Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cách nào giảm áp lực cho giáo viên?

Giáo viên (GV) đang phải đối mặt nhiều loại áp lực, bị quá tải trong công việc nhưng thầy cô vẫn tiếp tục theo đuổi nghề vì lòng yêu nghề, yêu trò. Cần xây dựng các giải pháp nhằm tăng động lực, giảm áp lực cho đội ngũ nhà giáo đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay.

 Cô và trò Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Lương tăng ít, áp lực gia tăng nhiều

Viện Phát triển chính sách (Đại học Quốc gia TPHCM) vừa công bố kết quả nghiên cứu đời sống GV tại tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang. Công trình được thực hiện vào tháng 9 và tháng 10/2024 với việc phỏng vấn 132 các nhà quản lý giáo dục, GV các cấp và khảo sát diện rộng 12.505 GV các cấp về các nội dung liên quan đến thu nhập, đời sống, áp lực, động lực theo nghề… Kết quả, mặc dù mức lương cơ sở đã được điều chỉnh song thu nhập của nghề giáo chỉ đáp ứng trung bình 51,87% nhu cầu chi tiêu hàng tháng của gia đình GV đối với nhóm không có làm thêm các nghề phụ. Đối với nhóm GV có làm thêm nghề phụ thì đáp ứng khoảng 62,55%. Riêng GV có thâm niên dưới 10 năm đánh giá thu nhập của nghề giáo chỉ đáp ứng trung bình 45,7% nhu cầu chi tiêu hàng tháng của gia đình.

Không chỉ chịu áp lực về tài chính, 70,21% GV cho rằng họ đang bị áp lực hoặc rất áp lực từ phụ huynh học sinh với điểm trung bình 4,4/5 điểm (5 điểm là rất áp lực). Kết quả khảo sát cũng cho thấy có đến 40,63% GV từng có ý định chuyển nghề do bạo lực tinh thần từ phụ huynh. Thậm chí, đây được coi là vấn đề đáng báo động trong ngành giáo dục khi nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng quá cao, thường xuyên can thiệp sâu vào công việc giảng dạy, thậm chí gây áp lực về điểm số. Họ liên tục theo dõi, đặt câu hỏi và yêu cầu báo cáo chi tiết về tình hình học tập của con qua các nhóm mạng xã hội.

Đáng lo ngại hơn, một số GV còn phản rằng một số phụ huynh còn có những hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến thầy, cô như trực tiếp đến trường gây gổ, chửi bới, thậm chí hành hung giáo viên khi con em họ bị phê bình, nhắc nhở hoặc không đạt điểm cao. Ngoài ra, các quy định về chuẩn mực nhà giáo, thái độ với học sinh giữ vị trí áp lực thứ 2 khi có đến 63,73% GV cho rằng họ chịu áp lực hoặc rất áp lực với điểm trung bình 4,2/5 điểm. Khảo sát cũng chỉ ra 71,83% GV bị quá tải trong công việc. Tỉ lệ này của giáo viên mầm non là 87,65%.

Trong báo cáo “Tổn thương sức khỏe tâm thần sau đại dịch và những thách thức của hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần”, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chỉ ra có 41,1% số GV bắt đầu có những dấu hiệu đáng lưu ý, 22% GV có nguy cơ tổn thương sức khỏe tinh thần cao và khoảng 6,1% GV có sức khỏe tinh thần không tốt. Nghiên cứu khảo sát tình trạng sức khỏe tinh thần của GV THCS tại Quảng Trị, Huế và TPHCM cũng chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này bao gồm quá tải về các nhiệm vụ công việc, không cảm thấy được ghi nhận với các nhiệm vụ đã hoàn thành; không cân bằng được giữa thời gian dành cho cuộc sống và công việc, những hành vi không thân thiện từ học sinh và phụ huynh…

TS Hoàng Trung Học - chuyên gia tâm lý học trường học (Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, để giảm áp lực cần những giải pháp tổng thể và phải thực hiện trong thời gian dài. Trong đó, gốc rễ của vấn đề vẫn là thu nhập của GV. Họ phải bảo đảm được đời sống tối thiểu mới an tâm làm nghề. Mức lương hiện tại của nhà giáo chưa đảm bảo cho mức sống tối thiểu, đặc biệt là ở những giáo viên mới vào nghề ở bậc học mầm non, tiểu học, TS Học cảnh báo nguy cơ GV sẽ bỏ nghề hoặc làm thêm. Một số GV bán hàng online, làm nghề phụ để kiếm thêm thu nhập. Điều này không có gì xấu nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục.

"Chúng ta đừng nghĩ mức lương trung bình 5 - 7 triệu đồng/tháng với GV là cao. Bởi công nhân lao động phổ thông hiện nay cũng đã có thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng/tháng. So sánh như vậy để thấy thu nhập của GV thấp đến mức nào".

“Cởi trói” cho giáo viên được dạy thêm chính danh

Do thu nhập từ nghề giáo chưa đáp ứng chi tiêu của gia đình, một bộ phận GV đã phải làm thêm các ngành nghề phụ như làm nông nghiệp, kinh doanh nhỏ, bán hàng online, giao hàng… Số lượng này chiếm 15,33% số GV được khảo sát. Để gia tăng thu nhập, 25,4% GV được khảo sát có thực hiện dạy thêm trong trường và 8,2% có dạy thêm ngoài trường, bao gồm dạy tại nhà, tại nhà, trung tâm, online và trên các kho dữ liệu học tập mở.

Những câu hỏi được đặt ra đó là “Vì sao những ngành nghề khác được làm thêm hợp pháp nhưng nghề giáo thì không?", "Vì sao GV dạy ở trường không được dạy thêm còn GV tự do có thể mở lớp dạy?". Khảo sát ghi nhận 63,57% GV bày tỏ nguyện vọng được hợp pháp hóa việc dạy thêm, bao gồm cả dạy thêm ở nhà và dạy thêm online để tăng thu nhập từ chính năng lực của mình.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Bộ chủ trương không cấm dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo, nguyên tắc chuyên môn, ví dụ như ép buộc học sinh.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm với nhiều nội dung được đánh giá là cụ thể và hợp lý hơn so quy định hiện hành như sự quản lý chặt chẽ hơn về chương trình dạy thêm, những thay đổi trong việc học sinh đăng ký học thêm… Theo dự thảo, không còn quy định cụ thể các trường hợp không được tổ chức dạy thêm như quy định hiện hành nhưng Điều 3 của dự thảo đã đề cập đến những quy định cụ thể về nguyên tắc dạy thêm, học thêm.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nhìn nhận đây không phải là “nới lỏng” hơn trong hoạt động dạy thêm, học thêm mà thực chất là siết công tác quản lý của ngành giáo dục với các quy định cụ thể hơn tạo điều kiện cho giáo viên được dạy thêm đường hoàng. Chẳng hạn, quy định, Thông tư mới chỉ yêu cầu GV phải lập danh sách học sinh, ghi rõ lớp đang học để gửi hiệu trưởng kèm theo cam kết không ép buộc học sinh dưới mọi hình thức. Đồng thời với đó là quy định "không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh" sẽ ngăn chặn được tình trạng ép buộc học sinh phải học thêm khi không có nhu cầu.

“Dự thảo Thông tư mới đã chú ý đến bảo vệ quyền lợi của học sinh và phụ huynh thông qua việc yêu cầu công khai thông tin về các khóa học thêm, mức thu học phí và các điều kiện dạy học. Cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời những bất cập phát hiện trong hoạt động dạy thêm, học thêm để không còn tình trạng con sâu làm rầu nồi canh, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của GV” - ông Lâm chỉ ra.

Dự án Luật Nhà giáo đang được thảo luận tại Quốc hội, vấn đề GV có được dạy thêm hay không được quan tâm. Một số ý kiến cho rằng, cần tạo điều kiện cho GV dạy thêm, nhưng phải thông qua các Trung tâm dạy thêm, có sự quản lý và có đóng thuế… Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhiều lần đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhằm tránh biến tướng, giúp thuận lợi trong quản lý, đảm bảo quyền lợi của cả thầy và trò.

Ông Đặng Tự Ân - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam:

Trường học hạnh phúc - giải pháp nhằm làm giảm áp lực cho giáo viên

 

Trường học hạnh phúc là trường học đảm bảo chất lượng nhà trường, đảm bảo mục tiêu đổi mới giáo dục đó là dạy học phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Hạnh phúc ở đây không chỉ đơn giản là trường học vui vẻ, thoải mái mà tất cả các thành viên trong nhà trường từ Ban giám hiệu, GV, học sinh đến cha mẹ học sinh đều hạnh phúc, vui vẻ, không chịu áp lực, được thỏa mãn khi tham gia vào quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường. Việc xây dựng trường học hạnh phúc cần thực chất chứ không phải là sự vui vẻ, nửa vời. Phải có hệ thống đánh giá, giám sát nghiêm ngặt, thực chất.

Để hiện thực hóa trường học hạnh phúc, có rất nhiều công việc cần phải triển khai một cách đồng bộ; trong đó, vai trò của hiệu trưởng là người dẫn dắt, lan tỏa hạnh phúc. Hiệu trưởng đi đầu thay đổi cần quan tâm đồng thời 3 yếu tố con người, môi trường làm việc và phong cách làm việc trong trường. Cả 3 yếu tố lồng ghép, đan xen vào nhau và con người ở đây được hiểu là cán bộ, nhà giáo, người lao động, học sinh và cha mẹ học sinh. Để làm được những điều lớn lao, cao xa, ngay từ bây giờ, mỗi thầy cô, cán bộ quản lý học cách làm những việc nhỏ bé, bình thường như: Bình tĩnh lắng nghe; đặt mình vào vị trí của người khác khi xử lý công việc; chú ý đến cảm xúc của người khác khi làm việc; gọi tên cảm xúc; sẵn sàng nói lời xin lỗi; kết nối và mở lòng, cùng nhau đưa ra giải pháp.

Tác giả: Thu Hương

Nguồn tin: daidoanket.vn