Xác thực tài khoản bằng số điện thoại để ngăn chặn lừa đảo
- 09:10 21-11-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng hơn 70 triệu người sử dụng internet. Trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.
Năm 2023, Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới. Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam đã ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, và nhận được gần 16.000 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trên mạng.
Tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so năm 2022; trong đó, 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng-tài chính.
Bên cạnh đó, số thông tin cá nhân của người dùng bị đánh cắp trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 50% so với cùng kỳ 2023, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Kể từ ngày 25/12 tới đây, người dùng phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại mới được đăng bài trên mạng xã hội |
Tại phiên thảo luận của Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, nhiều đại biểu phản ánh: Hiện nay, cùng với sự gia tăng sử dụng các nền tảng mạng xã hội, nhiều trường hợp bị lừa đảo đã xảy ra; nhất là quyền riêng tư của người dùng dễ bị xâm phạm, thông tin cá nhân dễ bị lạm dụng và mua bán công khai trên mạng xã hội.
Theo Đại biểu Đoàn Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh), tình trạng quảng cáo trực tuyến thường dựa vào những dữ liệu người dùng, điều này gây ra lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng, khi sử dụng các dịch vụ hoặc truy cập vào trang web. Thống kê cho thấy số lượng thông tin cá nhân quyền riêng tư của người dùng đã bị đánh cắp trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2023 gây bức xúc cho xã hội….
Còn Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn Kiên Giang) cho biết, dịch vụ tâm linh, bói toán, tử vi trực tuyến có dấu hiệu nở rộ với một lực lượng thầy bói rất đông, gây ra nhiều hệ lụy. Đây là không gian màu mỡ để kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo trong khi người dân tiền mất, tật mang.
Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ ngày 28/10-3/11/2024 vừa qua, Cục ghi nhận và đánh giá có 3 thủ đoạn lừa đảo được các đối tượng sử dụng nhiều để đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản của người dùng Việt Nam.
Trước đó, tháng 8/2024, cơ quan này đã công bố 24 hình thức lừa đảo trực tuyến. Dù cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng với hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, phức tạp tình trạng người dân bị lừa vẫn diễn ra.
Ông Nguyễn Minh Thành – Chuyên gia tư vấn An ninh mạng cho biết: Không gian mạng giống như một xã hội thu nhỏ, khi nền tảng công nghệ ngày càng phát triển, hình thức lừa đảo trên mạng xã hội ngày càng khó đối phó vì lượng người dùng ngày càng tăng, công nghệ mới ra đời, bổ trợ cho người dùng nhưng cũng vẫn có lỗ hổng để tin tặc lợi dụng.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024 quy định biện pháp thi hành việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng đối với: Dịch vụ, tài nguyên internet; thông tin trên mạng; cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.
Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng. Theo đó, kể từ ngày 25/12 tới đây, người dùng phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại mới được đăng bài trên mạng xã hội.
Đáng chú ý, tại điểm e khoản 3 điều 23 của nghị định, Chính phủ đã chính thức bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại di động.
Cùng với đó, những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam có sử dụng dịch vụ cho thuê lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có tổng số lượt truy cập từ Việt Nam thường xuyên trong 1 tháng (số liệu thống kê trung bình trong thời gian 6 tháng liên tục) từ 100.000 lượt trở lên sẽ phải chịu một số trách nhiệm.
Cụ thể, các đơn vị cung cấp thông tin xuyên biên giới phải thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Minh Thành cho rằng đây là biện pháp hữu hiệu để tránh tình trạng tài khoản giả mạo trên mạng xã hội và các tài khoản ảo, tài khoản ma. “Khi các thông tin được định danh chính xác thì mọi hành vi lừa đảo trực tuyến có thể dễ dàng bị truy vết, phát hiện và xử lý các cá nhân vi phạm một cách nhanh chóng. Đây cũng là một giải pháp quan trọng và cần thiết, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên không gian mạng”.
Tác giả: Thu Hà
Nguồn tin: vov.vn