Nữ giáo viên thắp sáng ước mơ tới trường của trẻ em vùng cao xứ Nghệ
- 10:17 16-11-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chân dung nữ nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024 Lê Thị Quang. (Ảnh: NVCC) |
Hành trình gieo mầm tri thức
Lễ tuyên dương nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024 sẽ tôn vinh những nhà giáo tâm huyết, sáng tạo, không ngừng nỗ lực vì sự nghiệp trồng người. Trong số đó, có cô giáo Lê Thị Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng, huyện Tương Dương (Nghệ An).
Là đại diện cho bậc học mầm non của tỉnh Nghệ An, cô giáo Quang vượt qua nhiều khó khăn để mang đến cho các em nhỏ vùng cao một môi trường học tập tốt nhất.
Năm 1995, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, cô gái trẻ Lê Thị Quang trở về quê hương Nghệ An và tình nguyện lên miền núi rẻo cao huyện Tương Dương công tác tại Trường Tiểu học Lưu Kiền (xã Lưu Kiền). Vào thời điểm này, các lớp mầm non ở địa phương còn phải ghép trong trường tiểu học.
Sau 2 năm công tác, nữ giáo viên được điều động về làm cán bộ chuyên viên phụ trách chuyên môn Mầm non tại Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương. Đến năm 2018, chị được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng cho đến nay.
“Tôi vốn rất yêu trẻ nhỏ và từng là một cán bộ đoàn hoạt động khá tích cực khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Lựa chọn nghề giáo chính là ước mơ của tôi từ bé. Chính vì thế, khi có giấy báo điểm thi, tôi lựa chọn học Trường Cao đẳng Nhà trẻ - Mẫu giáo Trung ương 2 Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa để học tập”, nữ giáo viên tâm sự.
Cô Quang cho biết, Tương Dương là huyện miền núi biên giới, có diện tích địa lý rộng nhất cả nước. Nơi đây có 6 đồng bào dân tộc anh em sinh sống gồm: Ơ Đu, Mông, Khơ Mú, Tày, Thái và Kinh. Địa hình đồi núi hiểm trở, đời sống bà chủ yếu thu nhập từ nghề nông nghiệp nương rẫy, tuy nhiên, do khí hậu khắc nghiệt nên phần lớn mùa màng thất bát.
Ở nơi đây, các lớp học mầm non không tập trung mà theo chân học trò. Học trò ở đâu thì trường, lớp học đóng ở đó. Giáo viên mầm non đến lớp chủ yếu đi bộ và ở tạm trong nhà dân. Cơ sở vật chất thiếu thốn khi lớp học được dựng tạm bằng vách nứa, cơm ăn do dân nuôi và đồng lương rất thấp.
Các cháu học sinh Trường Mầm non Xá Lượng. (Ảnh: NVCC) |
“Các cô giáo nhận được rất nhiều niềm hạnh phúc nhờ học sinh, người dân yêu thương, quý mến và thường xuyên giúp đỡ. Người dân nơi đây xem cô thầy như con cái trong gia đình. Với tôi đó chính là động lực giúp tôi bám trụ lại mảnh đất này cả sự nghiệp nhà giáo của mình”, cô Quang tâm sự.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ, cô Quang kể mình có nhiều kỷ niệm vui với học trò và nhớ nhất khi mới ra trường tôi dạy 1 lớp 25 cháu 5 tuổi. Khi thấy các cháu không sạch sẽ, quần áo rách nát, chị lên lịch tắm cho các con mỗi tuần 2 lần. Và như một thói quen, đến lịch các con đến gõ cửa để cô đưa đi tắm. Quần áo các cháu cũng được cô giáo giặt giũ sạch sẽ, nếu áo quần rách cô cũng may vá cho các cháu.
“Tôi xuất phát từ gia đình công nhân khá vất vả, từng có một tuổi thơ gian nan. Có lẽ vì vậy mà khi tiếp xúc với trẻ em vùng cao tôi có rất nhiều sự đồng cảm. Tôi muốn góp sức cải thiện giáo dục vùng cao cho các em bớt thiệt thòi. Bản thân mình cũng chưa có kỷ niệm buồn với bọn trẻ”, cô Hiệu phó trải lòng.
Cô Quang luôn xem các cháu học sinh như những người con trong gia đình. (Ảnh: NVCC) |
Quá trình công tác ở huyện biên giới Tương Dương cũng để lại nhiều kỷ niệm ấn tượng với nữ giáo viên này. Cô Quang kể, có lần đi công tác vùng biên giới xã Hữu Khuông nằm giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Địa phương này chỉ có một con đường độc đạo là đi xuồng máy bằng đường thủy, dòng sông rất nhiều thác ghềnh nguy hiểm.
Đoàn của cô Quang mang theo sách giáo khoa, vở viết và gạo lên dự lễ khai giảng cho các em học sinh. Do nước to và mưa lớn nên cô Quang không may bị rơi khỏi thuyền. Rất may mắn chị được các thầy cô kéo vào bờ.
Những bữa cơm níu trẻ đến trường
Không chỉ là một giáo viên dạy giỏi, tâm huyết, cô Quang còn có nhiều sáng kiến, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực. Năm học 2023 -2024, nữ Hiệu phó xây dựng được mô hình Thư viện xanh phát triển văn hóa đọc cho trẻ em mầm non nhằm tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số.
Từ những viên đá cuội vô tri ven sông suối, cô Quang nghĩ ra sáng kiến tổ chức cuộc vẽ tranh bằng đá cuội để bán gây quỹ thu được gần 20 triệu đồng. Đến năm học mới, nữ giáo viên sử dụng trang Facebook cá và nhà trường để vận động các nhà hảo tâm tặng đèn đọc sách cho trẻ em 5 tuổi có hoàn cảnh khó khăn lớp 1, mỗi chiếc trị giá 150.000 đồng.
Cô Quang còn tích cực kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm tài trợ tủ nấu cơm, tivi, và các nhu yếu phẩm khác để phục vụ các em học sinh tại các điểm trường mầm non thiếu thốn.
Đối với cô Quang, thành công của mình là phần thưởng chung cho tập thể nhà trường. (Ảnh: NVCC) |
Một lần tình cờ đọc được bài viết trên Facebook về dự án Nuôi em Nghệ An, cô Quang mạnh dạn tìm số điện thoại của Chị Đỗ Thị Nga (Trưởng đại diện quản lý dự án tại tỉnh Nghệ An) để bày tỏ mong muốn xin bữa cơm trưa cho trẻ tại trường.
Sau khi chia sẻ về hoàn cảnh của các cháu, dự án Nuôi em Nghệ An hỗ trợ cho 84 cháu số tiền 8.000đ/ngày. Bên cạnh đó, hàng tháng, cô Quang và các giáo viên cũng vận động phụ huynh quyên góp thêm 3kg gạo, 2kg rau sạch để nấu cơm cho trẻ.
Tín hiệu đáng mừng, sau khi thực hiện dự án, năm thứ nhất tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng giảm rõ rệt so với các năm trước. Nhờ kết quả này mà phụ huynh rất phấn khởi, các giáo viên cũng thêm động lực an tâm công tác.
Với sự nỗ lực của bản thân, cô Lê Thị Quang đạt Giải thưởng công trình nghiên cứu Khoa học công nghệ năm 2009; đạt Giải 4 về xây dựng Mô hình bán trú dân nuôi dành cho trẻ mầm non ở vùng đặc biệt khó khăn.
Sau khi những sáng kiến này được công bố, áp dụng hiệu quả toàn tỉnh Nghệ An và giúp cải thiện sức khỏe trẻ cũng như nâng cao chất lượng giáo dục tại vùng khó.
“Nhận được những danh hiệu này tôi rất hạnh phúc. Bên cạnh sự ghi nhận, động viên, khích lệ cho cá nhân tôi thì nghĩ phần thưởng này cũng là phần thưởng chung dành cho tập thể ngôi trường vùng cao mầm non Xá Lượng. Vì chúng tôi có một tập thể sư phạm đoàn kết, kỷ cương và trách nhiệm”, cô Quang tâm sự.
Cô giáo Lê Thị Quang là điểm sáng của giáo dục mầm non tỉnh Nghệ An. (Ảnh: NVCC) |
Nữ giáo viên này cho rằng, nền giáo dục nước ta đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, bền vững và hội nhập quốc tế. Các chế độ chính sách dành cho giáo dục ngày được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo, sự phát triển công nghệ số giúp chất lượng giáo dục thay đổi.
Trong đó, giáo dục mầm non cũng có nhiều bước tiến vững chắc, hệ thống cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, đội ngũ được bổ sung tăng thêm số lượng, giáo năng động, sáng tạo hơn.
Sau 29 năm công tác trong ngành Giáo dục, cô giáo Lê Thị Quang đạt được nhiều thành tích, nhận được bằng khen, giấy khen như: Giải tư Khoa học công nghệ Nghệ An, cúp Bông sen vàng tỉnh Nghệ An; 7 sáng kiến cấp tỉnh; 3 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 18 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 6 Bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An, 2 Bằng khen của Bộ GD&ĐT và 1 Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam; danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc trong công tác GD&ĐT giai đoạn 1982 -2022… |
Tác giả: Phạm Tâm
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn