Từ bục giảng đến thương trường: Hành trình của các nhà giáo doanh nhân
- 08:34 20-11-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nghề giáo từ lâu đã gắn liền với hình ảnh những con người tận tụy vì sự nghiệp trồng người, dẫn dắt thế hệ trẻ chạm đến tri thức và khai phá tiềm năng. Nhưng ít ai biết rằng, không ít nhà giáo đã mạnh dạn rời bục giảng để dấn thân vào con đường kinh doanh, tạo nên những thành tựu vang dội trong giới doanh nhân Việt Nam.
Trong số đó, không thể không thể đến những cái tên tiêu biểu như ông Trương Gia Bình, Nguyễn Tử Quảng, Trần Kim Liên,...
Những nhà giáo doanh nhân tiên phong trong công nghệ
Nhắc đến ông Trương Gia Bình, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh của một doanh nhân điều hành tập đoàn doanh thu tỷ USD với hệ sinh thái đa dạng từ công nghệ, viễn thông đến giáo dục. Tuy nhiên, ít ai biết rằng trước khi trở thành "ông lớn" trong ngành công nghệ, ông từng là giảng viên tại Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT. |
Ông tốt nghiệp chuyên ngành Toán học và Vật lý học tại Đại học Matxcơva và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 1982. Sau khi trở về Việt Nam, ông làm việc tại Viện Cơ học, thuộc Viện Khoa học Việt Nam, và từng công tác tại các viện nghiên cứu ở Nga và Đức.
Năm 1988, ông cùng 12 cộng sự sáng lập FPT, khởi đầu với quy mô nhỏ trong lĩnh vực công nghệ. Dưới sự lãnh đạo của ông, FPT nhanh chóng vươn lên trở thành tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam. Không chỉ ghi dấu ấn trong kinh doanh, ông Bình còn để lại dấu ấn lớn trong lĩnh vực giáo dục thông qua việc thành lập Đại học FPT – ngôi trường tiên phong kết hợp giữa tri thức và thực tiễn.
Ông từng chia sẻ: "Tôi mong muốn giáo dục Việt Nam sẽ đổi mới toàn diện, hiện đại hóa và toàn cầu hóa, đặt học viên vào trung tâm của mọi cải cách".
Ông Nguyễn Tử Quảng - Nhà sáng lâp BKAV. |
Cũng từ giảng đường đại học, ông Nguyễn Tử Quảng đã chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trong những doanh nhân công nghệ hàng đầu Việt Nam. ừng là giảng viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Quảng sáng lập Bkav – công ty tiên phong trong lĩnh vực bảo mật và công nghệ cao.
Dưới sự lãnh đạo của ông, Bkav đã phát triển mạnh mẽ với các sản phẩm nổi bật như phần mềm diệt virus và điện thoại thông minh. Ông từng chia sẻ rằng, chính những năm tháng đứng lớp đã rèn luyện sự kỷ luật và tư duy logic, giúp ông vượt qua những thách thức lớn trong kinh doanh.
Năm 2005, ông Quảng sáng lập công ty riêng với tên gọi Bkav. Không chỉ phát triển trong lĩnh vực an ninh mạng và chống mã độc, Bkav còn tạo tiếng vang với các dòng sản phẩm như điện thoại Bphone và nhà thông minh.
Những nữ tướng đi lên từ giảng đường
Không chỉ các nam doanh nhân, nhiều nữ nhà giáo cũng đã để lại dấu ấn mạnh mẽ khi chuyển mình từ bục giảng sang thương trường. Trong đó, 2 cái tên nổi bật phải kể đến là bà Phạm Minh Hương – Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán VNDirect, và bà Trần Kim Liên – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed),...
Bà Phạm Minh Hương – Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán VNDirect. |
Trước khi dẫn dắt một trong những công ty chứng khoán lớn nhất thị trường, bà Phạm Minh Hương từng là giảng viên tại Học viện Bưu chính Viễn thông. Với nền tảng học vấn là Thạc sĩ hệ thống thông tin tại Đại học Bách khoa Kiev, bà đã mạnh dạn bước vào lĩnh vực tài chính và chứng khoán – một lựa chọn táo bạo ở thời điểm đó.
Từ năm 1993-1994, bà là chuyên gia đào tạo tại Trung tâm Đào tạo của Học viện Bưu chính Viễn thông. Sau đó, bà đảm nhận vai trò Giám đốc kinh doanh tiền tệ và thị trường tài chính tại Ngân hàng Citibank.
Năm 2006, bà cùng cộng sự sáng lập Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect với số vốn điều lệ ban đầu chỉ 50 tỷ đồng. Đến năm 2023, công ty đã phát triển vượt bậc với vốn điều lệ hơn 12.178 tỷ đồng, nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường.
Bà Trần Kim Liên – Chủ tịch HĐQT Vinaseed. |
Hơn 2 thập kỷ đồng hành cùng Vinaseed, bà Trần Kim Liên đã đưa doanh nghiệp từ nguy cơ phá sản vươn lên thành một trong những đơn vị dẫn đầu ngành giống cây trồng tại Việt Nam.
Từng là giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân, bà Liên chuyển sang ngành nông nghiệp vào năm 1982. Với tư duy đổi mới và tinh thần quyết liệt, bà đã hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng Vinaseed trở thành thương hiệu uy tín, sở hữu hơn 80% sản phẩm bản quyền.
Đến năm 2023, quy mô sản xuất của Vinaseed là trên 105.000 tấn hạt giống mỗi năm, chiếm 21,5% thị phần giống cây trồng cả nước và có 31 đơn vị thành viên trên cả nước.
Bà Liên từng chia sẻ rằng: "Chỉ sau hơn 10 năm, từ một doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản, Vinaseed giờ trở thành tập đoàn giống cây trồng, thâu tóm gần như tất cả doanh nghiệp đầu ngành trong nước. Bây giờ nhìn lại, con đường khi đó của Vinaseed hoàn toàn đúng đắn".
Người đặt nền móng cho những công trình lớn
Ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), là một cái tên quen thuộc trong giới xây dựng và bất động sản. Tuy nhiên, ít ai biết rằng ông từng có hơn ba thập kỷ gắn bó với sự nghiệp giáo dục tại Đại học Xây dựng – nơi ông tốt nghiệp và sau này đảm nhận vai trò giảng dạy và quản lý suốt 33 năm.
Ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Vinaconex. |
Bước ngoặt đến vào năm 2004, khi ông Thanh quyết định rời giảng đường để theo đuổi con đường kinh doanh. Ông giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Cotana và sau đó là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Ecopark. Đây đều là những doanh nghiệp có dấu ấn đậm nét trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng.
Năm 2019, ông Đào Ngọc Thanh đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Vinaconex – một trong những tổng công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, ông còn giữ vai trò lãnh đạo tại Công ty TNHH Một thành viên Giáo dục Lý Thái Tổ, tiếp tục khẳng định tầm ảnh hưởng của mình ở cả lĩnh vực giáo dục và kinh doanh.
Một doanh nhân trong ngành xây dựng khác xuất thân từ nhà giáo là ông Trần Nhật Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng DELTA.
Ông Trần Nhật Thành - Chủ tịch Delta Group |
Ông Thành tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành kỹ thuật xây dựng từ Đại học Kharcop, Liên bang Xô Viết năm 1975. Sau khi về nước ông làm giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và từng đảm trách chức vụ Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học Kỹ thuật xây dựng.
Năm 1993, ông là người sáng lập Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng DELTA. Dưới sự lãnh đạo của ông Thành, doanh nghiệp này là đơn vị xây dựng hàng loạt công trình lớn như Keangnam Hanoi Landmark, Lotte Center Hanoi, Bitexco Financial Tower, Royal City.
Đến tháng 2/2024, Tập đoàn Xây dựng DELTA có vốn điều lệ 1.180 tỷ đồng với 12 công ty thành viên.
Từ nhà giáo đến doanh nhân nổi tiếng thương trường còn có ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng) - phó chủ tịch Cenland, ông Trần Mộng Hùng - nguyên chủ tịch ACB, ông Võ Trường Thành - nhà sáng lập Gỗ Trường Thành,... |
Tác giả: nguoiduatin.vn