Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Người đã điều trị dự phòng khi bị chó dại cắn có an toàn 100%?

Trong 10 năm gần đây, khu vực phía nam có hơn 2 triệu người điều trị dự phòng dại sau phơi nhiễm.

 Người đã điều trị dự phòng sau phơi nhiễm dại, có khả năng an toàn gần như 100%. Ảnh: Cronicaglobal.elespanol.

Theo nghiên cứu của bác sĩ Hoàng Thị Liên, Viện Pasteur TP.HCM, và các cộng sự, từ năm 2013 đến 2022, khu vực phía nam ghi nhận 2.736.188 người điều trị dự phòng sau phơi nhiễm bệnh dại, chiếm 60,3% tổng số của cả nước.

Kết quả nghiên cứu cho thấy người đã điều trị dự phòng dại đầy đủ theo phác đồ gồm tiêm vaccine và huyết thanh, không có người nào không qua khỏi.

Người bị phơi nhiễm với chó chiếm 82,3%, trong đó nam giới chiếm 51,4%, người trên 15 tuổi chiếm 72,4%. Phần lớn người bệnh tiếp nhận điều trị dự phòng dưới 10 ngày sau khi bị cắn.

Vết cắn phổ biến là ở tay và chân, chiếm đến 90%, đa số là vết thương ở độ II. Khi cắn, con vật ở trạng thái bình thường chiếm 89,9%, con vật lên cơn dại chiếm 1,5%.

Trong 10 năm này, 143 ca không qua khỏi do bệnh dại vì không điều trị dự phòng sau phơi nhiễm và điều trị dự phòng không đầy đủ.

Bác sĩ Liên đề xuất ngành y tế và thú y cần có biện pháp truyền thông, giáo dục sức khỏe để 100% người bị phơi nhiễm với động vật dại, nghi dại phải điều trị dự phòng đầy đủ. Đồng thời, các hộ gia đình phải tuân thủ tiêm vaccine dại cho vật nuôi hàng năm.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị, tỷ lệ không qua khỏi lên đến 100%. Bệnh này có thể dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại.

Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở hầu hết địa phương. Trước năm 1995, trung bình mỗi năm có 500 người không qua khỏi. Từ năm 2013 đến nay, số ca không qua khỏi do bệnh dại dao động 70-100 người.

Lượng người đi điều trị dự phòng sau phơi nhiễm ở khu vực phía nam là cao nhất cả nước. Nhưng trong vài năm gần đây, số người không qua khỏi do dại ở khu vực phía nam lại có xu hướng tăng dù số lượng tiêm phòng dại rất cao.

Bác sĩ Liên chia sẻ điều đáng lo lắng là 100% ca không qua khỏi đã không tiêm vaccine hoặc huyết thanh kháng dại. Điều này cho thấy một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng về tính nguy hiểm của bệnh dại.

Tác giả: Nguyễn Thuận

Nguồn tin: znews.vn