Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


'Một công chức nhịn ăn vài trăm năm mới mua được nhà'

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho biết, cử tri rất quan tâm đến tình trạng giá bất động sản phi mã, người nghèo, người lao động, người thu nhập thấp, cán bộ, công chức khó có thể mua được. Người ta tính rằng, một công chức nếu không ăn gì, vài trăm năm mới mua được nhà.

Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Đa số các đại biểu nhất trí cao về việc ban hành nghị quyết. Tuy nhiên, một số đại biểu còn có nội dung băn khoăn.

Tham gia ý kiến, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng ở toàn quốc là hợp lý, để đảm bảo tính công bằng cho tất cả các tỉnh, thành phố có nhu cầu phát triển nhà ở thương mại. Tuy nhiên, để dự án nhà ở thương mại thí điểm có tính khả thi, đại biểu đề nghị giai đoạn thí điểm nên giới hạn về quy mô diện tích. Trong đó, đối với khu vực đô thị diện tích tối đa không quá 20 ha và đối với khu vực nông thôn diện tích tối đa không quá 5ha.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) bày tỏ, việc Quốc hội ban hành thêm nghị quyết sẽ là cơ sở khơi thông nguồn lực, tăng thêm nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội. Về phạm vi thí điểm, đại biểu đồng tình với việc thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc nhưng không đại trà, chung chung.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: QH

Không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách

Tham gia tranh luận, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) nêu, cử tri rất quan tâm đến tình trạng giá bất động sản phi mã, người nghèo, người lao động, người thu nhập thấp, cán bộ, công chức rất khó có thể mua được.

"Người ta tính rằng một công chức nếu không ăn gì cả, vài trăm năm mới mua được nhà", đại biểu nói.

Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, một câu hỏi cử tri đặt ra là tại sao không có một cơ chế gì thí điểm để tháo gỡ cho vướng mắc nhất hiện nay là nhà ở xã hội? Tại sao cơ chế này lại không áp dụng để thực hiện đối với cả nhà ở xã hội mà lại chỉ có mỗi nhà thương mại.

"Cơ chế này cũng góp phần phát triển thị trường nhà ở thương mại phục cho nhu cầu chung của xã hội. Nhưng, đối tượng yếu thế thì chúng ta lại không có một chính sách gì cả mà tiếp tục áp dụng những chính sách này, đây là điều chúng ta cần cân nhắc", đại biểu cho hay.

 Đại biểu Nguyễn Công Long. Ảnh: QH

Quay lại với những chính sách cụ thể ở trong nghị quyết này, đại biểu băn khoăn, qua thực tế đánh giá, Chính phủ cũng báo cáo cụ thể là rất nhiều địa phương không vướng mắc gì, việc chuyển mục đích sử dụng đất chuyển sang xây dựng các dự án thương mại cũng không vướng, vậy tại sao lại phải đồng loạt thí điểm trên cả nước

"Kỳ họp này chúng ta cũng ban hành rất nhiều cơ chế thí điểm nên phạm vi của nghị quyết không thể nào đại trà được", đại biểu phân tích.

Theo đại biểu Long, trong tài liệu, báo cáo đã đánh giá tất cả những hệ lụy tiêu cực như: chuyện đầu cơ đất đai, tình trạng mua gom đất đai chờ lên giá, thu gom đất nông nghiệp...

Đại biểu cho rằng, đây không phải là nguy cơ nữa mà câu chuyện thu gom đất nông nghiệp hàng chục năm nay. Các hiệp hội, các nhà đầu tư rất kiên trì trong việc vận động Chính phủ, vận động Quốc hội trong việc theo đuổi chính sách, bởi vì lợi nhuận.

"Họ nhắm vào câu chuyện đất đai để tập trung vào vận động chính sách này, đây là điều quan ngại. Do đó, chúng ta cần phải kiểm soát chặt chẽ. Chúng ta đã có vụ án Alibaba là ví dụ điển hình và các doanh nghiệp khác, hiện nay khôn khéo hơn rất nhiều, họ đang thu gom đất và đang mong chờ chính sách này", đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu đoàn Đồng Nai nhận định, phải ngăn chặn được nguy cơ này, nhưng vẫn đảm bảo phát triển một cách lành mạnh. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng thu gom và chuyển đất lúa, đất rừng, đất sản xuất, bởi hệ quả rất nguy hiểm.

Nói thêm về dự thảo, đại biểu Long đánh giá, có một quy định chỉ được phép thực hiện tại các khu vực quy hoạch và phát triển đô thị và không vượt quá 30% diện tích tăng thêm trong kỳ quy hoạch. Đây là quy định rất cần thiết, nhưng để "nới room" diện tích này không phải là chuyện khó, khi làm tăng thêm diện tích trong thời kỳ quy hoạch.

"Điều chúng tôi quan tâm nhất là 30% này nằm ở đâu. Nếu 30% này rơi vào hết đất lúa, đất rừng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất thì chúng ta sẽ không còn khả năng nào có thể khắc phục được nữa. Vì vậy, chúng tôi rất mong Chính phủ sẽ quan tâm để xử lý được vấn đề này, làm sao phải hạn chế được việc chuyển đổi đất lúa, đất rừng sang mục đích này", đại biểu góp ý.

Thí điểm cả nước để đảm bảo công bằng, khắc phục cơ chế xin - cho

Giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu quan, Bộ trưởng TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, mục đích xây dựng ban hành nghị quyết là để bổ sung thêm phương thức tiếp cận đất đai để thực hiện các dự án nhà ở thương mại mà Luật Đất đai hiện chưa cho phép.

Theo đó, Luật Đất đai năm 2003, Luật Nhà ở 2005, sửa đổi năm 2010 và Luật Đất đai 2013 thì cả 4 phương thức tiếp cận đất đai để thực hiện dự án nhà ở thương mại đều được thực hiện và không bị hạn chế. Đến khi Luật Nhà ở 2014 ban hành, có hiệu lực thì hạn chế hình thức tự thoả thuận với người sử dụng đất và đang có quyền sử dụng đất xin chuyển mục đích.

 Bộ trưởng TN&MT Nguyễn Đức Duy. Ảnh: QH

Luật Đất đai 2024 kế thừa quy định này của Luật Nhà ở 2014, không những thế còn quy định chặt chẽ hơn. Đối với các dự án nhà ở thương mại, quy mô đất dưới 20 ha sẽ không có phương thức tiếp cận đất đai. Do đó, mục đích ban hành nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc nêu trên

Về phạm vi điều chỉnh, Bộ trưởng nêu rõ, do vướng mắc này trên phạm vi cả nước nên cần cho thực hiện thí điểm trên phạm vi cả nước để bảo đảm công bằng, nếu chỉ cho một số tỉnh thì những tỉnh còn lại nếu nhà đầu tư có nhu cầu cũng không có phương thức để thực hiện.

Bên cạnh đó, các phương thức tiếp cận đất đai khác để thực hiện dự án nhà ở thương mại theo Luật Đất đai hiện nay cho thực hiện ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Vì vậy, nếu chỉ cho thí điểm ở một số địa phương sẽ dẫn đến không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương trong cả nước.

Đồng thời, việc cho phép thí điểm thực hiện trên phạm vi cả nước sẽ khắc phục được cơ chế xin - cho.

Về đảm bảo an ninh lương thực, đất trồng lúa, trồng rừng, Bộ trưởng khẳng định, vấn đề đã được kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia cho đến quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh… Như vậy, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay cơ chế thí điểm thì đều phải đảm bảo tuân thủ quy hoạch và quy hoạch đó đã phải đảm bảo giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, đảm bảo độ che phủ rừng ổn định ở 42% nên không quan ngại.

Trong khi đó, về vấn đề kiểm soát chặt chẽ quy trình thủ tục, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi, hay vấn đề thu gom đất, chênh lệch địa tô, Bộ trưởng bày tỏ, tất cả nội dung này Chính phủ xin tiếp thu và sẽ được quy định chi tiết, cụ thể trong nghị định hướng dẫn thi hành nghị quyết này để đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, chống tình trạng tham nhũng, tiêu cực…

Tác giả: Vũ Phạm

Nguồn tin: nhadautu.vn