Chiến dịch của bà Harris 'đốt' 1,5 tỷ USD vẫn thất thủ ở 7 'chiến địa'
- 13:58 19-11-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Phó tổng thống Kamala Harris đã chi số tiền khổng lồ 1,5 tỷ USD cho chiến dịch tranh cử kéo dài 15 tuần, cũng là chiến dịch ngắn nhất trong lịch sử các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, kể từ sau thất bại trước ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, phó tổng thống và chiến dịch của bà đã phải đối mặt với nhiều câu hỏi về cách chi tiêu trong quá trình tranh cử.
Dù có lợi thế rõ rệt về mặt tài chính, bà Harris đã trở thành ứng viên tổng thống đầu tiên của đảng Dân chủ thất bại trong vòng bỏ phiếu phổ thông trong hai thập kỷ qua, đánh mất toàn bộ 7 bang chiến địa vào tay ông Trump.
Trong nỗ lực thu hút cử tri, chiến dịch tranh cử của bà Harris đã "vung tiền" không tiếc tay. Các khoản chi nổi bật có thể kể đến việc quảng cáo, thuê người nổi tiếng quảng bá trên mạng xã hội, thuê người gõ cửa từng nhà để vận động cử tri, tổ chức những cuộc mít tinh quy mô lớn và quy tụ nhiều sao số như Oprah Winfrey, thậm chí là thuê cả máy bay không người lái để căng biểu ngữ quảng cáo.
Chiến dịch quảng cáo đắt đỏ
Trung bình, mỗi tuần, chiến dịch của bà Harris chi tới 100 triệu USD, theo New York Times.
Việc chi tiêu "bạo tay" này đã khiến một số cử tri và đảng viên Dân chủ nghi ngại, đặc biệt là vấn đề liệu tổ chức các sự kiện với sự góp mặt của người nổi tiếng như Lady Gaga và Beyoncé có thực sự hiệu quả hay chỉ để phô trương.
Kể từ sau thất bại trước ổng Trump vào đầu tháng 11, chiến dịch của bà Harris đã vận động những người ủng hộ quyên góp nhiều tiền hơn bằng những lời kêu gọi nghe có vẻ tuyệt vọng, làm dấy lên nỗi lo về các khoản nợ sau bầu cử, theo New York Times.
Chiến dịch của bà Harris chi mạnh tay nhất cho việc quảng cáo. Từ ngày 21/7 đến 16/10, hồ sơ tài chính cho thấy chiến dịch của bà Harris đã chi 494 triệu USD cho việc sản xuất và chạy quảng cáo, trên cả phương tiện truyền hình lẫn không gian mạng.
Tổng chi phi quảng cáo xuyên suốt cuộc bầu cử của chiến dịch phe Dân chủ là gần 600 triệu USD.
Các buổi mít tinh tốn kém của chiến dịch bà Harris là một trong những nguyên nhân khiến 1,5 tỷ USD "bốc hơi" trong vỏn vẹn 15 tuần. Ảnh: New York Times. |
Bên cạnh quảng cáo truyền hình và trên Internet, hồ sơ cũng cho thấy chiến dịch của bà Harris đã chuyển 2,5 triệu USD cho 3 công ty truyền thông quảng cáo làm việc với những người có sức ảnh hưởng trên không gian mạng.
New York Times dẫn nguồn tin từ hai quan chức cho biết chiến dịch bà Harris đã chi khoảng 900.000 USD để đặt quảng cáo bên ngoài nhà hát Sphere ở Las Vegas trong tuần cuối cùng trước thềm cuộc bầu cử.
Chiến dịch cũng chi tiền cho các quảng cáo trên máy bay không người lái trước cuộc tranh luận với ông Trump ở Philadelphia hồi tháng 9 và tại một trận đấu của Pittsburgh Steelers vào tháng 10.
Trong một ghi chú gửi đến những nhà tài trợ hàng đầu cho chiến dịch của bà Harris hôm 15/11, Chris Korge, Giám đốc tài chính của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, nói rằng việc "thất thủ" tại cả 7 bang chiến địa đã "khiến mọi người bàng hoàng".
"Tôi chắc chắn sẽ thúc đẩy một nghiên cứu kĩ lưỡng và phân tích toàn diện về chiến dịch, bao gồm cả cách tổ chức, thông điệp gửi đi, các phương tiện truyền thông được sử dụng và ngân sách", ông Korge viết.
Trên thực tế, thất bại toàn diện của bà Harris được quy vào thương hiệu và thông điệp mà đảng Dân chủ chứ không xuất phát từ cách vận hành chiến dịch của phó tổng thống, New York Times nhận định.
Bà Harris "tiếp đuốc" cuộc chạy đua vào Nhà Trắng từ Tổng thống Joe Biden với trụ sở chiến dịch ở Wilmington (Delaware), vốn không phù hợp cho phương thức vận động tranh cử của bà. Phó tổng thống cũng không có đủ thời gian để thay đổi hoặc cải tạo nền tảng theo hướng thích hợp với thế mạnh của cá nhân bà.
Bà Harris đã bổ sung một số cố vấn cấp cao nhưng chủ yếu vẫn giữ nguyên bộ khung nhân lực của ông Biden, bao gồm Jennifer O’Malley Dillon, người giám sát vấn đề tài chính và các nước đi quan trọng của chiến dịch.
Các cố vấn của bà Harris cũng nói rằng dù tên của phó tổng thống đã ở trên phiếu bầu từ đầu, đội ngũ của ông Biden hầu như không nghiên cứu gì về thế mạnh và điểm yếu của bà. Hồ sơ cho thấy nhân sự của bà Harris đã chi hơn 12 triệu USD cho công tác khảo sát trong giai đoạn 21/7 đến giữa tháng 10.
Jennifer O’Malley Dillon, người giám sát vấn đề tài chính và các nước đi quan trọng của chiến dịch, được giữ lại từ đội ngũ của ông Biden. Ảnh: New York Times. |
New York Times dẫn hai nguồn tin ẩn danh cho biết các giai đoạn thuộc chiến dịch tranh cử của ông Biden và Harris gây quỹ được tổng cộng 2,15 tỷ USD.
Dù thất bại, chiến dịch tranh cử của bà Harris cho thấy một số khoản chi của họ vẫn phát huy tác dụng: ứng viên đảng Dân chủ đã thể hiện tốt hơn ở các bang chiến trường so với mặt bằng chung toàn quốc, theo New York Times.
Patrick Stauffer, giám đốc tài chính của chiến dịch, cho biết trong một tuyên bố rằng không có khoản nợ nào chưa thanh toán hoặc hóa đơn quá hạn tính đến ngày bầu cử.
Ông Stauffer cũng cho biết "sẽ không có khoản nợ nào" đối với Ủy ban Quốc gia Dân chủ và hồ sơ vận động tranh cử tổng thống của bà Harris vào tháng 12. Các quan chức nói rằng những khoản đóng góp được vận động cho chiến dịch của bà Harris sau ngày bầu cử đang được chuyển cho Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ.
Trong những ngày gần đây, ủy ban đã cho thôi việc hàng trăm nhân viên, một động thái cắt giảm biên chế được dự đoán trước trong bối cảnh bà Harris thất cử. Theo hai người nguồn tin biết rõ về việc cắt giảm, đảng Dân chủ có khoảng 680 biên chế vào tháng 10 và số lượng đang giảm khoảng 70%.
Tổng thống đắc cử Trump đã châm chọc về tình hình tài chính của đội ngũ bà Harris trong một bài đăng trên mạng xã hội: "Trong lúc họ đang rơi vào giai đoạn khó khăn, nếu giúp được gì thì tôi sẽ giúp".
Các khoản chi khổng lồ
Trong "núi tiền" mà chiến dịch của bà Harris đã đổ vào quá trình tranh cử, khoản chi 1 triệu USD cho Harpo Productions, công ty sản xuất của Oprah Winfrey, đã thu hút sự chú ý sau khi bà Harris thất cử.
Trong một bài đăng trên Instagram, bà Winfrey cho biết Harpo Productions đã được trả tiền để tổ chức một buổi phát trực tiếp tại Detroit. Công ty này chịu trách nhiệm dàn dựng bối cảnh, cung cấp đèn, máy quay, micrô, đoàn làm phim, nhà sản xuất và thậm chí cả ghế.
"Tôi không nhận khoản thu cá nhân nào", bà Winfrey viết. "Nhưng những người tham gia vào sản phẩm đó cần được trả lương, và chúng tôi đã trả lương cho họ. Thế thôi".
Hai nguồn tin nắm rõ vấn đề nói với New York Times rằng hoá đơn 1 triệu USD trên thực tế chưa đủ để chi trả cho toàn bộ sự kiện, vốn tốn kém hơn 2,5 triệu USD.
Một trong những khoản chi đắt đỏ khác của chiến dịch tranh cử đảng Dân chủ là các cuộc biểu tình ở các bang tranh chấp trước đêm bầu cử với sự góp mặt của các ngôi sao, bao gồm Lady Gaga ở Philadelphia, Jon Bon Jovi ở Detroit, Christina Aguilera ở Nevada, James Taylor ở North Carolina và Katy Perry ở Pittsburgh.
Jon Bon Jovi biểu diễn trong một buổi mít tinh của đảng Dân chủ. Ảnh: New York Times. |
Bản thân các ngôi sao không nhận tiền cát-xê song chiến dịch tranh cử đã trả lương cho đội ngũ hỗ trợ. Hoá đơn tổng cho chuỗi sự kiện vào trước đêm tranh cử đã vượt quá ngân sách dự tính và được cho là đã chạm ngưỡng 10 triệu USD.
Các chi phí đáng kể khác bao gồm 111 triệu USD cho tiền quảng cáo trực tuyến để kêu gọi quyên góp, ít nhất 100 triệu USD được chuyển đến các bang chiến trường, 70 triệu USD cho công tác gửi mail và gần 28 triệu USD để sản xuất các sản phẩm được cử tri đặt hàng.
Dù nhận được sự trợ lực đáng kể từ các tình nguyện viên, chiến dịch của bà Harris cũng chi khoảng 50 triệu USD cho công tác gõ cửa vận động cử tri từng nhà, theo hồ sơ và các quan chức chiến dịch.
Ngoài ra, chiến dịch của bà Harris cũng đối mặt với một thử thách từ chính nội bộ đảng Dân chủ. Sau khi huy động được hơn 1 tỷ USD trong chưa đầy 3 tháng, một loạt chuyên gia tư vấn, đồng minh và những người liên quan đến chiến dịch đã yêu cầu được chia thù lao cho những đóng góp của họ.
Vào tháng 9, đội ngũ của bà Harris đã đóng góp khoảng 25 triệu USD cho các uỷ viên đảng Dân chủ để xoa dịu những yêu cầu trên, theo New York Times.
Một số đồng minh của bà Harris cũng được trả tiền. Areva Martin, người tổ chức một chương trình truyền hình, đã được trả 200.000 USD với tư cách là một nhà tư vấn truyền thông. Tương tự, Roland Martin, người dẫn chương trình của một show trực tuyến, cũng nhận được 350.000 USD hồi tháng 9.
Chiến dịch của bà Harris cũng quyên góp 250.000 USD cho Mạng lưới Hành động Quốc gia, tổ chức nhân quyền do ông Al Sharpton lãnh đạo. Vào tháng 10, ông Sharpton đã phỏng vấn bà Harris trên MSNBC.
Khi bà Harris đối mặt với sự hoài nghi về khả năng kêu gọi sự ủng hộ từ cử tri da màu, chiến dịch của bà đã tặng 2 triệu USD cho Liên đoàn Đô thị Quốc gia vào tháng 9.
Một trong những câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ là ai sẽ nhận tiền hoa hồng sau những khoản chi cho việc quảng cáo của chiến dịch bà Harris, vốn có thể là một khoản tiền khổng lồ, song lại không được tiết lộ ngay cả trong hồ sơ liên bang.
Tác giả: Đại Hoàng
Nguồn tin: znews.vn