Câu chuyện về người thầy của phi công
- 15:51 19-11-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Anh Nguyễn Phúc Lân bắt đầu công tác trong ngành hàng không từ năm 1989 với vị trí kiểm soát viên không lưu tại các sân bay Tân Sơn Nhất, Liên Khương, Cam Ranh, Cần Thơ, Rạch Giá. Năm 1997, anh được điều động về Trường Hàng không Việt Nam, nay là Học viện Hàng không Việt Nam với tư cách giáo viên kiêm nhiệm dạy về không lưu.
Anh Nguyễn Phúc Lân gắn bó với ngành hàng không đã gần 30 năm, trong đó có hơn 10 năm đứng trên bục giảng với vai trò giảng viên dạy lý thuyết phi công thương mại |
Quá trình tham gia giảng dạy tại trường, được tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp dạy bay cũng như những kiến thức lý thú về hàng không, anh không biết mình đã yêu máy bay, yêu bầu trời từ khi nào. Sau đó, anh đã tự cố gắng tìm hiểu, học hỏi về lĩnh vực này và chính thức trở thành giáo viên giảng dạy lý thuyết tại Trường phi công Bay Việt vào năm 2011.
Nghề giáo vốn là một nghề đặc biệt, nhưng giáo viên dạy bay còn đặc biệt hơn rất nhiều vì còn phải dạy cho các học viên của mình đảm bảo an toàn cho hàng trăm sinh mạng trên mỗi chuyến bay. Anh Lân cho biết mình luôn duy trì những nguyên tắc then chốt trong quá trình giảng dạy.
Thứ nhất, anh luôn dạy các học viên của mình phải đảm bảo kỷ luật trong việc chấp hành các quy định, thực thi các quy trình làm việc bởi nghề phi công là một nghề đặc biệt, một sai sót dù nhỏ có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của hàng trăm con người
Thứ hai, anh rèn cho các bạn tính kiên trì, vượt khó. "Có thể các bạn luôn nhìn thấy nghề phi công là một nghề hào nhoáng với những đặc quyền như được chu du năm châu bốn biển với mức lương hấp dẫn, nhưng ít ai biết rằng để có những điều đó phi công phải trải qua quá trình đào tạo khắt khe, lâu dài. Do vậy, ngoài việc truyền đạt những kiến thức, tôi còn truyền đạt cả niềm đam mê để các bạn có thể kiên định với mục tiêu của bản thân, kiên trì vượt qua những khó khăn"- anh Lân chia sẻ.
Anh Nguyễn Phúc Lân tâm sự khó khăn lớn nhất đối với nghề giáo viên dạy bay đó chính là kiến thức bởi trong ngành hàng không công nghệ không ngừng thay đổi khiến bạn luôn phải cập nhật theo để không bị tụt lại phía sau. Tuy nhiên, ở Bay Việt, các giáo viên được tham gia rất nhiều vào các khóa đào tạo, được cập nhật công nghệ hàng ngày nên mọi thứ cũng không còn quá khó khăn.
"Hơn nữa, tôi thực sự rất yêu công việc này, tôi làm bằng 100% nhiệt huyết và đam mê nên mọi khó khăn đều có thể vượt qua hết. Nếu một tuần, không được đứng trên bục giảng, được gặp gỡ các học viên là tôi thấy bứt rứt, nhớ nghề. Công việc này đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi"- thầy giáo bay Nguyễn Phúc Lân bộc bạch.
Anh Nguyễn Phúc Lân kể trong một chuyến bay với vai trò là hành khách, khi nghe phát thanh tên cơ trưởng, anh nhận ra đó nguyên là học viên của mình. Anh thấy rất thú vị, cứ tủm tỉm cười một mình gần như suốt chuyến bay kéo dài hơn một giờ đồng hồ.
Đến khi máy bay hạ cánh, hành khách ngồi cạnh tôi bật lên lời khen: "Phi công Việt Nam đáp êm quá!". Lúc đó, không từ ngữ nào có thể diễn tả được cảm xúc của anh, một chút tự hào xen lẫn sự hãnh diện, hạnh phúc. Ngay lúc đó, anh chỉ muốn khoe với hành khách đó rằng: "Cậu ấy là học trò của tôi đấy!".
Hơn 10 năm đứng trên bục giảng với vai trò giáo viên, anh Lân không nhớ mình đã giảng dạy cho bao nhiêu lớp học viên. Với anh, thành công lớn nhất chính là sự thành công, tiến bộ của các bạn học viên – những phi công tương lai. Đó cũng chính là động lực khiến anh đứng trên bục giảng mỗi ngày.
Để trở thành một phi công, trước tiên các bạn cần tìm hiểu kỹ các yêu cầu về học vấn cũng như sức khỏe để đảm bảo được yêu cầu trong công việc. Ngoài ra, các bạn cũng cần chấp nhận những đặc thù của nghề nghiệp như thường xuyên phải làm việc vào dịp Lễ, Tết; nhịp sinh học của cơ thể thay đổi… Nhưng chắc chắn, nghề phi công sẽ cho bạn những trải nghiệm vô cùng lý thú. Thầy giáo Nguyễn Phúc Lân |
Tác giả: Dương Ngọc - CTV
Nguồn tin: Báo Người Lao Động