Ông Donald Trump làm chủ Nhà trắng, ngân hàng Việt lường trước nhiều biến động
- 15:57 15-11-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
4 tác động tới ngân hàng Việt Nam
Các đề xuất tăng thuế thương mại và quan điểm đối với việc can thiệp chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là những vấn đề mà giới quan sát và đầu tư vẫn đang theo dõi động thái của ông Donald Trump, khi ông bắt đầu kiện toàn dần bộ máy nhân sự để sẵn sàng cho nhiệm kỳ tới.
Theo Chứng khoán Vietcap, việc ông Donald Trump đề xuất tăng thuế thương mại có thể tác động đáng kể đến các nền kinh tế xuất khẩu như Việt Nam và gây ảnh hưởng gián tiếp đến lĩnh vực ngân hàng theo 4 hướng: tăng trưởng tín dụng, lãi suất, tỷ lệ nợ xấu và lợi nhuận.
Cụ thể, về tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng, Vietcap cho rằng chính sách thuế mới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại giữa Mỹ và Việt Nam và thúc đẩy doanh nghiệp FDI chuyển từ "friendshoring" (sản xuất tại các nước thân thiện) sang "onshoring" (sản xuất trong nước).
|
Vietcap đánh giá, trong kịch bản này, tăng trưởng tín dụng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do sản lượng xuất khẩu giảm, không chỉ đến từ các doanh nghiệp xuất khẩu mà còn từ các công ty cung ứng nguyên vật liệu cho các nhà xuất khẩu. Tác động tiếp theo có thể là sự suy giảm thu nhập lao động, dẫn đến tiêu dùng nội địa và nhu cầu vay đi xuống.
Theo Vietcap, động thái áp thuế của với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump đã từng có tác dụng góp phần tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ thông qua chiến lược “nearshoring” (chuyển sản xuất sang quốc gia gần Trung Quốc).
“Tác động tương tự như vậy cũng có thể xảy ra nếu Mỹ áp dụng mức thuế cao hơn đối với Trung Quốc, so với các quốc gia khác, qua đó có thể giảm thiểu một số tác động tiêu cực lên tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam”, Vietcap nhận định.
Dù vậy, các chuyên viên phân tích cũng không thể khẳng định rằng tác động tích cực trên có hoàn toàn bù đắp được áp lực đối với nhu cầu tín dụng từ việc tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa Việt Nam hay không.
Với vấn đề lãi suất, Vietcap cho rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể khiến USD mạnh lên do thuế quan cao hơn thúc đẩy lạm phát tại Mỹ, từ đó dẫn tới chính sách tiền tệ tương đối thắt chặt hơn so với kỳ vọng hiện tại.
“Tỷ giá USD/VND tăng có thể dẫn đến dòng vốn rút khỏi Việt Nam, các DN xuất khẩu có khả năng tích trữ USD và gây áp lực lên VND, từ đó làm hạn chế dư địa duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam”, các chuyên viên của Vietcap cảnh báo.
Ngay sau khi ông Trump được dự phóng là người chiến thắng trong cuộc bầu cử, tỷ giá tại các ngân hàng liên tục vọt tăng. Tỷ giá bán ra đã chạm trần trong khoảng một tuần qua, vượt 25.500 đồng/USD.
Về tỷ lệ nợ xấu, Vietcap cho rằng những tác động tiêu cực lên tăng trưởng tín dụng và lãi suất kể trên cũng có thể dẫn tới tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng tăng lên.
Ông Donald Trump |
Trong đó, những nhóm ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thay đổi nhu cầu và áp lực tỷ giá, từ đó gây áp lực lên chất lượng tài sản của ngân hàng.
Với vấn đề lợi nhuận sau thuế, trong trường hợp xấu nhất đối với cả ba yếu tố nên trên, Vietcap cho rằng lợi nhuận ròng của ngân hàng có thể gặp thách thức khi tăng trưởng tín dụng giảm, nợ xấu gia tăng.
Song tăng trưởng kinh tế trong nước mạnh có thể giúp giảm bớt áp lực và bù đắp phần nào cho mức giảm trong nhu cầu xuất khẩu, các chuyên gia phân tích kỳ vọng.
Còn theo các chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), trong ngắn hạn, đồng USD mạnh hơn sẽ làm tăng rủi ro giảm giá cho VND.
Nếu các chỉ số kinh tế của Mỹ vẫn mạnh mẽ, việc cắt giảm thuế có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, chi phí nhập khẩu cao hơn có thể gây ra rủi ro lạm phát tại Mỹ, có khả năng làm chậm quá trình cắt giảm lãi suất của Fed. Những thời gian kéo dài mà lãi suất USD cao sẽ gia tăng áp lực lên VND thêm nữa.
Trong một môi trường DXY mạnh, lãi suất USD neo cao là bất lợi lớn cho Việt Nam vốn đang không còn nhiều dư địa đối với chính sách tiền tệ. Lãi suất VND nếu tăng lên sẽ tác động tới khả năng phục hồi của các doanh nghiệp nội địa. Từ đó, lợi nhuận của ngành ngân hàng cũng có thể bị tác động tiêu cực.
Việt Nam có cơ hội giữ lãi suất ổn định
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, nhìn nhận việc đồng USD mạnh lên khi ông Trump nắm quyền là điều đương nhiên, nhưng biến động tỷ giá VND/USD sẽ không quá căng thẳng.
Theo ông Thịnh, thời gian qua, khi tỷ giá VND/USD tăng mạnh, NHNN đã phát hành tín phiếu hút bớt lượng thanh khoản dư thừa ra khỏi thị trường nhằm giảm áp lực tỷ giá, cho nên nếu trong tương lai áp lực tỷ giá gia tăng thì nhà điều hành cũng sẽ có động thái can thiệp nhằm ổn định thị trường.
Về lãi suất, ông Thịnh cho biết, hiện nay, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức 3,6-3,7% và Fed cũng đã giảm lãi suất và mặt bằng lãi suất chung của thế giới đang đi xuống. Vì vậy, không có lý do gì lãi suất huy động tăng cao, song cũng khó có thể giảm thêm.
Ông Thịnh nhận định Việt Nam có cơ hội giữ lãi suất ổn định như hiện nay hoặc nếu có tăng thì cũng không đáng kể trong năm 2025. |
Đồng quan điểm, ông Đinh Đức Quang - Giám đốc khối Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam - cho rằng kết quả bầu cử tại Mỹ sẽ ít có tác động trực tiếp đến lãi suất VNĐ và tỷ giá USD/VNĐ, do đồng tiền nội địa đang được quản lý chặt chẽ, trong khuôn khổ các hoạt động thương mại và đầu tư dài hạn hơn là công cụ đầu tư và đầu cơ ngắn hạn.
NHNN đã có các động thái can thiệp nhằm ổn định các thị trường. Khi tỷ giá USD/VNĐ tăng khá mạnh, cơ quan quản lý đã phát hành tín phiếu hút bớt lượng thanh khoản dư thừa ra khỏi thị trường nhằm giảm áp lực tỷ giá.
UOB Việt Nam dự báo, cơ quan quản lý sẽ chưa điều chỉnh các mức lãi suất chính sách (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, trần lãi suất huy động) và sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt các mức lãi suất can thiệp thương mại (lãi suất phát hành tín phiếu, lãi suất thị trường mở OMO) để giữ mặt bằng huy động ngắn hạn 3 tháng quanh mức 3-4% và dài hạn 12 tháng ở mức 5-6%.
Tác giả: Minh Anh
Nguồn tin: vietnamfinance.vn