Lo sốt vó học phí cho con, cha 'đơn thân' rảo xe khắp xóm coi có ai kêu mần việc không
- 09:59 06-11-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tân sinh viên Lê Thị Mỹ Hạnh, Trường đại học Văn hóa TP.HCM - Ảnh: Mậu Trường |
Cha "đơn thân" thương con vô bờ, làm từ nghề xây dựng, móc mương đến… mổ heo
Những ngày tháng 10, tiết trời miền Tây ẩm ương khiến công việc của anh Nghiên không được thuận lợi. Các công trình xây dựng gần nhà cũng đã hết việc, móc mương, bồi bùn cũng không có ai mướn, công việc mổ heo đêm có đêm không.
Cả ngày, anh Nghiên chạy chiếc xe cà tàng khắp trong xóm để dò ai kêu công việc gì đó để mần tạm ít hôm, kiếm tiền đóng tiền học cho con.
Mới bước sang tuổi 44, anh Nghiên trông già hơn rất nhiều so với độ tuổi thật của mình. "Đời tôi chưa một ngày được nghỉ ngơi đúng nghĩa, cũng chưa từng rời khỏi xóm làng nửa bước chân. Mở mắt dậy mỗi ngày là phải lo miếng ăn cho hai đứa con gái và cha mẹ đã lớn tuổi".
Năm 2006, cơn bão số 9 (bão Durian) đã xô sập căn nhà của gia đình anh Nghiên ở xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Cùng thời điểm này, ngay trong tổ ấm của gia đình anh cũng đã nổi lên một cơn bão khác. Vợ của anh đã lặng lẽ bỏ 3 cha con ra đi tìm hạnh phúc mới, bỏ lại 2 đứa con gái của anh là Lê Thị Mỹ Tiên mới 5 tuổi và Lê Thị Mỹ Hạnh 18 tháng tuổi.
"Bão số 9 đánh sập ngôi nhà lá, mẹ tụi nhỏ vốn đã bất mãn với hoàn cảnh nghèo khó bên chồng nên bữa đó nói đi mua sữa cho mấy đứa nhỏ rồi bỏ đi luôn. Từ đó đến nay cũng không một lời hỏi han, thăm nom mấy đứa con", bà Nguyễn Thị Giỏi, bà nội của hai chị em Tiên và Hạnh, kể lại.
Cô con gái học giỏi nhờ YouTube
Tân sinh viên Lê Thị Mỹ Hạnh và cha của mình, anh Lê Văn Nghiên - Ảnh: Mậu Trường |
Hai chị em Tiên và Hạnh lớn lên trong cảnh nghèo khó, túng thiếu. Cả nhà không ai biết chữ nhưng ông bà nội ráng làm để lo cho hai chị em được đi học.
Hằng ngày ông bà nội đi cắt lúa mướn, bồi bùn thuê; còn anh Nghiên ngày đi phụ hồ, đêm đến các lò mổ phụ mần heo. Gia đình cầm cự được đến khi Tiên lên lớp 9, kinh tế khánh kiệt nên Tiên phải nghỉ học đi làm công nhân, nhường cho Hạnh đến trường.
"Chị Tiên nghỉ học thật, rồi đi làm công nhân. Chị tôi học rất giỏi, nên khi nghỉ học, chị vô cùng buồn. Tôi thấy day dứt và hứa sau này sẽ phải ráng học giỏi như chị", Mỹ Hạnh nói.
Không có tiền học thêm như nhiều bạn trong lớp, Hạnh chọn cách học trên các nền tảng mạng xã hội. "Trong quá trình học, tôi thường hệ thống hết kiến thức ngay trên lớp. Rồi tôi mở rộng kiến thức trong sách giáo khoa và nghe thêm các bài giảng của các thầy cô trên YouTube. Đặc biệt những phần nào còn yếu, tôi tập trung vào tìm hiểu thật kỹ, thật sâu và làm thật nhiều các bài tập nâng cao", Hạnh chia sẻ bí quyết học.
"Từ khi bước vào THPT, tôi không ngừng cố gắng, bởi tôi biết bản thân mình là con nhà nghèo thì phải nỗ lực gấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần những người khác", Hạnh tâm sự.
Dù không đi học thêm nhưng nhờ phương pháp học hợp lý nên kết quả những năm học THPT của Hạnh luôn đạt loại giỏi và nằm trong top 4 của lớp. Mới đây, Hạnh đã đậu vào đại học và trở thành tân sinh viên ngành du lịch của Trường đại học Văn hóa TP.HCM.
Trong hồ sơ gửi về học bổng Tiếp sức đến trường của Tuổi Trẻ, Hạnh nói: "Thử thách lớn nhất của tôi là những định kiến của xã hội về việc con nhà nghèo thì nên học sư phạm, còn không thì nên đi làm. Tôi suy nghĩ khác, chúng ta đều có những lựa chọn riêng của mình, chẳng ai có thể chứng minh được những người lựa chọn hoặc đi trái với quan điểm đó đều thất bại. Có rất nhiều người thành công trong cuộc sống có điểm xuất phát rất là thấp. Họ từng là những học trò nghèo vươn lên bằng chính sức lực của bản thân. Nhìn những tấm gương đáng ngưỡng mộ như thế tôi mới có thể vượt qua được những thách thức trong cuộc sống".
Ngày Hạnh thông báo đậu đại học, cả nhà ai cũng vỡ òa hạnh phúc bởi cô là người duy nhất trong gia đình học lên đại học. Nhưng niềm vui thoáng chốc bỗng trôi qua, nỗi lo lắng, ái ngại lại bao trùm vì gánh nặng học phí.
Ông Hồ Thanh Phương, trưởng ấp Tân Lợi (xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), cho biết gia đình của Lê Thị Mỹ Hạnh thuộc diện cận nghèo.
"Trụ cột chính của gia đình là anh Lê Văn Nghiên, nhưng hằng ngày đi làm thuê làm mướn nên thu nhập cũng bấp bênh. Cuộc sống vốn khó khăn nay lại có con học đại học nên càng khó khăn hơn", ông Phương nói.
Mô hình giúp nhau đóng học phí cho con trong xóm nhỏ Anh Nghiên nhớ lại ngày con gái báo đậu đại học, anh như đang nằm mơ bởi quá vui và hạnh phúc. Nhưng anh lại chợt nhớ đến chuyện cách đây vài hôm, một người bạn của anh cũng có con vào đại học phải cầm sổ đỏ, bán bò để lo cho con nhập học, anh lại chạnh lòng. Bởi anh biết trong nhà hiện không còn gì quý giá để có thể bán lấy tiền đóng tiền học. Cuối cùng, anh cùng với một vài người bạn cùng khổ trong nhóm làm thuê chọn cách hỗ trợ nhau đóng học phí. "Ví dụ con của người nào trong nhóm đến kỳ đóng tiền học thì anh em tụi tui xúm lại người góp một ít để lo cho đủ. Đến lượt con của người khác cần tiền trang trải thì cũng làm y chang vậy. Nhờ vậy con gái tui cũng đã đủ tiền nhập học ban đầu. Còn những kỳ học tới chưa biết tính thế nào", anh Nghiên nói. |
Tác giả: Mậu Trường
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ