Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hội thảo khoa học chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường ở Nghệ An: Từ chính sách đến thực tiễn

Sáng 26/11, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường ở Nghệ An: Từ chính sách đến thực tiễn. Các đồng chí: Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Khắc Lâm – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đồng chủ trì hội thảo.

 

 Quang cảnh hội thảo

Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, trên phạm vi toàn cầu, cứ 7 trẻ vị thành niên từ 10 đến 19 tuổi thì có một người mắc rối loạn tâm thần, chiếm 13% gánh nặng bệnh tật toàn cầu trong nhóm tuổi này. Các nghiên cứu cũng chỉ ra những vấn đề sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội phổ biến ở học sinh lứa tuổi vị thành niên tại Việt Nam như lo âu, trầm cảm, tự sát và các vấn đề về hành vi.

Tại Việt Nam, nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ LĐTB&XH năm 2021 ước tính có khoảng 15-30% người trẻ Việt Nam độ tuổi từ 9 - 19 bị rối loạn sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm, cô đơn và rối loạn tăng động giảm chú ý.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội ở lứa tuổi vị thành niên như: Sự phát triển công nghệ thông tin, mạng xã hội - Gia đình, nhà trường - Nhận thức của xã hội về các vấn đề sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội… Những vấn đề về tâm lý không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích học tập của học sinh mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện về mặt xã hội, cảm xúc và hành vi của các em. Nếu không được nhận diện và can thiệp kịp thời, những khó khăn này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần trong cộng đồng, đặc biệt là trong môi trường học đường, trở nên vô cùng cấp thiết.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long mong muốn tại Hội thảo này, các diễn giả sẽ chia sẻ kinh nghiệm các mô hình giáo dục tâm lý học đường; chia sẻ thực tiễn trong quá trình công tác giảng dạy, chăm sóc sức khỏe tâm lý và giao tiếp với trẻ vị thành niên hiện nay

Trong những năm gần đây, các cơ quan, tổ chức giáo dục ngày càng quan tâm đến các hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng 70% trường học trong cả nước không có phòng tham vấn tâm lý học đường đạt chuẩn, thiếu chuyên gia tư vấn khiến các em thiếu đi sự hỗ trợ kịp thời và phù hợp.

Nghệ An với dân số có trên 3 triệu người, trong đó số trẻ em từ 0 -16 tuổi có hơn 800.000 em. Cũng như các địa phương khác trong cả nước, Nghệ An cũng phải đối mặt với nguy cơ với sức khỏe tâm lý xã hội; rủi ro trong thời đại công nghệ số; bạo lực và xâm hại học đường, lo âu, trầm cảm, cảm giác tuyệt vọng và xuất hiện những hành vi tiêu cực, phạm pháp, huỷ hoại bản thân.

Mặc dù đã có nhiều quan tâm, chú trọng bằng việc ban hành các chính sách, văn bản điều chỉnh các hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong thời gian qua nhưng thực tế triển khai chính sách về tư vấn tâm lý, công tác xã hội tại các trường học còn gặp nhiều hạn chế như các quy định của chính sách chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế; sự phối kết hợp giữa các bên liên quan còn thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ; chế độ, vị trí việc làm cho đội ngũ thực hiện chưa có quy định cụ thể; hạn chế nguồn kinh phí triển khai…

 Tiến sỹ Trần Hằng Ly – Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Vinh tham luận nội dung đặc điểm tâm lý xã hội của học sinh THCS có hành vi gây hấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Tại hội thảo, các tham luận đã cung cấp cơ sở lý luận lý luận và thực tiễn về tâm lý ở trẻ vị thành niên trong bối cảnh mới; những yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm lý xã hội ở lứa tuổi vị thành niên. Bên cạnh đó, các diễn giả thảo luận về các chính sách đối với hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học. Đánh giá thực trạng, nhận diện tâm lý trẻ vị thành niên. Những vấn đề mang tính thời sự của học sinh Nghệ An trong bối cảnh giáo dục mới, gồm các nghiên cứu theo hướng đánh giá, phát hiện những bất thường tâm lý của học sinh; nhận diện các vấn đề tâm lý của học sinh.

 Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ về mô hình “Công tác xã hội và Tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An”

 PGS,TS Trần Thị Lệ Thu – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch mạng lưới các nhà Tâm lý học đường Việt Nam chia sẻ về việc thiết kế mô hình và chương trình đào tạo, thực hành phát triển tâm lý học đường

Các diễn giả cũng đã đề xuất các giải pháp, chương trình tuyên truyền, chương trình tư vấn tâm sinh lý giúp trẻ vị thành niên nâng cao năng lực học tập và cảm xúc trong gia đình, xã hội. Xây dựng trường học an toàn và hòa nhập, nâng cao sức khỏe tâm lý học đường cho học sinh THCS, THPT trong bối cảnh mới.

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn