Giáo viên không được ép học sinh nộp các khoản tiền ngoài quy định
- 09:02 12-11-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa. |
Chính phủ đang trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó đề xuất những quy định mà giáo viên không được làm.
Cụ thể, theo dự thảo, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập không được làm những việc viên chức không được làm theo quy định của pháp luật về viên chức. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài không được làm những việc bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, nhà giáo không được làm các việc sau:
- Phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức;
- Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, đánh giá người học;
- Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức;
- Ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật;
- Lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động giảng dạy, giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết thực tế hiện nay, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm có 6 nhóm đối tượng, chịu sự chế tài quản lý của các luật khác nhau.
Đó là công chức, viên chức, sĩ quan công an, sĩ quan quân đội, nhà giáo của các trường trong hệ thống các cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Như vậy, mặc dù đã có ít nhất là 06 luật trực tiếp quy định các chế tài quản lý nhà giáo, gồm Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học nhưng các nội dung quản lý nhà giáo vẫn chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ.
Trong các luật hiện nay, có 03 luật có nhiều quy định tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới nhà giáo là Luật Viên chức, Luật Giáo dục và Bộ luật Lao động. Trong đó, Luật Viên chức quy định những vấn đề chung về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức. Luật Giáo dục quy định toàn diện các vấn đề về hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có nhà giáo. Luật Giáo dục có tính chất của một luật khung nên các quy định về nhà giáo chưa đầy đủ và toàn diện, nhất là về phương diện tuyển dụng, sử dụng, quản lý.
Bộ luật Lao động quy định các chế tài quản lý người lao động, do đó nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ được chế tài chủ yếu từ góc độ lao động hợp đồng, các chế tài quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ gắn với các tiêu chuẩn, yêu cầu đáp ứng hoạt động nghề nghiệp chưa đầy đủ và đồng bộ với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
Bên cạnh đó, vì nhà giáo trong các cơ sở công lập hiện là viên chức giống như viên chức các ngành, lĩnh vực khác nên khi cần có những chế tài riêng có tính đột phá để phát triển đội ngũ sẽ không thể thực hiện được nếu chỉ thực hiện thông qua Luật Viên chức.
Dự án Luật Nhà giáo cụ thể hóa 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 07/7/2023 của Chính phủ, bao gồm: (i) Định danh nhà giáo, (ii) Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo, (iii) Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; (iv) Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo, (v) Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Theo đánh giá, Luật Nhà giáo sẽ căn cứ pháp lý cao nhất để xã hội ghi nhận và đồng thuận đối với vị trí, vai trò của nhà giáo, sự chuyên nghiệp của nghề dạy học.
Đồng thời là chế tài pháp lý đủ mạnh để xã hội giám sát hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; phản biện với hành vi sai trái của nhà giáo (nếu có) cũng như bảo vệ nhà giáo nếu nhà giáo bị các cá nhân/tổ chức ứng xử sai trái trong hoạt động nghề nghiệp; tạo cơ sở pháp lý để triển khai chủ trương xây dựng xã hội học tập và xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tác giả: Đỗ Như
Nguồn tin: vneconomy.vn