Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


'Âm mưu' nghìn tỷ của GFDI: Lôi kéo cả người thân, phút cuối vẫn dụ khách xuống tiền

Mặc dù đã mất khả năng chi trả nhưng trước khi tạm ngừng hoạt động trên toàn hệ thống, GFDI vẫn tung ra gói ưu đãi, mời gọi khách tham gia.

Cả nhà cùng tham gia

Tối 5/11, sau thông báo Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI (trụ sở trên đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) sẽ tạm ngừng giao dịch trên toàn hệ thống và chậm chi trả cho một số hợp đồng đầu tư của khách hàng, mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm “Tố cáo GFDI”.

Có nhóm số người tham gia lên đến hơn 13.000 người, trong đó chủ yếu là những khách hàng của GFDI, nhân viên cũ của GFDI…

Một khách hàng dấu tên cho biết, chị ở Quảng Nam, có người em họ làm tại GFDI Đà Nẵng. Do tin tưởng em họ là người học ngành Luật ra, công ty có nhiều chi nhánh, xây nhà máy sản xuất thức ăn đóng gói tại Quảng Nam nên gia đình chị đã tham gia đầu tư vào GFDI. Không chỉ số tiền của vợ chồng chị mà còn cả số tiền của bố mẹ (tiền dưỡng già) đều đổ vào GFDI tổng cộng gần 2 tỷ đồng.

 Công an khám xét trụ sở Công ty GFDI trên đường 29/3 (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) ngày 8/11.

“Giờ tôi không biết phải sống tiếp ra sao, mất tiền, mất luôn họ hàng, không còn gì hết”, người này đau buồn chia sẻ.

Một khách hàng khác cũng cho biết, chị mới chuyển tiền đầu tư vào GFDI ngày 4/11 thì ngày 5/11 nghe tin công ty phá sản.

“Tiền tôi vẫn còn đó, công ty chưa đi đầu tư sao mất được, tại sao không trả lại cho tôi. Đó là tất cả những gì tôi có”, chị này đau khổ.

“600 triệu đồng tích góp trong 10 năm, giờ trắng tay cùng với hơn 200 triệu đồng tiền nợ. Chỉ biết trách mình chứ trách ai”, một khách hàng khác cho hay.

Anh T.T.T.V. (trú quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) cho biết, cách đây gần 4 năm, anh và một người bạn cùng góp vốn đầu tư vào công ty với số tiền 120 triệu đồng. Lãi suất năm đầu tiên mà 2 người nhận được là 60 triệu đồng.

Thấy lãi cao nên anh V. tiếp tục đầu tư thêm 3 hợp đồng nữa và đã nhiều lần nhận lãi suất. Tháng 10 vừa rồi là đến kỳ đáo hạn, anh V. tính rút hết nhưng nhân viên công ty bảo tăng thêm lãi suất. Tuy nhiên, do có việc gia đình nên anh rút 1 hợp đồng, còn lại 3 hợp đồng, với tổng số tiền 450 triệu đồng. Ba hợp đồng này đến Tết sẽ đáo hạn và tiền lãi là 200 triệu đồng.

“Thời gian đầu công ty trả lãi suất rất cao, sau đó có giảm dần và lúc nào cũng trả đúng hạn. Công ty có giới thiệu đầu tư nhiều mảng nên tôi cũng tin tưởng và rủ người thân cùng đầu tư”, anh V. nói.

Tung gói ưu đãi phút chót

Theo các khách hàng, trước khi công ty thông báo tạm ngừng giao dịch, GFDI vẫn ra thông báo tổ chức chương trình ưu đãi tháng 11.

Cụ thể, với hợp đồng trị giá các mức từ dưới 500 triệu đồng, từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, từ 1 tỷ đồng trở lên, công ty sẽ tặng phần quà bằng tiền mặt giá trị lần lượt bằng 0,5%, 1% và 1,5% giá trị hợp đồng.

Đồng thời, GFDI lưu ý chỉ có những khách hàng mới ký hợp đồng với giá trị tối thiểu 150 triệu đồng mới được thụ hưởng chương trình nêu trên.

 Ông Nguyễn Quang Hoàng (áo trắng) là Giám đốc, người đại diện pháp luật đồng thời là Chủ tịch hội đồng thành viên, chủ sở hữu Công ty GFDI.

Đáng nói, chương trình ưu đãi được triển khai rất chóng vánh, chỉ áp dụng trong 2 ngày, từ 4-5/11.

Công ty GFDI cũng lưu ý chỉ có những khách hàng mới ký hợp đồng với giá trị tối thiểu 150 triệu đồng mới được thụ hưởng chương trình nêu trên.

Ngày 8/11, Công an TP. Đà Nẵng đã tiến hành khám xét khẩn cấp tại trụ sở chính, Sở giao dịch hội sở của Công ty GFDI và nhà riêng của Nguyễn Quang Hoàng cùng các đối tượng có liên quan.

Công an đã thu giữ nhiều tài liệu, dữ liệu điện tử và tài sản có liên quan đến hành vi phạm pháp của các đối tượng phục vụ công tác điều tra.

Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an TP. Đà Nẵng) xác định, Công ty GFDI thành lập năm 2018, vốn điều lệ 80 tỷ đồng (tại địa chỉ trụ sở chính tại số 92, đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), do ông Nguyễn Quang Hoàng là Giám đốc, người đại diện pháp luật đồng thời là Chủ tịch hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty.

Từ khi thành lập cho đến nay, Nguyễn Quang Hoàng xây dựng mô hình kinh doanh của công ty theo hướng vay tiền của người dân bằng hình thức ký kết “Hợp đồng vay tài sản”.

Từ tháng 11/2023, do việc đầu tư kinh doanh thua lỗ, mất khả năng tài chính nên để duy trì hoạt động của công ty, Nguyễn Quang Hoàng đã tổ chức, chỉ đạo cho nhân viên “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của khách hàng dưới hình thức ký hợp đồng vay tiền, sử dụng tiền vay của người sau trả cho người trước.

Đến đầu tháng 11/2024, công ty mất khả năng chi trả cho 7.541 khách hàng với tổng số tiền dư nợ gốc hơn 3.700 tỷ đồng.

Tác giả: Khánh Hồng

Nguồn tin: vietnamfinance.vn