ngắn nuôi dài", tích lũy một khoản thu nhập rồi quay lại nghề dạy học. Năm 2023, thầy giáo mới đi dạy trở lại. Những tưởng sẽ ổn định hơn, nhưng mức thu nhập vẫn khó để đảm bảo cuộc sống.
Năm học này, thầy ký hợp đồng giáo viên thỉnh giảng với một trường THPT tư thục, không có lương cứng, không bảo hiểm, chỉ nhận lương theo tiết dạy, mỗi tiết 90.000 đồng. Mỗi tháng, thầy dạy hơn 40 tiết, lương nhỉnh 4 triệu đồng.
Tuy nhiên, trường chỉ trả lương theo kỳ. Tháng 10 vừa rồi, thầy mới nhận dạy thỉnh giảng thêm một trường khác, mức lương tương tự, may mắn hơn là trả theo tháng, nhưng vẫn không đủ chi phí trang trải giữa thủ đô.
“Tôi áp lực tài chính, thậm chí không dám kết hôn, sinh con dù gia đình giục rất nhiều. Đến bây giờ, tôi vẫn ở nhà trọ”, thầy Nam chia sẻ
Không riêng thầy Nam gặp áp lực về tài chính. Mới đây, theo khảo sát của Viện Phát triển Chính sách (Đại học Quốc gia TP.HCM) về đời sống giáo viên tại ba tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang, nhiều giáo viên cho hay thu nhập từ nghề giáo không trang trải đủ cuộc sống.
Trong khoảng 12.500 người được khảo sát, 44% giáo viên cho biết họ đang chịu áp lực đến rất áp lực. Tiền lương và phụ cấp chỉ đáp ứng một nửa (51,8%) nhu cầu của gia đình (đối với nhóm không có làm thêm các nghề phụ).
Trong khi đó, giáo viên có thâm niên dưới 10 năm đánh giá thu nhập của nghề giáo chỉ đáp ứng trung bình 45,7% nhu cầu chi tiêu hàng tháng của gia đình.
Cô Lan Hương, 25 tuổi, giáo viên một trường tiểu học công lập ở ngoại thành Hà Nội, cũng có đánh giá tương tự. Hơn hai năm trước, cô Hương ký hợp đồng lao động với trường, mức lương 3 tháng đầu tiên chỉ 2 triệu đồng/tháng. Cả tiền dạy tăng tiết, một tháng cô chỉ nhận khoảng 5-6 triệu đồng.
Cô Hương đánh giá mức lương này không bằng công nhân, trong khi cũng phải đi dạy từ sáng tới chiều, tối về thêm việc sổ sách, soạn giáo án, chấm bài cho học sinh và nhiều áp lực khác.
“Mỗi tháng, tiền bỉm sữa cho con đã hết 60% tiền lương, chưa kể tiền học phí”, cô Hương kể.
Tới tháng 9 năm nay, cô Hương mới được ký hợp đồng 111 với huyện, thu nhập tăng lên khoảng 9 triệu đồng/tháng, bao gồm lương và tiền dạy tăng tiết. Dù vậy, mức này chỉ đủ chi trả cuộc sống ở quê, có ông bà hỗ trợ nhà cửa. Không may, con đau ốm hoặc gặp biến cố sẽ rất căng thẳng, hoặc để mua nhà, mua xe thì “không biết đến bao giờ”.
Cô Lan Hương cho hay ngoài giờ dạy trên lớp, về nhà vẫn phải chuẩn bị bài giảng, sổ sách, chấm bài cho học sinh. Ảnh: NVCC. |
May mắn hơn cô Hương và thầy Nam, năm 2017, ra trường với tấm bằng giỏi, cô Ngọc Linh (29 tuổi) được tuyển thẳng vào làm giáo viên môn Lịch sử tại một trường THCS ở Bắc Ninh. Tuy nhiên, mức lương lúc ấy cũng chỉ khoảng 3 triệu đồng.
“Tiền lương không đủ nuôi thân, dù khi ấy tôi chưa lập gia đình. Có tháng nhiều đám cưới, tôi phải xin thêm mẹ tiền mới đủ tiêu”, cô Linh kể.
Sau 7 năm, mức lương hiện tại của cô Linh mới được 8,7 triệu đồng. Cô giáo nói đây là mức tăng nhanh bởi cô phấn đấu nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tăng lương trước thời hạn, cùng với đó là tăng lương cơ sở. Còn với những giáo viên mới vào nghề, thu nhập vẫn là vấn đề nan giải.
Tương tự, năm 2019, thi đỗ biên chế vào một trường mầm non gần nhà, ai cũng nói cô Đỗ Hồng (27 tuổi, ở Hà Nội) may mắn vì “có công việc ổn định”. Những ít ai thấu nỗi vất vả, áp lực đến nghẹt thở của một giáo viên mầm non. Trong đó, vấn đề tài chính luôn là nỗi lo đau đáu.
Công Hồng có 3 con nhỏ, chồng làm tự do, thu nhập không ổn định. Mức lương của cô chỉ nhỉnh hơn 4 triệu đồng, không đủ trang trải. Sau 4 năm đi dạy, cô giáo quyết định xin nghỉ, ra ngoài làm kinh doanh tự do để tăng thu nhập.
Làm thêm đủ nghề phụ để trụ nghề chính
Kể từ khi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (áp dụng từ ngày 1/7/2024), thu nhập của giáo viên được cải thiện đáng kể. Dù vậy, thu nhập từ nghề chưa khiến giáo viên an tâm, nhất là những giáo viên mới ra trường, hoặc những giáo viên dạy bộ môn.
Không nghỉ việc như cô Hồng, nhưng để trụ lại, nhiều giáo viên cũng buộc phải làm thêm đủ nghề tay trái mới đủ trang trải cuộc sống gia đình và yên tâm giảng dạy.
Nhờ bạn bè giới thiệu, thầy Nam đi làm phục vụ, bưng bê, trực phòng tại một quán hát gần nơi thuê trọ. Vậy là ngoài giờ lên lớp, thầy lại tiếp tục công việc tay trái này đến 2h30-3h. Nếu hôm sau có tiết dạy, thầy sẽ cân đối về sớm.
Khi được hỏi tại sao không chọn công việc làm thêm khác, thầy Nam cho hay dạy thêm môn Lịch sử cũng khó, vì ít người học. Đi dạy ban ngày, chỉ còn buổi tối, nên làm thêm ngành dịch vụ là thích hợp.
Vất vả hơn song công việc này cũng đem lại cho thầy thu nhập khá, khoảng gần 10 triệu mỗi tháng - nhỉnh hơn cả thu nhập chính. Dẫu vậy, cả 3 nguồn thu nhập đủ để thầy chi trả cuộc sống hàng ngày, chứ không dư dả hay để ra.
“Nhiều người cũng nghi ngại công việc này, nhưng tôi thấy mình không làm gì trái pháp luật, trái đạo đức. Tôi vẫn đảm bảo công việc trên lớp, vẫn dạy dỗ học trò tận tình, hoàn thành nhiệm vụ được giao”, thầy Nam nói.
Nhiều giáo viên phải làm thêm nghề tay trái để đảm bảo thu nhập. Ảnh minh họa: Thế Bằng. |
Trong khi đó, hai năm vừa rồi, cô Ngọc Linh cũng đi học thêm để đăng ký vào dạy tại một trung tâm kỹ năng sống cho trẻ mầm non ở gần nhà vào các buổi chiều trong tuần.
Đến năm nay, để tiện chăm sóc con, cô Linh xin nghỉ dạy ở trung tâm. Lúc nào rảnh, cô cùng mẹ làm hàng may gia công để có thêm thu nhập. Cô nói may mắn vì có chồng hỗ trợ kinh tế, nên cũng đỡ vất vả hơn khi nuôi 2 con nhỏ.
Khác với cô Linh hay thầy Nam, cô Hương may mắn hơn vì cuối tuần có thể dạy thêm vào ngày thứ bảy hàng tuần với khoảng 20 học sinh có nhu cầu. Mỗi em, cô giáo chỉ thu 40.000 đồng mỗi buổi, mỗi tháng có thêm khoảng 3-4 triệu đồng.
Cô giáo kể ở trường, các đồng nghiệp của cô cũng phải xoay xở đủ nghề. Có thầy giáo dạy âm nhạc phải tranh thủ làm MC đám cưới, có cô giáo phải bán hàng qua mạng, có cô bán thêm bảo hiểm hay chăn nuôi thêm. Thậm chí, nhân viên y tế của trường còn phải nhận thêm công việc quét dọn phòng học để có thêm thu nhập.
Dù vậy, khi được hỏi động lực nào đề thầy cô gắn bó với nghề, cả ba thầy cô đều chia sẻ rằng vì yêu nghề, quý trẻ, muốn truyền đạt lại kiến thức cho nhiều thế hệ học trò.
“Những tháng đầu vất vả, khó khăn, tôi cũng chưa từng nghĩ sẽ bỏ nghề”, cô Linh chia sẻ.
Đó cũng là động lực để 94,23% giáo viên được hỏi tại ba tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang tiếp tục gắn bó với nghề dù thu nhập vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống cũng như gặp nhiều áp lực trong công việc.
Gần 50% giáo viên cho rằng họ gắn bó với nghề vì mức thu nhập hợp lý và vì các chính sách đãi ngộ tốt. Như vậy, yêu nghề, yêu trò là lý do quan trọng nhất để giáo viên gắn với nghề, chứ không phải thu nhập hay các chính sách đãi ngộ.
Tác giả: Phương Lam
Nguồn tin: znews.vn