Bỏ điểm cộng nghề, làm sao trường nghề tuyển sinh?
- 10:32 06-11-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Lưu Thanh Tòng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - Giáo dục thường xuyên (GDTX) quận Tân Phú (TP HCM), cho biết ngay sau khi nhận được bản dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025, ông đã có biên bản đóng góp ý kiến, trong đó có 2 điểm cần được điều chỉnh để phù hợp hơn.
Cộng điểm là ưu điểm của hệ nghề
Cụ thể, điều 44 quy định về điểm khuyến khích, đề nghị bổ sung cộng điểm khuyến khích cho học sinh GDTX có bằng trung cấp nghề và chứng chỉ công nghệ thông tin cơ bản. Tại khoản 1 điều 13 quy định về thành phần của ban coi thi, đề nghị bổ sung đối tượng là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trung tâm GDNN-GDTX...
Bà Hồ Thị Phước Thọ, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận 7 - TP HCM, cho biết mặc dù Bộ GD- ĐT chỉ mới đưa ra dự thảo nhưng cũng tạo nhiều ý kiến trái chiều, gây lo lắng cho học sinh.
Đa số học sinh chọn học GDNN - GDTX ở TP HCM đều trượt cả 3 nguyện vọng vào THPT công lập. Chỉ có một số ít là học sinh có định hướng học nghề từ sớm.
Tại trung tâm GDNN-GDTX quận 7, học sinh có thể chọn học văn hóa hoặc học song song văn hóa và nghề tự chọn. Tùy theo nhu cầu của học sinh mà trung tâm bố trí lớp học phù hợp. Trung tâm phối hợp với Trường CĐ Giao thông Vận tải đường thủy II và Trung cấp Việt Giao để đào tạo nghề. Học sinh được học trung cấp nghề ngay từ lớp 10, đến hết năm lớp 11 sẽ hoàn thành chương trình đào tạo nghề.
"Chất lượng học sinh đầu vào các trường trung cấp, trung tâm GDTX thấp hơn so với trường THPT công lập. Vì vậy, điểm cộng nghề nên có để khuyến khích học sinh. Đây cũng là ưu điểm giúp học sinh có động lực, không bỏ học giữa chừng. Trung tâm cũng lấy đó làm "chìa khóa vàng" để tuyển sinh hằng năm. Nếu Bộ GD- ĐT quy định bỏ điểm cộng thì cần phải đưa ra lộ trình phù hợp để học sinh và giáo viên chuẩn bị hướng đi khác" - cô Thọ cho biết.
Tốt nghiệp THCS, nhiều học sinh ở huyện Củ Chi - TP HCM lựa chọn học nghề |
Thay đổi để nỗ lực học tập
Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024 và những năm trước đó, học sinh giáo dục THPT, học viên GDTX được cộng điểm khuyến khích từ 1-2 điểm căn cứ vào xếp loại gửi trong giấy chứng nhận nghề.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, nhu cầu nhân lực trong thời đại số tăng cao. Yêu cầu tay nghề, kỹ năng công nghệ, ngoại ngữ, kỹ năng mềm cũng tăng theo.
"Không riêng gì TP HCM, cả nước đang thực hiện phân luồng và GDNN với học sinh THCS và THPT. Nếu bỏ cộng điểm khuyến khích cho học sinh học nghề, vô tình sẽ đi ngược lại với việc khuyến khích phân luồng, GDNN của thành phố. Những năm về sau, việc tuyển sinh nghề sẽ rất khó khăn" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng bỏ cộng điểm là hợp lý. ThS Trần Minh Phụng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Củ Chi (huyện Củ Chi), cho rằng muốn công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS hiệu quả, các trường nghề cần thay đổi từ "gốc", cụ thể là nâng cao chất lượng đào tạo. Nếu giữ nguyên quy định cộng điểm như những năm vừa qua sẽ khiến học sinh có "lối mòn" trong suy nghĩ, học sinh không thực sự nỗ lực học tập mà trông chờ vào tấm "vé vớt" trị giá từ 1-2 điểm.
"Không có điểm cộng, bắt buộc các em phải nỗ lực học tập nhiều hơn. Việc học sẽ khó khăn hơn với các em nhưng điều này giúp các em có thể khẳng định mình, xã hội cũng có những đánh giá tích cực hơn học sinh trường nghề. Góp phần xóa tan suy nghĩ rằng học trường nghề thì sẽ yếu văn hóa" - thầy Phụng phân tích.
Thêm nguyện vọng nghề là cần thiết Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" ban hành kèm Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ, xác định mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công tác phân luồng vẫn còn tồn đọng nhiều khó khăn. Vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cũng đề xuất bổ sung lựa chọn nguyện vọng 4. Đây là nguyện vọng để học sinh đăng ký vào các cơ sở GDNN phù hợp trên địa bàn. Việc bổ sung nguyện vọng là điều cần thiết để học sinh có thêm cơ hội lựa chọn những hướng đi mới. |
Tác giả: Huế Xuân
Nguồn tin: Báo Người Lao Động