Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Dự án nhà ở 210 tỷ của PVIT ở Nghệ An giờ ra sao?

Theo báo cáo từ Đoàn kiểm tra số 3 thuộc UBND tỉnh Nghệ An, dự án Khu nhà ở cho người có thu nhập thấp và cán bộ công nhân viên do CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An (PVIT) làm chủ đầu tư đã không đáp ứng tiến độ cam kết ban đầu.

 Một góc dự án Khu nhà ở cho người có thu nhập thấp và cán bộ công nhân viên do CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An (PVIT) làm chủ đầu tư. Ảnh: Tuấn Anh

Nhiều hạng mục chậm tiến độ

Dự án được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2016, với tổng mức đầu tư 210 tỷ đồng, trên diện tích quy hoạch hơn 2,66 ha. Mục tiêu chính là xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp và cán bộ công nhân viên. Dự án bao gồm 111 căn nhà ở thấp tầng (diện tích hơn 1,3 ha) và hơn 0,35 ha dành cho nhà ở xã hội, cùng các công trình phụ trợ và hệ thống hạ tầng đồng bộ.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành nhà ở thấp tầng (nhà ở liền kề, biệt thự) vào quý II/2023 và nhà ở xã hội vào quý III/2024.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Đoàn kiểm tra số 3, tại thời điểm kiểm tra, dự án chỉ có 41/111 căn nhà thấp tầng được xây dựng. Các hạng mục quan trọng như nhà văn hóa, nhà ở xã hội, và phần lớn nhà ở thấp tầng vẫn chưa triển khai, hoàn thành.

Báo cáo chỉ rõ nguyên nhân chậm tiến độ bao gồm ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sự thiếu chủ động từ phía chủ đầu tư. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên dự án này bị kiểm tra tiến độ kể từ khi triển khai.

Mặc dù PVIT đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến tiền sử dụng đất với tổng số tiền hơn 46,2 tỷ đồng, tuy nhiên việc chậm sử dụng đất đã vi phạm các quy định hiện hành. Công ty này hiện đang xin gia hạn thêm 12 tháng để hoàn tất các hạng mục còn lại.

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An xem xét gia hạn tiến độ dự án và yêu cầu PVIT nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ tài chính, bổ sung hồ sơ pháp lý và tập trung nguồn lực để hoàn thành đúng hạn. Trong trường hợp tiếp tục chậm trễ, chủ đầu tư sẽ phải đối mặt với các chế tài xử phạt.

Liên quan đến dự án này, ngày 21/6/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định số 1994/QĐ-UBND về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với PVIT.

Theo quyết định, PVIT đã có hành vi vi phạm hành chính: Chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị trong trường hợp diện tích từ 0,5ha đến dưới 1ha.

Cụ thể, công ty này đã sử dụng 8.313,3 m2 đất trên thực địa tại xã Hưng Lộc, TP. Vinh để xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án gồm đường giao thông, vỉa hè, mương thoát nước khi chưa hoàn thành các thủ tục giao đất theo quy định pháp luật. UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định số 326/QĐ-UBND ngày 3/8/2020 về việc giao đất cho PVIT, nhưng công ty này chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất theo quy định.

Hình thức xử phạt là phạt tiền 600 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc công ty thực hiện tiếp thủ tục giao đất theo quy định.

Sơ phác về PVIT

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, PVIT được thành lập từ năm 2008 trên cơ sở hợp tác của các thành viên ngành dầu khí, từng là tên tuổi "đình đám" tại Nghệ An khi đầu tư xây dựng tòa tháp dầu khí tại TP. Vinh, được khánh thành đưa vào sử dụng năm 2011. Thời điểm đó, công trình này được đánh giá là một trong những dự án có quy mô lớn nhất Bắc Trung Bộ.

Hiện, PVIT do ông Đường Dũng Tiến làm Chủ tịch HĐQT. Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc công ty là ông Trần Lương Sơn (SN 1972 – Nghệ An). Tại ngày 31/12/2023, PVIT có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, với các cổ đông sáng lập gồm: ông Đường Hùng Cường (14,29%CP); ông Lê Mạnh Trung (22,86%CP); ông Hoàng Công Thành (5,34%CP); còn lại các cổ đông khác nắm giữ (57,51%CP).

Báo cáo tài chính thể hiện, quý III/2024, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của PVIT đạt hơn 5,95 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi các chi phí, doanh nghiệp này báo lãi hơn 1,07 tỷ đồng.

Tính đến hết quý III/2024, tổng tài sản của PVIT nằm ở mức 188 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn hơn 101,5 tỷ đồng và tài sản dài hạn hơn 86,5 tỷ đồng.

Bên kia bẳng cân đối kế toán, nợ phải trả của PVIT hơn 157,1 tỷ đồng, trong đó, PVIT có vay và nợ thuê tài chính của Công ty TNHH Nga Hồng Khánh hơn 32,8 tỷ đồng; Công ty TNHH Phú Nguyên Nga Việt hơn 8,4 tỷ đồng và CTCP Hanviland hơn 1 tỷ đồng.

Được biết, ngày 2/4/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã ra quyết định duy trì diện hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu PXA của PVIT. Nguyên nhân do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2023. Theo đó, cổ phiếu chỉ được phép giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.

Tính đến ngày 25/11/2024, giá cổ phiếu PXA đóng cửa ở mức 1.200 đồng, không thay đổi so với phiên trước đó. Trong 52 tuần qua, giá cổ phiếu dao động từ 900 đến 1.400 đồng.

Tác giả: Văn Dũng - Tuấn Anh

Nguồn tin: nhadautu.vn